Nhặt sạn văn nghệ

  • Phải có ngoặc kép

Tạp chí Tia Sáng - Khỏe của Bộ Khoa học - Công nghệ số 2 có bài: “Các sai lầm khi đánh Tào Tháo” của BS Thanh Bình. Người đọc cứ tưởng nói về chiến thuật của Khổng Minh (Thục) hay Tôn Quyền - Chu Du (Ngô) khi đánh Tào Tháo (Ngụy) trong Tam quốc diễn nghĩa. Đọc xong chỉ thấy cách chữa bệnh tiêu chảy của trẻ con, mới té ngửa: Tào Tháo ở đây chẳng phải là ông Tào Tháo mà là nói bóng gió bệnh tiêu chảy.

Trường hợp này cần phải để chữ Tào Tháo vào 2 dấu ngoặc kép để ám chỉ nghĩa khác.

CAO PHI YẾN

  • Sao lại là phi vụ?

Trong bài “Đem đà điểu đi nấu phở” nói về nhà tỷ phú Thiên Sanh Trí (đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần ra ngày 15-10-2006), tác giả Huy Thọ viết: “Chính công việc này đã đem lại cho Trí nhiều phi vụ béo bở trong lĩnh vực mua bán hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là hàng dệt thổ cẩm của người Chăm…”.

Văn cảnh ở đây là đang nói đến chuyện buôn bán chính đáng, sao tác giả lại nói là “phi vụ béo bở”? Từ phi vụ ta thường dùng để nói về một cuộc hoạt động của máy bay; ngoài ra còn có nghĩa là một cuộc hoạt động sai trái, xấu xa. Bởi vậy trong trường hợp vừa nói trên, chính từ phi vụ đã làm phản nghĩa câu văn.

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ

  • Một hành vi quá đáng ở tuổi học trò

Phim truyền hình nhiều tập “Mùi ngò gai” đang được phát sóng trên kênh 9 HTV có cảnh một nữ sinh vì ghét một người bạn cùng lớp nên đã lấy cả một xô nước tạt vào cô bạn khi đang đi vệ sinh. Hình ảnh “nạn nhân” với chiếc áo dài trắng bị ướt sũng nước khiến khán giả khó chịu.

Trong thực tế, các nữ sinh khi bực mình ai đó thì thường không thèm nói chuyện với bạn ấy hoặc có thể thì thầm to nhỏ về những điều không hay của bạn chứ không đến nỗi phải “hành động” hung tợn đến như thế... Đạo diễn, tác giả phim “Mùi ngò gai” dường như chưa rành tâm lý của các em nữ sinh.

NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP (P6, Q3)

Tin cùng chuyên mục