Thực trạng đờn ca tài tử ở TPHCM: Thừa tiềm lực, thiếu sân chơi

An Dung
Thực trạng đờn ca tài tử ở TPHCM: Thừa tiềm lực, thiếu sân chơi

Hiện nay, các quận huyện ở TPHCM đang tất bật khảo sát số lượng các CLB đờn ca tài tử và những người chơi đờn ca tài tử để làm nguồn tư liệu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận loại hình nghệ thuật này là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy chưa có những con số chính xác, nhưng theo nhiều nhà quản lý văn hóa, đờn ca tài tử ở TPHCM rất phong phú và đa dạng.

  • Chưa quan tâm đúng mức

Hiện nay, hầu hết các trung tâm văn hóa (TTVH) ở TPHCM đều có những CLB đờn ca tài tử thường xuyên sinh hoạt, chưa kể những CLB tài tử cải lương của NVH Thanh niên TPHCM hay Cung VHLĐ TPHCM. Nếu tính sơ sơ cũng có đến gần 30 CLB đờn ca tài tử và mỗi CLB thường có số hội viên từ 20 - 40 người. Đối tượng đến với đờn ca tài tử rất đa dạng, bác sĩ, kỹ sư, công nhân viên chức…

Tuy nhiên, theo nhận định của đạo diễn Thành Bỉ, người gắn bó nhiều năm với CLB tài tử cải lương NVH Thanh niên TPHCM, hiện nay, tiềm năng của đờn ca tài tử ở TPHCM khá dồi dào, nhưng cái thiếu lớn nhất là sân chơi.

Còn chị Lê Thị Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Bình Thạnh, tâm tư: Hiện nay, CLB của chúng tôi được bố trí sinh hoạt ở một gian phòng rất “bí mật” ở TTVH nên thật khó thu hút được nhiều người. Để tạo sự quan tâm hơn của người dân, cần có được những sân chơi sôi nổi, thường xuyên. Thậm chí, trong một tháng hay một quý, có thể tổ chức những đêm giao lưu giữa các CLB đờn ca tài tử để qua đó, người chơi tài tử vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tạo được sức hút khán giả…

Ở huyện Hóc Môn, nơi có phong trào đờn ca tài tử khá mạnh của thành phố, thế nhưng hoạt động của CLB đờn ca tài tử ở đây cũng rất “tài tử”, chỉ những người trong giới mới biết.

Theo ông Tạ Minh Thống, Giám đốc TTVH huyện Hóc Môn, CLB đờn ca tài tử ở đây hoạt động vào sáng chủ nhật hàng tuần, từ 9 giờ đến chiều và số lượng người tham gia sinh hoạt mỗi lần thường cũng chỉ vài chục người nên được bố trí ở trong hội quán, phía sau TTVH.

Phó Giám đốc TTVH huyện Củ Chi Nguyễn Văn Thâm nhìn nhận: Hiện nay, sân chơi tài tử đang diễn ra khá lặng lẽ và thiếu những sân chơi mang tính định kỳ để có thể đưa đờn ca tài tử ra phục vụ công chúng.

Một tiết mục đờn ca tài tử biểu diễn tại Nhạc viện TPHCM. Ảnh: An Dung

Một tiết mục đờn ca tài tử biểu diễn tại Nhạc viện TPHCM. Ảnh: An Dung

  • Sẽ hết cảnh “thiếu - thừa”?

Trước thực trạng trên, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TPHCM Hoàng Tấn cho biết: “Chúng tôi đã có ý tưởng tổ chức đờn ca tài tử ở Bảo tàng Cách mạng, vừa là sân chơi cho các nghệ nhân, vừa có thể quảng bá loại hình nghệ thuật đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, đòi hỏi phải chuẩn bị rất chu đáo, như ban nhạc phải chơi đàn đúng chất tài tử và kể cả những người ca cũng thế…”.

Còn ở cơ sở, anh Nguyễn Văn Thâm, Phó Giám đốc TTVH huyện Củ Chi cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức sân chơi tài tử tại TTVH huyện, mỗi tháng một lần vào sáng chủ nhật nhằm thu hút nhiều người đến với đờn ca tài tử hơn…”. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra hiện nay với các CLB đờn ca tài tử ở các quận, huyện là cải tiến phương thức tổ chức, hoạt động để mang lại hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc TTVH quận 6, nếu muốn tổ chức định kỳ phải có kế hoạch cụ thể. Có thể trong một quý, tổ chức một đêm giao lưu giữa các CLB đờn ca tài tử trong quận với các đơn vị bạn.

Đâu chỉ thiếu - thừa giữa tiềm năng và sân chơi, đờn ca tài tử ở TPHCM còn đang đối diện với một thực tế đáng báo động, người chơi đàn ngày càng hiếm dần. Theo ghi nhận, trong 4 lớp tập huấn về đờn ca tài tử do CLB Đờn ca tài tử TPHCM tổ chức từ năm 2008 đến nay, số lượng người học đàn rất ít. Trong khi đó, việc học đàn rất tốn thời gian, nếu như người học ca chỉ mất 1 năm thì học đàn phải mất ít nhất 4 - 5 năm.

Trước thực tế này, ông Hoàng Tấn cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ mở khóa tập huấn dạy đàn cho hội viên đến từ các CLB đờn ca tài tử trên địa bàn TPHCM. Qua đó, sẽ góp phần tạo nên những ngón đàn mới, bổ sung vào đội ngũ đờn ca tài tử cho các quận huyện…”.

Làm thế nào để phát triển đờn ca tài tử mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn là việc cần tính toán, nên làm. Nếu không, cứ mỗi nơi tự phát một kiểu như hiện nay, thì dù đờn ca tài tử có được công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các CLB đờn ca tài tử rất… dễ mai một

ĐỖ HẠNH – HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục