Nhà thơ Lê Giang với “Còn khóc ngon lành”: Những bài thơ văn xuôi ân tình

Nhà thơ Lê Giang với “Còn khóc ngon lành”: Những bài thơ văn xuôi ân tình

Đọc xong một phần, mắt hoa lên, tôi đứng dậy sắp xếp lại cái bàn nhỏ, ngắm mấy tấm ảnh mẹ, vợ và 2 đứa con hồi nhỏ, nhìn lên trời có én liệng tìm kiếm…

 Đọc tiếp được 2/3 cuốn sách, tôi mặc quần áo đi bộ trong hẻm nhỏ nhìn các em bé chơi, ra đường lớn, mở miệng cười với xô bồ bận rộn cuộc sống phố xá, mong gặp một người quen…

Bìa sách “Còn khóc ngon lành” của Nhà thơ Lê Giang.

Bìa sách “Còn khóc ngon lành” của Nhà thơ Lê Giang.

Đọc hết cuốn sách, thừ người, lật đi lật lại những chỗ đánh dấu, tự hứa chiều tối nay sẽ đến thăm mấy bạn bè đồng đội thời chiến tranh…

 Đọc một cuốn sách mà cảm thấy yêu thương, cảm thông, thúc nhắc và có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống, đáng quý làm sao! Tôi tìm đọc lại cuốn sách Về nhà mình xa quá. Má ơi, nhà văn Trần Thanh Phương kể lại lần về quê hương Cà Mau. Má trách. Anh xuề xòa: “Đường về nhà mình xa quá. Má ơi”. Má chưởi: “Mồ tổ mày. Nói vậy mà cũng nói được. Nhà mình ở chỗ này từ hồi ba má chưa có con, rồi sanh con ở đây. Lớn lên con ra đi làm cách mạng cũng từ mái nhà này. Mấy mươi năm má vẫn ở đây, có dời đi đâu mà xa với gần. Con đi xa chớ nhà mình có dời đi đâu mà xa”.

 Mọi cái có thể sẽ qua đi, còn lại cái tình. Như căn phòng nhỏ trên tầng 6 một chung cư cũ giữa trung tâm thành phố, cuốn sách Lê Giang sạch sẽ, dung dị, khúc khích cười và khắc khoải nhớ. Ở đó có bề bộn bàn viết, sách và băng dĩa CD, cửa sổ nhiều cây cảnh. Và ở đó có đôi vợ chồng nhà thơ, nhạc sĩ Lê Giang-Lư Nhất Vũ sống yêu thương cảm thông chan hòa. Sóng gió cuộc đời qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt, những chuyến đi thực tế về vùng sâu vùng xa, trèo đèo lội suối, vượt núi lội sình… chắt chiu và mở lòng trong tình yêu, tình mẹ con bà cháu, tình đồng chí đồng đội bạn bè đồng lứa và vong niên… Lê Giang viết như kể chuyện đời thường. Lê Giang rộn rã thủ thỉ, không giấu giếm… tuổi U70 của mình: “Tôi có mấy bà bạn bằng tuổi tôi. Sanh 1930. Canh Ngọ. Tuổi Con Ngựa vất vả, lắm gian truân, phiền muộn mà ngẫm lại cũng thấy hay hay vì cái chất phong trần đầy dũng khí pha với chất thơ mộng đi nước kiệu”. Chỉ có người bà, người mẹ mới nhận ra điều đặc biệt này: “Lúc nào tới có ba mẹ ở nhà, Tấm không bấm chuông. Tấm thích gọi mẹ ơi mẹ! Vì Tấm biết ba mẹ nhận ra tiếng gọi sẽ rất mừng. Ơi một tiếng tràn niềm vui, ít nhứt cũng có mươi bước hấp ta hấp tấp chạy ra mở cửa”… Cảnh hai ông bà 70, tuổi lão rồi sống với nhau trên tầng cao như trên núi, có con cháu bạn bè tới thăm thật cảm động. Mấy câu văn tự nhiên thiệt thà vậy…  đọc mà rớt nước mắt. Có một nỗi buồn mênh mông sâu lắng như thơ Xuân Diệu: Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn. Chị Lê Giang viết Trong nhà bây giờ không có ai còn bé cũng trống trải. Lê Giang - Lư Nhất Vũ khoác ba lô, túi vải (bòng)… đi muôn quê góp nhặt cho đời những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca trăm miền cũng một phần do vậy chăng? Ở Nam bộ ngỡ như có một nghịch lý, người dân Nam bộ sống chất phác, khí phách, hào sảng, phóng khoáng, ăn to nói lớn… nhưng lại luôn là “Vọng cổ buồn”, là “Điệu buồn phương Nam”, là “Năm canh chày thức đủ vừa năm”...

 Cuốn sách Còn khóc ngon lành (NXB Trẻ, năm 2009) đẹp, trang nhã, dày 276 trang của nhà thơ Lê Giang gồm 53 bài báo, 53 khúc tâm tình mà tôi gọi là 53 bài thơ văn xuôi chất chứa bao nhiêu ân tình. Gọi cuốn sách gồm 53 bài thơ văn xuôi ân tình vì dù đóng nhiều vai nhưng tất cả đều là thế giới đàn bà Lê Giang. Chứa chất, trang trải, vun vén, gồng lên, cười và khóc. Gần như bài văn thơ xuôi nào cũng có vần. Chị Lê Giang ngỡ như cười giỡn, tưng tửng, dí dỏm hài hước kiểu bác Ba Phi quê hương Cà Mau của chị: “Tôi tôn vinh các kiểu khóc ngon lành, bất chợt nước mắt cứ tuôn, càng tuôn chảy càng thấy tự nhiên mà yêu thương, tự nhiên mà yêu đời, yêu người hơn”… Đọc Lê Giang, tưởng chỉ toàn nghe tiếng cười vui, mà gấp những trang sách lại thì cứ nghe đâu đó tiếng khóc thầm tiếng khóc to. Thông thường trong chuyện của mình nhiều người ở vị trí như Lê Giang sẽ kể chuyện về mối quan hệ để nâng mình lên như lẽ thường. Lê Giang kể về các văn nghệ sĩ để hiểu về họ, vẽ chân dung họ với bút pháp hài hước. Xuân Hồng, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Hiệp, Giang Nam, Doãn Nho, Nguyễn Duy, Phan Huỳnh Điểu, Tô Hải, Nguyễn Nhật Ánh… những người trẻ tuổi, kể cả các bạn văn nước ngoài, hoặc những người đồng trang lứa với chị ở ngành y. Như bao người đàn bà khác, chị Lê Giang thích quây quần gia đình có ông bà, con cháu, thích có bạn bè, thích nấu ăn, bếp núc. Nhiều bài thơ văn xuôi của Lê Giang viết ở dạng truyện ngắn. Hình tượng nhân vật của thơ văn xuôi đều là hình tượng nghệ thuật cảm xúc. Nhiều bài thơ văn xuôi lại là những ca khúc văn hóa ẩm thực như Hủ tiếu, Chuột đồng ăn riết phát ghiền, Bánh bao…voi…, là lời ăn tiếng nói miệt vườn Có thể chữ A sắp bị tuyệt chủng, Chữ “R” ở quê tôi, Tiếng Việt thời trang… và cả những nỗi tâm tư về văn hóa – văn minh dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Cái đáng trân trọng ở Lê Giang là luôn hướng thiện, hướng tới tuổi trẻ. Đó là con cháu trong nhà, là tuổi thơ thế hệ, là anh lính trẻ đảo Thổ Chu quê Bắc Ninh Ngày ấy ở Thổ Chu, là nhà văn của tuổi thơ Nguyễn Nhật Ánh Bà ơi cháu là Betô đây”… 

 Người ta nói, mỗi người đàn bà đều mang một núi lửa trong tim. Tôi bỗng nhìn kỹ cái bìa cuốn sách. Bài sách có màu vàng thẫm như nắng chín phương Nam. Chân dung Lê Giang là bức ký họa bút sắt của họa sĩ Lê Lam, người từng nói với chúng tôi năm 1972 rằng ông muốn bạt núi Bà Đen tạc tượng Người mẹ miền Nam. Ồ… trông giống một cái núi lửa thiệt tình. Tên tác giả màu đỏ gợi đến một trái tim tươi thắm, nồng hậu, mạnh mẽ và đa cảm, thủy chung, ân tình,…

 Chị Năm Lê Giang ơi, ta cùng nhớ đời, nhớ người để “còn khóc ngon lành” và còn cười ra nước mắt… Nghe Năm!

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục