“Chuyển” - chương trình nghệ thuật giao hưởng, balê đặc biệt

“Chuyển” - chương trình nghệ thuật giao hưởng, balê đặc biệt

Đây là chương trình biểu diễn định kỳ của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc - Vũ kịch TPHCM được tổ chức hàng tháng. Tuy nhiên, “Chuyển” sẽ diễn ra ngày 9-9 còn là một chương trình nghệ thuật đặc biệt, nhân kỷ niệm 16 năm thành lập nhà hát.

Cảnh trong tiết mục múa “Motion” (Chuyển). Ảnh: An Dung

Cảnh trong tiết mục múa “Motion” (Chuyển). Ảnh: An Dung

Chương trình được thiết kế với toàn bộ tác phẩm mang đậm chất Việt qua các tác phẩm khí nhạc của các tác giả: Nguyễn Đình Tấn, Đỗ Hồng Quân, Hoàng Cương… Đặc biệt trong đó có tổ khúc múa độc đáo “Chuyển” (Motion) của nhóm biên đạo múa, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phúc Hùng, Nguyễn Phúc Hải, Trần Nhật Minh, Nguyễn Mạnh Duy Linh – các nghệ sĩ trẻ tài năng vừa đi học ở nước ngoài về. Đêm trình diễn muốn nêu bật sự phấn đấu và trưởng thành của đoàn balê nhà hát, của dàn nhạc giao hưởng, nhất là lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ sau 16 năm thành lập nhà hát. Đồng thời chương trình giới thiệu đến khán giả Việt Nam khuynh hướng balê hiện đại của châu Âu, được thể hiện bằng tài năng, tâm huyết, niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ, mang đậm phong cách Việt Nam.

Với “Chuyển”, các nghệ sĩ, biên đạo múa đã đưa ra những ý tưởng, những cái nhìn và sự chiêm nghiệm về cuộc sống ngày nay. Bằng thủ pháp chiếu phim các hình ảnh đối lập, tương phản, tổ khúc múa dẫn dắt khán giả bước vào một thế giới của những sự chuyển biến không ngừng về mọi mặt, từ những vấn đề trong cuộc sống, xã hội, sự đấu tranh, sinh tồn cho đến những biến đổi trong tính cách, nội tâm và trong thế giới tâm linh của con người. Sự chuyển biến, thay đổi về tâm lý của con người không chỉ dừng lại trong giới hạn tình bạn mà còn ảnh hưởng và chạm đến cung bậc tình yêu của đôi lứa. “Chuyển” được thể hiện đầy màu sắc với từng khoảnh khắc, lúc đầy chất tự sự trên nền nhạc độc tấu violin, tạo nên một không gian lắng đọng, chất chứa đầy xúc cảm về quá khứ, sự trăn trở với hiện tại và băn khoăn trước những sự thay đổi liên tục của cuộc sống; có lúc “Chuyển” lại dồn dập, cao trào, thể hiện sự khát khao, vươn cao, hướng đến cái thiện, cái đẹp, sự hoàn hảo...

Chương trình được dàn dựng công phu, thể hiện sự tâm huyết, bước trưởng thành và tình yêu nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát.

16 năm qua, Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ Kịch TPHCM đã từng bước khẳng định được vị trí trong lòng công chúng yêu nghệ thuật TPHCM và cả nước, đồng thời mở rộng hoạt động giao lưu với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung, nhà hát hiện chỉ có 70 cán bộ công nhân viên (trong biên chế) cộng thêm lực lượng cộng tác viên khoảng 50 người. Để giữ được lực lượng nghệ sĩ này, nhà hát đã phải phấn đấu rất nhiều để vừa tận dụng tốt nhất kinh phí nhà nước cấp, đồng thời cố gắng duy trì hoạt động tổ chức biểu diễn để có doanh thu để duy trì lực lượng này.

Nhạc sĩ Võ Đăng Tín – Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Nhà hát chúng tôi mong ước có được một trụ sở làm việc, nơi tập luyện ổn định cho anh em nghệ sĩ. Chúng tôi cũng hy vọng nhà nước tăng kinh phí đầu tư để nhà hát tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển loại hình nghệ thuật này”. 

Nỗi niềm ấy cũng là tâm tư chung của những người quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của nghệ thuật hàn lâm tại TPHCM.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục