Họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam

Nỗi niềm người vợ

Một

Bùi Trang Chước - tác giả Quốc huy Việt Nam - là nhân vật xuất chúng đã được Lào tặng thưởng Huân chương Ítsala (huân chương cao quý nhất của nhà nước Lào) năm 1982; được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge Liên hiệp Vương quốc Anh vinh danh vì sự cống hiến của ông về hội họa trong sách “Danh nhân quốc tế Who’s Who” năm 1999; Viện Nghiên cứu Tiểu sử Mỹ bang North Carolina - Hoa Kỳ đã ghi tiểu sử họa sĩ Bùi Trang Chước trong sách “Những người xuất chúng vì quốc tế” năm 1998. Nhưng thật tiếc khi công lao của ông chưa được ghi nhận xứng đáng.

Một

Ngày 27-2-2004, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 42 về ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc họp xác định tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam, như sau: “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt. Giao Bộ Văn hóa Thông tin có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề xác định tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam”.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một sự vinh danh nào dành cho tác giả Quốc huy Việt Nam.

Hai

Năm 2005, hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông Bùi Trang Chước không được đưa lên hội đồng cấp Bộ và hội đồng cấp Nhà nước. Đến năm 2010, Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập gồm 11 thành viên do họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VII) làm chủ tịch và PGS - họa sĩ Vũ Giáng Hương (Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam) làm phó chủ tịch, để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (ngành Mỹ thuật) năm 2011.

Đối chiếu với 7 tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh do Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam đặt thêm như: có giá trị rất cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng; có tác dụng lớn phục vụ cách mạng; ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc; góp phần quan trọng vào sự nghiệp văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thì hồ sơ đăng ký tác phẩm, công trình xét truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh của họa sĩ Bùi Trang Chước (trong đó có các tác phẩm: mẫu Quốc huy Việt Nam, biểu trưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mẫu Huân chương Sao vàng, mẫu Huân chương Hồ Chí Minh, mẫu Huân chương Độc lập, mẫu Huân chương Lao động…) tưởng chừng sẽ chắc chắn có giải. Nhưng một lần nữa, hồ sơ tác giả Quốc huy Việt Nam tiếp tục trượt ngay từ vòng bỏ phiếu tại Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam (đạt 3/9 phiếu).

Sẽ có ý kiến cho rằng, hồ sơ của họa sĩ Bùi Trang Chước đã không đủ số phiếu (3/4) của Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam nên không phải bàn nữa! Tuy nhiên, Quốc huy là biểu tượng cao quý và thiêng liêng của một quốc gia. Quốc huy Việt Nam từ năm 1956 đến nay, qua 55 năm, được sử dụng trong đối nội và đối ngoại với hình thức thể hiện chuẩn xác, trang trọng và nhất quán. Với một biểu tượng văn hóa thiêng liêng như vậy, cùng với những mẫu huân chương cao quý là Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động, thì cách làm của Hội đồng cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam là ít quan tâm hoặc xem giống như các tác phẩm khác, liệu có nên chăng?

Ba

Khép lại bài viết này, chúng tôi xin dẫn lại tâm nguyện cuối đời chưa thực hiện được, có thể nói đó là nỗi niềm rất đáng lưu ý, của cụ bà Nguyễn Thị Thục - người vợ hiền của họa sĩ Bùi Trang Chước: “... Phần tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa, tâm nguyện cuối cùng của tôi là sẽ nhận được giải thưởng ghi công truy tặng cho chồng tôi từ Nhà nước Việt Nam. Khi tôi xuống suối vàng có thể vui mừng mà báo với chồng tôi rằng: Ông ơi! Chính phủ đã ghi công, truy tặng công lao của ông rồi đấy. Tôi đã thấy, đã cầm và đóng đinh treo nó lên bàn thờ cạnh di ảnh của ông để con cháu họ Bùi sau này được biết việc làm của ông mà noi gương đóng góp tài đức cho nhân dân, đất nước...”. Mong sao tâm nguyện cuối cùng của người vợ tác giả Quốc huy Việt Nam sớm trở thành hiện thực.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục