Phong trào khiêu vũ tại TPHCM: Vui và khỏe

Khiêu vũ đại chúng
Phong trào khiêu vũ tại TPHCM: Vui và khỏe

Bộ môn khiêu vũ hoạt động có tiếng ở Sài Gòn từ trước năm 1975 với những vũ trường sang trọng dành cho giới chức sắc trong bộ máy cầm quyền chế độ cũ, các thương gia và dân chơi lắm tiền nhiều của. Còn giới bình dân, SV-HS chỉ có thể mở party ở gia đình hoặc quán ăn để tụ tập nhau lại tổ chức khiêu vũ… Sau giải phóng, đến khoảng năm 1985 – 1986 thì khiêu vũ mới nổi lên với phát “pháo” đầu tiên tại Nhà Văn hóa Lao động TPHCM (nay là Cung Văn hóa Lao động TPHCM). Dần dần, tại TPHCM xuất hiện thêm nhiều sân chơi, CLB, sàn nhảy, tạo điều kiện cho nhiều giới có nơi giải trí, giao lưu…

Khiêu vũ đại chúng

6 giờ sáng hàng ngày trừ chủ nhật, tại Công viên Lê Thị Riêng, quận 10, CLB khiêu vũ dưỡng sinh ngoài trời Nhân Hòa với hơn 80 hội viên là các cô bác từ U50 đến U90 sinh hoạt nhộn nhịp. Ông Trần Thanh Sơn, 73 tuổi, chủ nhiệm CLB cho biết: “Thành lập từ năm 2005, đây là nơi để những người bạn già có dịp giao lưu, chia sẻ tâm tình về cuộc sống, gia đình và rèn luyện sức khỏe. Với nhiều chị em phụ nữ, khiêu vũ góp phần giúp lấy lại thể hình gọn gàng, săn chắc. Đặc biệt, có nhiều hội viên bị tai biến, tiểu đường, huyết áp… sau khi tập khiêu vũ vài năm đã có dấu rất hiệu khả quan về sức khỏe, tinh thần”.

Phong trào khiêu vũ tại TPHCM: Vui và khỏe ảnh 1

Cung Văn hóa Lao động TPHCM thu hút nhiều người lớn tuổi đến học khiêu vũ. Ảnh: AN DUNG

Trong khi đó, vào giờ học từ sáng đến chiều, tối ở các lớp dạy khiêu vũ của NVH Phụ nữ, Cung Văn hóa Lao động, NVH Thanh niên, TTVH quận huyện, cũng như các suất khiêu vũ ở vũ trường Sao Đêm, Hòa Bình, Bến Thành, Hướng Dương, Hoa Phượng… tiếng nhạc rộn ràng của vũ điệu tango, valse, rumba, cha cha cha, bebop… như mời gọi những đôi chân mê nhảy.

Phong trào khiêu vũ lan rộng thu hút hàng ngàn người tham gia. Tại các công viên Đầm Sen, Gia Định, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, Tao Đàn… cả thanh niên và người lớn tuổi thích khiêu vũ đều say những bước nhảy theo điệu nhạc.

Không chỉ thế, tại nhiều CLB hát với nhau như quán cà phê Sành Điệu (đường Cách Mạng Tháng Tám), Sóng Biển (Nguyễn Thông)… cũng thiết kế sàn nhảy trước sân khấu để phục vụ khách khiêu vũ.

Tính thử, trung bình hàng tháng các lớp khiêu vũ ở Cung Văn hóa Lao động đón khoảng 3.000 người, NVH Thanh niên có hơn 400 bạn trẻ tham gia và NVH Phụ nữ thu hút hơn 500 học viên... Số lượng đông người tham gia có thể khẳng định khiêu vũ luôn được yêu thích, song mối quan tâm của người tham gia sinh hoạt khiêu vũ hiện nay là nhìn vào bất cứ lớp học khiêu vũ nào cũng thấy hầu hết là nữ. Ngay cả lượng khách đến chơi ở các vũ trường đa số cũng là chị em.

Trong giới khiêu vũ, chuyện thiếu “kép” nam hiện là vấn đề… nan giải. Vì thế, nên “nghề dìu” khiêu vũ từ các vũ trường đến lớp học rất được chuộng. Làm nghề này không cần bằng cấp, hồ sơ lý lịch, chỉ cần biết khiêu vũ và khiêu vũ càng điệu nghệ càng tốt. Tuy nhiên, không có nghề nào sướng cả.

Thực tế có nhiều vũ trường không trả lương hoặc trả lương rất ít cho “kép”, chỉ 10.000 đồng/suất 3 giờ với nhiều quy định khắt khe. Thậm chí, có nơi không trả lương, nhưng “kép” nghỉ nhiều sẽ bị phạt tiền hoặc cho nghỉ luôn. Để sống được với nghề phải nhờ tiền “bo” của khách, vậy nên nhiều “kép” phải khéo móc nối thêm các show riêng với khách, mỗi show kiếm khoảng 100.000 – 200.000 đồng/suất 3 giờ, bình quân thu nhập hàng tháng khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng không thiếu trường hợp, “kép” trở thành trai “bao” của các bà sồn sồn nhiều tiền. Có bà nuôi hẳn một anh kép đẹp trai, nhảy giỏi để “a lô” là có ngay. Còn sau chuyện khiêu vũ là gì nữa thì không ai nói ra…

Mốt mới: khiêu vũ thể thao quốc tế

Phong trào khiêu vũ tại TPHCM: Vui và khỏe ảnh 2

Một buổi sinh hoạt tại Công viên Lê Thị Riêng của các hội viên CLB khiêu vũ dưỡng sinh ngoài trời Nhân Hòa.

Ở Hà Nội, loại hình này đang phát triển mạnh, được nhiều bạn trẻ theo đuổi, đam mê vì tiết tấu nhanh, sôi động, đòi hỏi kỹ thuật, độ dẻo dai… Nhưng tại TPHCM, khiêu vũ thể thao quốc tế vẫn đang từng bước khẳng định chỗ đứng. Nguyên nhân hạn chế một phần do thiếu những sàn tập đúng chuẩn nên người yêu thích khiêu vũ thể thao quốc tế khó tìm được nơi học, chơi, tập luyện.

Hiện nay, chỉ có một vài nơi dạy – học, có sàn tập rộng, phù hợp với loại hình này như CLB dance sport của đôi vũ sư Quang Lục – Bảo Bình ở Trung tâm TDTT đa môn Nguyễn Du, quận 1.

Tại đây chúng tôi gặp đôi bạn nhảy Huy Linh và Phương Trang đều là dân Hà Nội, vào TPHCM lập nghiệp khoảng 3 năm, rất mê khiêu vũ. Từ khi CLB thành lập, Linh và Trang chưa hề vắng buổi sinh hoạt nào. Với cặp vợ chồng U50 của anh Lương Đình Huyền (ở Bình Thạnh) thì: “Tôi tham gia dance sport vì muốn tìm sự mới lạ”.

Ngày nay, nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhiều người, nhiều giới ngày càng được xem trọng. Và khiêu vũ đang là một môn thể dục nghệ thuật được nhiều người chọn lựa vì có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp giảm stress, giữ gìn vóc dáng… Nhưng làm thế nào để bộ môn khiêu vũ có thể phát triển lành mạnh và tốt nhất theo hai xu hướng: cộng đồng và quốc tế hóa? Nên chăng cần có một đơn vị đứng đầu để quản lý, như thành lập hiệp hội khiêu vũ Việt Nam hay liên đoàn khiêu vũ ở các tỉnh thành như nhiều nước đã làm, để bộ môn khiêu vũ được định hướng, thi đua, có kế hoạch phát triển cụ thể.

Mặt khác, ở Việt Nam chưa có một trường lớp chính quy đào tạo khiêu vũ nghệ thuật bài bản, điều này khác với múa dân gian và múa hiện đại. Trong năm nay, tại TPHCM sẽ diễn ra hai cuộc thi: Giải vô địch khiêu vũ thể thao mở rộng TPHCM diễn ra vào tháng 9 và giải khiêu vũ thể thao mở rộng toàn quốc vào tháng 12-2008, thế nhưng lực lượng nòng cốt để phát huy loại hình này chưa nhiều, như vậy, dance sport ở TPHCM sẽ khó tạo được bước đột phá mới.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục