Thì chiêng đã vang...

Thì chiêng đã vang...

Càng ngày, người ta càng nhận rõ vai trò của cồng chiêng trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Càng ngày cồng chiêng càng tham gia một cách tự giác vào môi trường sống của người dân. Và chính cái môi trường sống ấy làm nên một không gian văn hóa cho chiêng tồn tại và phát triển.

Đoàn nghệ nhân huyện Jagrai biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Đoàn nghệ nhân huyện Jagrai biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Tuy thế, không phải là không có những thách thức, thậm chí là thách thức quyết liệt, một mất một còn, đã và đang chờ đợi. Nên nhớ là một trong những tiêu chuẩn để UNESCO quyết định trao bằng kiệt tác phi vật thể nhân loại là những cái ấy đang mất đi, sắp mất đi, sẽ vĩnh viễn mất đi, độc nhất vô nhị đang không được kế thừa.

Vì thế, hy vọng rằng sau khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nó sẽ trở nên đủ đầy nhộn nhịp là không tưởng và phi lý, bắt nó hòa nhập vào đời sống đương đại như một tất yếu, như một vật dụng thường ngày là cũng khiên cưỡng và áp đặt.

Chính nhờ việc trao bằng công nhận mà người ta hiểu thêm vai trò, giá trị của chiêng, người ta thấy rằng cần phải làm một điều gì đó để bảo tồn nó, lưu giữ nó, trả nó về đúng giá trị, đúng môi trường để đáp ứng nhu cầu tự thân của người sử dụng và khả năng của chiêng.

Đấy là lý do để tỉnh Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế 2009 một cách hoành tráng, trong 3 ngày từ 12 đến 15-11, với rất nhiều hoạt động xoay quanh chiêng.

Đời sống hiện đại và tiện nghi hôm nay thách thức không chỉ chiêng, mà tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền thống.

Chiêng, một vật dụng quen thuộc nhưng lại cũng đầy bí ẩn. Vốn dĩ nó do người Kinh và người Lào làm. Làng Phước Kiều, Quảng Nam là nơi đúc chiêng và làng Mỹ Thạnh, An Nhơn, Bình Định là nơi gò chiêng, cung cấp chiêng chủ yếu cho đồng bào Tây Nguyên từ xa xưa đến nay.

Người Kinh dùng chiêng để làm phèng la, nhưng khi đến với đồng bào Tây Nguyên thì nó đã mang trong mình một sứ mạng mới, thiêng liêng và giá trị tăng vọt. Nhưng không phải mua chiêng về là chơi được ngay, nó còn phải qua một công đoạn cực kỳ quan trọng nữa là chỉnh chiêng. Những nghệ nhân chỉnh chiêng vô cùng giỏi dù đa phần họ mù chữ.

Ngoài tai nghe âm nhạc, họ lại rất giỏi vật lý, rất điêu luyện cơ khí, có thế khi nghe chiêng họ biết gõ vào chỗ nào để chỉnh âm cho cái chiêng đơn lẻ ấy hòa nhịp với cả giàn chiêng. Những nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi ở Tây Nguyên đang ngày ít dần đi vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan...

Trong quan niệm vạn vật hữu linh của người Tây Nguyên thì trong chiêng có Yang. Yang chiêng là một trong những vị Yang tồn tại gần gũi với người Tây Nguyên. Chiêng giúp con người nói chuyện với thần linh, thỉnh cầu thần linh, thỏa mãn khát vọng khám phá chinh phục và cả nỗi tự ti cố hữu của con người.

Sự can thiệp của cồng chiêng vào đời sống con người Tây Nguyên như một ngôn ngữ “thông linh” giữa con người, thần thánh và giới siêu nhiên. Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là vật chất. Nó là thế giới thần linh.

Chiêng càng cổ thì càng linh, đồng bào tin thế. Và cồng chiêng trở thành vừa là quyền lực vật chất, vừa là quyền lực tinh thần, thể hiện uy quyền của gia đình, dòng họ. Nó kết nối con người với các vị thần của cộng đồng, giãi bày niềm vui, nỗi buồn và cả những khát vọng, ước mơ thầm kín của họ.

Để có một “không gian chiêng” thì cần phải có chiêng, có người chơi chiêng, người chỉnh chiêng, người múa (xoang), phải có rượu... và cái quyết định để cho chiêng thật sự là chiêng, đấy chính là ngôi làng với tất cả sắc thái Tây Nguyên của nó. Có thể là sân nhà rông, có thể là khu nhà mồ, có thể là gầm sàn nhà ai đó, nhưng nó phải là làng...

Và với chiêng không có diễn viên, không có khán giả, tất cả đều là chủ nhân chiêng, cùng là chủ thể, tất cả giao hòa, tất cả đam mê, tất cả lên đồng, tất cả là một khối chiêng, một thực thể chiêng, làm nên một không gian chiêng.

Tất nhiên bây giờ, với Festival này và nhiều hoạt động tương tự khác, chiêng đã vượt ra khỏi khuôn khổ ngôi làng của mình, lên tỉnh, ra phố, biểu diễn sân khấu dưới ánh đèn rực rỡ...

Có vẻ như sự bảo thủ, nghiêm nhặt, chặt chẽ mà lại tung tẩy của làng Tây Nguyên thể hiện khá rõ ở cách chơi chiêng của các nghệ nhân Tây Nguyên. Đội hình chiêng rất chặt chẽ với nhiệm vụ cụ thể của từng chiêng, từng người, từng bước nhún bước nhảy, từng dáng nghiêng dáng lắc... của đội chiêng đến cái tung hứng hào hoa uyển chuyển của tốp xoang.

Có thể coi đây là sự hài hòa âm dương của một trong những loại hình đặc sắc trong vốn folclo độc đáo của người Tây Nguyên.

Cũng như thế, những ngôi nhà sàn mềm mại ấm cúng xếp hàng trong một ngôi làng Tây Nguyên rất hài hòa với nhau và hài hòa với ngôi nhà rông sừng sững ở giữa làng. Ngôi nhà rông vừa biểu hiện uy quyền của làng trong sự xa cách lạnh lẽo cao vút so với các ngôi nhà sàn, đồng thời bản thân nó cũng là một sự hài hòa đến kinh ngạc.

Ấy là cái dáng cao uy vũ hài hòa với những nét cong mềm mại, ta thấy có cái động trong tĩnh, cái cong trong thẳng, cái mềm trong cứng, cái ấm trong lạnh, cái nồng nàn trong xa vắng, cái gần gũi trong xa xăm, cái khoảnh khắc giữa nghìn trùng, cái bây giờ trong quá khứ và cái hiện hữu giữa hư vô...

Thì đấy, chiêng đang vang lên, cả thành phố Pleiku trở thành một giàn chiêng vĩ đại...

Văn Công Hùng

Tin cùng chuyên mục