Tang chay… có là chuyện buồn?

Đám tang vốn là chuyện buồn của mỗi gia đình, là một nghi thức thiêng liêng đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Thế nhưng, không ít đám tang ở thành phố chẳng có chút gì buồn bã, sầu thảm mà thậm chí còn là dịp ăn nhậu, bù khú…

Rộn ràng điệu kèn đám ma

Nhạc và kèn từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong các đám tang với những giai điệu não lòng, ai oán. Thổi kèn đám ma có thứ tự lớp lang, như chuẩn bị di quan thì tấu khúc Lòng mẹ, Tình cha, Ơn nghĩa sinh thành...; liền đó là Cát bụi rồi Một cõi đi về theo bước quan tài ra xe tang. Bài Cát bụi sẽ lại vang lên một lần nữa khi hạ huyệt.

Tuy nhiên, giờ thì tùy theo gia chủ mà nhịp điệu của kèn đám ma biến tấu tùy hứng với nhiều cung bậc, khi trầm lắng, khi rộn ràng thậm chí là… vui tươi ! Người thành phố có thể bị đánh thức vào sáng sớm bởi điệu lambada nóng bỏng hay nhạc khúc shalala rộn ràng, trỗi lên từ dàn kèn của đám tang nhà hàng xóm!

Nhiều đám tang vì ít người tới viếng nên gia đình yêu cầu đội kèn thổi bài thật vui nhộn, xôm tụ lên để lối xóm ra xem và nghe. Đêm trước ngày đưa tang, có khi đội kèn phải thổi thâu đêm với đủ loại nhạc: tuổi teen, thị trường, tình yêu đôi lứa…

Đó là chưa kể có một số đám tang gần nhau trong cùng ngày, đã sinh đố kỵ ganh nhau, vì vậy để chứng tỏ mình, khi nhà này thuê một ban nhạc thì nhà kia cũng phải thuê ban nhạc, lại còn mời riêng vài ca sĩ để chẳng kém chị kém anh. Đứng cạnh quan tài, dàn kèn cứ thi nhau hòa tấu đủ các loại nhạc sôi động, xóm giềng tò mò nên dần tụ tập lại, đông như xem văn nghệ.

Những show diễn lố lăng

“Nhà có đám tang à, sao không kêu tụi pê đê về hát cho vui?” - câu nói tưởng như đùa này lại gây ấn tượng mỗi khi gia chủ có đám tang. Có người quan niệm, đám ma thì phải vừa đông vừa vui, để người quá cố ra đi một cách vui vẻ, vì thế mà “ca sĩ” pê đê có đất dụng võ.

Nhóm người này hoạt động theo đoàn và chuyên đi hát cho đám ma. Một show diễn của họ thường bắt đầu bằng bài hát “Ba nén hương trầm” quen thuộc, mở đầu cuộc đưa tiễn. Sau đó lần lượt các “ca sĩ” được giới thiệu qua giọng nói eo ẻo của một MC (cũng là pê đê) với trang phục tươi mát. Hết một bài, “ca sĩ” lại lượn một vòng quanh khán giả nhận tiền boa.

Đỉnh điểm của đêm đưa tiễn là màn trình diễn thời trang thiếu vải của chính các “ca sĩ”. Chiếc quan tài của người quá cố nằm ỉm một góc để nhường chỗ cho sân khấu của các “người mẫu”… Tiếng của MC mời mọc, những thân hình lồ lộ dưới ánh đèn, tiếng cười vô duyên, những bàn tay sờ soạng, níu kéo. Phía trên, hàng chục bàn tay cứ giơ ra, nhao nhao nắm chụp những gì trong tầm với, bên dưới là những xì xầm bàn tán xem “phụ kiện” của ca sĩ đó là thật hay giả…

Những cảnh lố lăng ấy cứ diễn đi diễn lại ở một số đám ma đến mức nó thành thói quen của một bộ phận người dân.

Trong thời buổi thị trường phát triển, khi nhiều người bắt đầu có dư tiền bạc thì những đám tang lố lăng như thế này trở thành một căn bệnh, một xu hướng bệnh hoạn.

Một đám tang hoành tráng với đủ trò tạp kỹ rẻ tiền không chỉ là sự hoang phí mà còn làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nghi thức lễ tang. Thiết nghĩ, những đám tang thiếu văn hóa như trên cần được điều chỉnh lại để giữ gìn nét văn hóa, ý nghĩa của nghi thức truyền thống.

MAI BỬU HOÀNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục