Đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5: Sân khấu sôi động, phim Việt thắng lớn

Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay ghi nhận sự tác động rõ rệt của thời tiết đến lựa chọn của người dân TPHCM. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong nhà được ưu tiên.

Khán giả giao lưu với đoàn phim "Lật mặt 7: Một điều ước". Ảnh: ĐPCC
Khán giả giao lưu với đoàn phim "Lật mặt 7: Một điều ước". Ảnh: ĐPCC

Sàn diễn vui hơn tết

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, các suất diễn sân khấu ghi nhận thành công lớn, thậm chí vượt mức trung bình dịp tết. Theo thông tin từ Sân khấu kịch Idecaf, các suất diễn của chương trình Ngày xửa ngày xưa 35 ở Nhà hát Bến Thành đều kín rạp.

Các vở diễn tại Nhà hát Thanh Niên - Nhà văn hóa Thanh niên số vé bán ra luôn đạt hơn 70%. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, các vở đều đạt lượng khán giả hơn 80%. Riêng vở kịch thiếu nhi Đại náo long cung diễn vào sáng 30-4, khán giả đến gần như kín rạp. Sân khấu kịch Hồng Vân tại Nhà văn hóa Sinh viên TPHCM trong những ngày nghỉ lễ cũng đều bán hết vé.

Được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước, chương trình kịch xiếc Ầu ơ - Thanh âm đầu đời được xem là “món lạ” mà Nhà hát nghệ thuật Phương Nam giới thiệu đến khán giả nhỏ tuổi thành phố dịp này.

8 suất diễn của chương trình thu hút khoảng 400 vé/suất diễn, đạt gần 70% lượng ghế của rạp xiếc. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mong muốn của đơn vị. Theo đại diện Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, có thể do kỳ nghỉ lễ kéo dài, phụ huynh cho con đi chơi xa nên lượng khán giả không như dự kiến. Đơn vị hiện đặt nhiều hy vọng vào kỳ nghỉ hè sắp tới, thời điểm vở sẽ được diễn thường xuyên hơn.

Lật mặt 7 xô đổ các kỷ lục phòng vé

Tính đến 13 giờ ngày 1-5, theo Box Office Vietnam, bộ phim Lật mặt 7: Một điều ước có doanh thu hơn 175 tỷ đồng với 39.110 suất chiếu cùng 1.967.362 vé đã bán ra. Trước đó, phim cũng cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày khởi chiếu chính thức, phá kỷ lục của các phần phim trước đây do chính Lý Hải thực hiện. Thậm chí, trong ngày 30-4, phim đã gần chạm mốc doanh thu 40 tỷ đồng/ngày.

Đánh giá về thành công của Lật mặt 7: Một điều ước, giới phê bình có chung một nhận định, chất lượng bộ phim là yếu tố quyết định những kỷ lục về doanh thu. Lật mặt 7: Một điều ước kể câu chuyện về một bà mẹ đơn thân, tự mình nuôi 5 đứa con, mỗi đứa con là một kiểu gia đình mà chúng ta có thể bắt gặp đâu đó.

Câu chuyện và thông điệp về gia đình được truyền tải trong Lật mặt 7: Một điều ước cũng không mới mẻ. Ngay cả câu hỏi đầy đau đáu, khi cha mẹ già trách nhiệm thuộc về ai, Lý Hải cũng không tìm cách trả lời thay cho khán giả. Anh để mỗi người xem tự chiêm nghiệm, tự vấn lòng mình.

Trong phim, không ít lần anh cố gắng tiết chế lời thoại, dành những khoảng trống cho khung hình kể chuyện, thêm thời gian cho khán giả suy ngẫm. Thủ pháp này, cộng với việc tạo ra không khí chân thật từ câu chuyện, bối cảnh, diễn viên, lời thoại… đã phát huy tác dụng và tạo ra điểm chạm với khán giả.

Có không ít ý kiến cho rằng, hành trình viếng thăm bất đắc dĩ của bà Hai đến với từng gia đình người con nặng tính sắp đặt, lúc nào cũng có kết thúc có hậu, dù đôi khi có những tình tiết được cho là vô lý, khiên cưỡng. Tuy nhiên, cái hay của Lý Hải là rất biết cách để khán giả bỏ qua, không “vạch lá tìm sâu”, thông cảm và tha thứ. Điều này xuất phát từ việc suốt hành trình 10 năm làm series Lật mặt, Lý Hải đã khéo léo cho đi không ít để đổi lại nhận về sự yêu thương.

Bên cạnh đó, đan cài giữa những câu chuyện cuộc sống, từng phần phim Lật mặt cũng không quên tôn vinh các giá trị văn hóa, truyền thống… của mỗi vùng miền, nơi bộ phim chọn dừng chân làm bối cảnh.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, thị trường hầu như vắng bóng các bom tấn ngoại đình đám. Bộ phim ngoại nhập được đánh giá cao nhất là Vây hãm: Kẻ trừng phạt (Hàn Quốc) dù được đánh giá cao về chất lượng, cùng sự tham gia của ngôi sao Ma Dong Seok cũng chịu cảnh lép vế hoàn toàn. Tính đến chiều 1-5, phim mới có doanh thu hơn 16 tỷ đồng.

Các phim hoạt hình dành cho gia đình là: Mèo mập mang 10 mạng, Mùa hè của Luca, Gấu béo tung chưởng… cũng không có doanh thu đột phá. Các phim Việt khác chiếu dịp này như B4S: Trước giờ “yêu” và Cái giá của hạnh phúc hoặc không được khán giả đón nhận, hoặc chìm trong các tranh cãi về chất lượng.

Cụ thể, dù có 2 cái tên đình đám của màn ảnh rộng là Xuân Lan - Thái Hòa, phim Cái giá của hạnh phúc cũng chỉ đạt mức doanh thu khoảng 23 tỷ đồng sau hơn 2 tuần công chiếu. Trong khi đó, gây tranh cãi khi bị xem là phim Việt 18+ “bạo nhất” thì B4S: Trước giờ “yêu” cũng chỉ đạt khoảng 3,7 tỷ đồng sau hơn 10 ngày ra rạp.

Tin cùng chuyên mục