Làm bầu sân khấu - Khổ hay sướng?

Làm bầu sân khấu - Khổ hay sướng?

Nếu không nói ra chuyện hậu trường của những người làm bầu sân khấu, hẳn nhiều người cứ tưởng làm bầu, được nắm trong tay cả chục “người của công chúng” sẽ rất sướng, rất oai. Nhưng…

  • “Bầu nội”

Có chứng kiến quá trình thai nghén trên sàn tập, trước khi trình làng một vở diễn mới thấu hiểu được nỗi vất vả của những người làm bầu sân khấu. Đặc biệt là trong thời buổi hiện nay, sân khấu đang “chảy máu” tài năng thì người làm bầu lúc nào cũng phải làm việc hết công suất, nếu không sẽ mất “lính” và thâm hụt, lỗ vốn như chơi. Đó là hình ảnh của một Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF, từ bao năm nay anh không chỉ chạy đôn chạy đáo lo việc kinh doanh mà còn thường xuyên thăm hỏi, chăm lo cho các diễn viên; hay như một NSƯT Hồng Vân vừa đảm trách công việc điều hành, lại vừa “tả xung hữu đột” làm đạo diễn, diễn viên trên sàn diễn… 

Làm bầu sân khấu - Khổ hay sướng? ảnh 1
NS Ngọc Trinh (bìa trái) sau nhiều vất vả mới ra mắt được Kẻ nói dối đa tình

Và gần đây nhất là có Ngọc Trinh. Nếu những ai dõi theo vở diễn Kẻ nói dối đa tình (kịch bản Hàn Quốc được Việt hóa) của Ngọc Trinh với tư cách bầu sân khấu sẽ cảm nhận được nỗi vất vả của người làm bầu. Khi Ngọc Trinh bắt tay vào thực hiện vở diễn này, có những ý kiến cho rằng cô Vy của Mùi ngò gai đang muốn tự lăng xê mình bằng một vai diễn mới. Điều này cũng đúng nhưng chỉ một phần nhỏ. Bởi thực tế cho thấy, vai diễn của Ngọc Trinh trong Kẻ nói dối đa tình không quá nổi trội. Điều chính yếu của Ngọc Trinh là muốn thử sức mình trong vai trò mới.

Nhưng đã làm bầu thì có mấy ai sung sướng. Ngoài nỗi vất vả chạy tới, chạy lui chăm lo cho diễn viên luyện tập, còn phải lo cảnh trí, âm thanh, ánh sáng… Chưa kể, với trường hợp của Ngọc Trinh, chỉ còn trước 2 ngày công diễn, cô gặp phải sự cố diễn viên kẹt lịch quay phim nên đành dời ngày ra mắt để thay diễn viên mới. Một vở diễn có 5 người thì phải thay đến bốn vai…

  • “Bầu ngoại”

Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ, giao lưu với các nghệ sĩ Việt Nam tại TPHCM, nghệ sĩ Rhee Hyun - Kyu, “ông bầu” của Công ty Papa (Hàn Quốc) chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, mỗi đêm có khoảng 200 đoàn, nhóm kịch lớn nhỏ biểu diễn, cho nên đòi hỏi tính cạnh tranh, ý thức của  diễn viên rất cao. Khi mới thành lập, phải cố gắng tạo dựng uy tín cho mình, nếu không sẽ rất dễ thất bại”. Nghệ sĩ Rhee Hyun - Kyu cũng cho biết thêm, để có được đội ngũ diễn viên của 5 đoàn hát khác nhau trong công ty, những ngày đầu mới thành lập, ông phải cầm cố nhà cửa mới có đủ vốn liếng trụ được với nghề. Từ khó khăn, gian khổ, nghệ sĩ Rhee Hyun - Kyu đã vươn lên, xây dựng thương hiệu cho Công ty Papa của mình. Nhờ vậy mà ở Hàn Quốc, vở Kẻ nói dối đa tình đã sáng đèn hằng đêm, suốt cả chục năm nay.

Còn với nhà sản xuất Grantly Marshall của Đoàn kịch TNT (Vương quốc Anh) khi đưa đoàn kịch của ông đến Việt Nam lưu diễn vào tháng 5-2009, công việc làm bầu của ông có phần đỡ vất vả hơn bởi tính chuyên nghiệp của từng thành viên trong đoàn hát. Ông chỉ lo việc sản xuất, nơi diễn còn việc tập luyện, trang phục, hóa trang, đạo cụ… đã có đạo diễn, người phụ trách.

  • Đôi điều suy ngẫm!

Nếu nhìn vào hậu trường của “bầu nội”, “bầu ngoại” thì quả tình “bầu nội” khổ hơn rất nhiều. Điều dễ nhận thấy nhất là ở ý thức, sự chuyên nghiệp, đa năng của diễn viên. Với Đoàn Kịch TNT của Vương quốc Anh, khi đưa vở diễn Romeo & Juliet đến Việt Nam biểu diễn, bộ máy của đoàn kịch này rất tinh gọn – chỉ có 8 người. Mỗi diễn viên có thể đảm nhận cùng lúc nhiều dạng vai khác nhau và họ tự chăm lo phục trang, tự hóa trang, tự lo đạo cụ, cảnh trí để biểu diễn và chưa kể lúc nào các diễn viên cũng ý thức việc luyện tập để có đài từ tốt nhất, biểu diễn không cần đến sự hỗ trợ của micro.

Chứng kiến cung cách làm việc chuyên nghiệp của các diễn viên Đoàn Kịch TNT, nghệ sĩ Hoàng Duẩn – Trưởng phòng Tổ chức – biểu diễn, Nhà hát Kịch TPHCM không khỏi trầm trồ: “Làm việc như thế, chẳng những các bầu hát đỡ vất vả mà ngay cả đạo diễn cũng yên tâm, tin tưởng. Biết khi nào đội ngũ diễn viên của Việt Nam mới làm việc chuyên nghiệp, đa năng như thế?”. Theo đạo diễn Lê Quý Dương – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Giao lưu sân khấu quốc tế, muốn có được lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp thì ngay từ khi đào tạo, cần phải rèn giũa, tạo ý thức, tính kỷ luật. Nếu không, với thực tế hiện nay, ngày càng có nhiều diễn viên chạy show và cả chạy theo ánh hào quang mong sớm thành sao thì xem ra làm bầu ở ta khổ nhiều hơn sướng, là cái chắc?!


Đỗ Hạnh

Tin cùng chuyên mục