Vĩnh biệt nhạc sĩ Huy Du - Người hát tình ca qua lửa đạn

Vĩnh biệt nhạc sĩ Huy Du - Người hát tình ca qua lửa đạn
Vĩnh biệt nhạc sĩ Huy Du - Người hát tình ca qua lửa đạn ảnh 1

Nhạc sĩ Huy Du

Đã khá lâu, khi còn là một thanh niên mới lớn lên, tôi có dịp nghe mấy câu hát về Hà Nội, sao mà yêu thương, tha thiết: “Ai về thủ đô, tôi gửi vài lời / Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó / Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà / Đi học về qua luôn hát vui ca...” (“Sẽ về thủ đô” - 1948). Sau đó ít lâu, lại nghe một giai điệu rất đỗi mượt mà, vui tươi: “Tôi yêu hòa bình như đôi chim xanh ríu rít ca bình minh / Tôi yêu quê người ánh mắt sáng ngời đang hát vui bên trời...” (“Tôi yêu hòa bình” - 1950).

Bạn bè trong giới âm nhạc cho biết tác giả của các ca khúc trên là Huy Du. Và từ đó, tôi còn có dịp được nghe các bài hát khác đầy ấn tượng của anh như “Ba Vì năm xưa” (1948), “Chiều quê hương” (1950), “Hát nữa đi em” (phỏng thơ Trần Hữu Thung -1955)... Thế là tôi cứ mong có ngày được gặp mặt và làm quen với người nhạc sĩ tài hoa này.

Cuối năm 1957, tham dự Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Nội, tôi cố ý tìm gặp nhạc sĩ Huy Du. Hồi ấy, số lượng hội viên đầu tiên còn rất ít, chưa đến 50 người, vì thế tôi tin rằng chắc thế nào cũng dễ dàng gặp được anh. Thế nhưng, tôi đã thất vọng vì anh không có mặt trong đại hội này. Hỏi ra mới biết, trước đó một năm - 1956 - anh đã được cử đi du học tại Nhạc viện Bắc Kinh. Mấy năm sau đó, anh tốt nghiệp khóa học, về nước và tham gia hội và thế là tôi được gặp anh và trở thành quen biết. Sáu năm sau đại hội đầu tiên, đến Đại hội lần thứ hai vào giữa năm 1963, nhạc sĩ Huy Du được bầu vào Ban chấp hành hội và được cử làm Phó tổng thư ký. Và cũng với tài năng và uy tín của mình, trong Đại hội lần ba năm 1983 anh lại trúng cử vào Ban chấp hành hội và được bầu làm Tổng thư ký trong suốt 12 năm liền.

Suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cũng như trong kháng chiến chống Pháp, Huy Du liên tục phục vụ trong quân đội và sáng tác về đề tài người lính. Và đó cũng là thời kỳ sáng tác của anh nở rộ nhất. Trong bom đạn chiến tranh ác liệt, các ca khúc của anh vẫn vang lên hùng tráng. Những câu hát trong bài “Anh vẫn hành quân” thôi thúc người lính đi lên: “Anh vẫn hành quân trên đường ra chiến dịch / Mé đồi quê anh bước trăng non ló đỉnh rừng / Anh vẫn hành quân lưng đèo qua bãi suối / Súng ngang đầu anh gối anh qua khắp tuyến đường...”.

Sau này khi có dịp gặp lại Huy Du, tôi được nghe anh kể: Gắn chặt đời mình với cách mạng và cuộc sống quân đội, nên anh rất tâm đắc khi tình cờ đọc được bài thơ “Anh vẫn hành quân” của nhà thơ Trần Hữu Thung đăng trên báo Văn Nghệ. Đó là vào năm 1964, khi tình hình cuộc chiến chống Mỹ đang ngày càng ác liệt. Bài thơ của Trần Hữu Thung ra đời đã đề cao tinh thần, ý chí chiến đấu của quân đội ta không ngừng hành quân đánh giặc. Và nhạc sĩ Huy Du đã tìm thấy ở đây ý tứ cho một sáng tác mới của mình phục vụ quân đội. Hồi đó, anh chưa có dịp gặp mặt Trần Hữu Thung, nhưng qua bài thơ, anh đã đồng cảm với tác giả để từ đó viết nên ca khúc “Anh vẫn hành quân”.

Có một ca khúc trữ tình tha thiết của Huy Du ra đời trong chiến tranh làm xao xuyến bao con tim kiên cường nhưng đầy lạc quan, yêu đời: “Khi chiếc lá xa cành / Lá không còn màu xanh / Mà sao em xa anh / Đời vẫn xanh rời rợi / Có gì đâu em ơi! / Tình yêu là sự sống / Nên nắng hửng trong lòng…”. Sau ngày thống nhất đất nước, khi gặp nhạc sĩ Huy Du, trả lời câu hỏi tò mò của tôi về hoàn cảnh ra đời của ca khúc đáng yêu này, anh tâm sự: Năm 1962, một hôm anh tình cờ đọc được bài thơ “Tình em” đăng trên báo Văn Nghệ hồi ấy của tác giả Ngọc Sơn. Là một nhạc sĩ quân đội, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Huy Du thường phải xa gia đình và những người thân yêu để công tác và sinh hoạt với đồng đội. Chính vì thế, nên khi đọc bài thơ trên báo, anh đồng cảm ngay và nhận thấy như nhà thơ đã nói đúng suy nghĩ của mình về tình yêu gắn bó giữa người lính ở chiến trường và người thân yêu ở hậu phương.

Có thể nói, hầu hết các sáng tác của nhạc sĩ Huy Du đều phản ánh mọi khía cạnh hoạt động của người lính và được quần chúng yêu thích. Viết về anh hùng lực lượng vũ trang, Huy Du có các sáng tác nổi tiếng “Bế Văn Đàn sống mãi” (phỏng thơ Trinh Đường - 1963), “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (lời Xuân Sách - 1967)... Viết về biên cương anh hùng ngoan cường đánh giặc, Huy Du có các bài “Bạch Long Vĩ, đảo quê hương” (1966), “Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi” (1965), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (1971)... Kể cả anh chị nuôi quân mà “vũ khí ta mang đâu có là tên lửa” cũng đã được Huy Du viết tặng một ca khúc sôi nổi “Nổi lửa lên em” (phỏng thơ Giang Lam - 1968). Một sáng tác của anh vừa trầm hùng vừa hoành tráng mãi đến nay khi chiến tranh đã lùi xa, giai điệu vẫn còn vang vọng. Tôi muốn nói đến bài “Đường chúng ta đi” (lời Xuân Sách - 1968): “Việt Nam trên đường chúng ta đi / Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó / Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời / Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước / Mà vui sao ta chẳng nói nên lời...”.

Năm 2000 tôi gặp Huy Du tại thành phố Hồ Chí Minh: “Độ này mình thử bước vào lĩnh vực hội họa cho vui. Đây tặng cậu tấm ảnh chụp một tác phẩm gần đây của mình!...”. Trong tranh, một ngọn núi sừng sững, dưới chân là thác nước trắng xóa. Thật hùng tráng mà gợi cảm! Nhạc cũng như tranh của Huy Du đều toát lên màu sắc hào hùng, khỏe khoắn nhưng đậm chất trữ tình, phóng khoáng.
Nhạc sĩ Huy Du không còn nữa. Xin vĩnh biệt anh, người hát tình ca qua lửa đạn…
 

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC
 

Vào lúc 20 giờ 50 tối 17-12-2007 (tức mùng 8-11 năm Đinh Hợi), người nhạc sĩ tài hoa, “người hát tình ca qua lửa đạn” - nhạc sĩ Huy Du - đã từ trần tại Bệnh viện Hữu Nghị - Hà Nội. Nhạc sĩ Huy Du sinh năm 1926 tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Nhạc sĩ Huy Du được công chúng cả nước nhiều thế hệ ngưỡng mộ bởi nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Anh vẫn hành quân, Tình em, Bạch Long vĩ đảo quê hương, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Nổi lửa lên em, Đường chúng ta đi, Đêm Trường Sơn, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát… Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất…

Lễ viếng nhạc sĩ Huy Du bắt đầu từ 11 giờ 30 thứ sáu ngày 21-12-2007 (tức ngày 12-11 năm Đinh Hợi) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào lúc 14 giờ 15 cùng ngày. Sau đó sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

T.H.

Tin cùng chuyên mục