Một biến tướng xấu!

Mấy ngày qua, dư luận rất bất bình với những hình ảnh 2 học viên của FPT Arena múa khỏa thân trong đêm văn nghệ mừng FPT tròn 20 tuổi. Ở cái tuổi 20 đẹp nhất ấy, FPT đã giáng một cú cực sốc vào dư luận xã hội và công chúng qua màn trình diễn của 2 học viên không quần áo múa may quay cuồng mang tính chất đồi trụy.

Thế mà, trong phần trả lời của mình về sự việc đáng tiếc này trên Báo Thanh Niên số ra ngày 19-9, ông Mai Thanh Long, Giám đốc Trung tâm FPT Arena, cho rằng: Thực ra thì trang phục này được mô phỏng từ trang phục trong một bộ phim hài nổi tiếng của Anh (Borat) chứ không phải chúng tôi tự nghĩ ra. Các bạn ấy chỉ làm lại cho nó “funny” (buồn cười) hơn mà thôi. Tôi cũng xin nói thật là các bạn ấy biến tấu có hơi quá một chút như việc cắm thêm lông vào người…” (?!).

Chưa dừng lại ở đó, nếu xét về nội dung “bài hát” Đoàn FPT một lần ra đi làm nền cho màn “lố lăng” trong đêm văn nghệ nói trên lại càng không thể chấp nhận được. Với tất cả những ai đã từng yêu thích ca khúc nổi tiếng Đoàn Giải Phóng quân của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Đoàn Giải Phóng quân một lần ra đi/Nào có sá chi đâu ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi…” thì chắc hẳn không khỏi xót xa, chạnh lòng.

Ngay từ cái tựa bài Đoàn FPT một lần ra đi, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự chế lời bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như thế nào. Rồi còn chế lại nội dung bài hát hết sức bôi bác: “Ra đi, ra đi áo quần không có”… Việc làm này là một sự giễu cợt tệ hại đối với tính nghiêm túc, có thể nói là thiêng liêng của bài hát nổi tiếng đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ đấu tranh cách mạng. Chúng ta không cho phép bất cứ ai chế nhạo tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ giải phóng quân. Biến một sinh hoạt văn hóa của tuổi trẻ thành một hoạt động mang tính đồi trụy như vậy là phạm luật; Chế lời (copy phần nhạc) một bài hát cách mạng được cả dân tộc ngưỡng mộ là phạm luật về tác quyền trong âm nhạc. Bóp méo diện mạo một tác phẩm của người khác là hành vi thiếu đạo đức.

Để xảy ra điều tệ hại nói trên, trách nhiệm phải thuộc về người tổ chức và quản lý chương trình. Vấn đề còn lại không phải là chuyện rút kinh nghiệm chung chung, nhận khuyết điểm chiếu lệ, mà cần có sự xử lý nghiêm theo quy định hiện hành để tránh tái phát những trường hợp tương tự.

Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục