Đọc sách kiểu thời trang

Sách theo mùa
Đọc sách kiểu thời trang

Đọc sách trong văn hóa đọc luôn có rất nhiều nghĩa, ở đây chỉ xin nói đến loại hình cổ điển nhất là đọc sách in trên giấy và cũng chỉ tập trung vào một loại sách kinh điển nhất: sách văn học.

Sách theo mùa

Năm 2007 từng bị đánh giá là một năm ảm đảm đối với thị trường sách văn học khi lượng sách thuộc thể loại này bán ra giảm hơn một nửa so với năm 2006. Đó là chưa kể số tựa sách cũng giảm một cách rõ rệt. Thế nhưng, nếu đánh giá qua sự nổi tiếng thì năm 2007 lại ghi nhận nhiều sự kiện nổi bật liên quan đến sách văn học. Sau sự kiện phát hành tác phẩm Rừng Nauy của nhà văn Nhật Haruki Murakami, văn học Nhật Bản trở thành cơn sốt với hàng loạt tác phẩm tới từ đất nước Mặt trời mọc, hết Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami lại đến Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi rồi Amrita của nữ nhà văn Nhật Yashimoto Banana.

Nếu đầu năm, văn học Nhật làm mưa làm gió, thì khoảng giữa năm, lại là thời của Văn học châu Âu, với hàng loạt tác phẩm như Lụa, Quỷ cái vận đồ Prada, Đo thế giới… Đến giai đoạn cuối của năm 2007, văn học Trung Quốc lại nhẹ nhàng chiếm lĩnh vị trí trên các kệ sách: Kỳ án ánh trăng, Ngân thành cố sự, Tru tiên, Chốn xưa, Totem sói,…

Năm 2008, tình hình cũng không có gì thay đổi. Văn học Trung Quốc tiếp tục kéo dài quãng thời gian chiếm ưu thế với những tác phẩm khá thành công về doanh thu như Đau thương đến chết, Ác quỷ Nam Kinh...

Thời trang hay thực chất

Đọc sách kiểu thời trang ảnh 1

Sách rất nhiều nhưng để bạn đọc chọn sách phù hợp với mình lại không phải chuyện đơn giản. Ảnh: T.V.

Từ các sự kiện của thị trường văn học năm 2007 và cả nửa đầu 2008, giới phê bình, phân tích đặt nhiều lo ngại hơn là vui mừng trước việc sách văn học tạo được tiếng vang. Sự lo lắng này không phải ngẫu nhiên khi nhiều tác phẩm trong danh sách kể trên bị liệt vào danh sách tác phẩm có vấn đề “đồi trụy, khiêu dâm, bạo lực…”.

Có thể lấy ví dụ tác phẩm Totem sói. Ngay khi xuất hiện, tác phẩm này gây ra nhiều tranh cãi về giá trị tư tưởng với những lời bình luận ngược nhau: “ca ngợi tư tưởng bá quyền, phát xít” và “ca ngợi tính chủ động mạnh mẽ và quyết đoán trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt”. Kết quả, sách trở nên ăn khách và đóng vai trò quan trọng để văn học Trung Quốc tìm chỗ đứng mới trên thị trường sách trong nước.

Đó cũng là chuyện đã xảy ra với hầu hết các tác phẩm văn học ăn khách suốt năm 2007 và đầu 2008. Một Biên niên ký chim vặn dây cót đầy tính triết lý, một Amrita mệt mỏi, Đo thế giới mang phong vị hài hước bác học… Đặc biệt, những tác phẩm của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk như Tên tôi là đỏ, Tuyết, Lâu đài trắng… được đón nhận nồng nhiệt.

Nhận định về cái “sự” đọc theo trào lưu này, có nhà phê bình đã gọi đó là “thời trang đọc”. Người đọc tìm sách theo sự quảng cáo, sách nào đang “sốt” là phải đọc dù khả năng hay thói quen sở thích không mấy phù hợp với giá trị thật của sách. Kết quả là đôi lúc xảy ra những sự cố kỳ quặc như đã từng xảy ra với tác phẩm đoạt giải Nobel Tình ơi là tình của nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek.

Tác phẩm này ca ngợi sự nổi loạn của người phụ nữ tại một nơi mà giá trị của người phụ nữ bị hạ thấp. Để tạo ấn tượng, tác giả đã thể hiện khá lạ là viết chữ thường toàn bộ, kể cả đầu dòng, tên riêng, bỏ luôn cả dấu phẩy. Khi chuyển qua tiếng Việt dịch giả buộc phải giữ nguyên vì cách viết đó là để phục vụ cho nội dung tác phẩm. Thế nhưng rất nhiều người đọc theo kiểu thời trang lại không có thời gian hoặc vốn kiến thức để nhận ra điều này, kết quả là tác phẩm bị chê bai “cẩu thả trong dịch thuật vì không lẽ tác phẩm đoạt giải Nobel mà viết như vậy!”.

Lý giải hiện tượng đọc sách kiểu thời thượng này, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình đều quy vào lý do thiếu hụt sự định hướng cho bạn đọc. Hiện nay, trong bối cảnh cuộc sống bận rộn nhiều nỗi lo, độc giả chỉ có thể định hướng đọc cho mình dựa vào các bài giới thiệu sách mang nhiều tính quảng cáo hơn phê bình và bạn đọc cứ thế chạy theo sách “nổi tiếng” mà không cần biết nội dung sách ra sao?

Để phát triển văn hóa đọc lên một tầm cao mới thì cần sự phối hợp từ các NXB, người làm sách, nhà phê bình văn học để giúp bạn đọc tìm được những tác phẩm phù hợp nhất cho mình.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục