Vũng Rô

Vũng Rô

Trên con đường xuyên Việt từ Bắc vào Nam, đến cuối tỉnh Phú Yên, đầu tỉnh Khánh Hòa, ta gặp một rặng núi lớn như một cánh tay vạm vỡ của Trường Sơn vươn ra biển Đông chắn ngang. Đường xe lửa phải chui qua một hầm dài. Còn đường bộ bên trên lại quanh co leo lên một ngọn đồi cao và hiểm trở: đèo Cả - một trong những ngọn đèo cao nhất ở nước ta và là ngọn đèo cao cuối cùng trên quốc lộ 1 (về phía Nam).

Ảnh: CTV

Ảnh: CTV

Bên này là núi lớn tiếp rừng già nối lên tận Trường Sơn. Bên kia là biển sâu. Ngay giữa đỉnh đèo nhìn xuống theo hướng Đông, thăm thẳm dưới hàng trăm mét là một vịnh biển độc đáo gần như hình tròn, rộng và sâu, ba mặt vách đá dựng đứng. Phía ngoài có hai hòn đảo nhỏ như hai tấm bình phong che chắn. Quả là một cảng tuyệt vời cho những con tàu đại dương hàng vạn tấn neo đậu. Đó chính là Vũng Rô.

Buổi sáng xe qua đây như đi vào một cõi miền có phong cảnh tuyệt vời giống như trong tranh thủy mặc. Sương mỏng phủ mờ những dãy núi xanh lam lượn vòng ôm lấy mặt biển xa mờ. Lòng chảo Vũng Rô thăm thẳm trong đường viền của núi và đảo nhấp nhô khép lại một vòng tròn huyền ảo. Trên đèo Cả có hòn Vọng Phu (còn gọi là đèo Mẹ Bồng Con) - một tặng vật thiên nhiên bất hủ dành cho vùng biển Phú Yên, quyến rũ khách du chơi.

Thế nhưng Vũng Rô không dừng lại ở một danh thắng, mà nó còn là một điểm nhấn thời gian mà lịch sử cuộc kháng chiến giải phóng đất nước không thể lãng quên. Đó là sự kiện có một không hai liên quan đến kỳ tích “Tàu không số” vào những năm 60 của thế kỷ trước, góp phần làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính phục.

Vào những năm đầu thập niên 60 khi ta mở con đường xuyên Trường Sơn đưa bộ đội và vũ khí vào chiến đấu giải phóng miền Nam, nhận thấy đường Trường Sơn vô cùng gian khổ và vận chuyển vũ khí không hiệu quả bằng đường biển. Nếu như một người lính đi 6 tháng trời vượt Trường Sơn chỉ mang được một khẩu súng thì một chuyến tàu có thể chở được hàng chục tấn vũ khí, chỉ đi trên dưới 1 tháng là có thể tới bãi đáp cung cấp vũ khí trang bị cho các chiến trường miền Nam đang “khát” vũ khí chiến đấu.

Bộ Tổng tham mưu đã đề xuất với Trung ương và được chấp thuận mở hải trình bí mật cho tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam, chống lại cuộc chiến ngăn chặn và phong tỏa của đối phương trên biển Đông. Trọng trách này được giao cho Lữ đoàn 125 Hải quân Việt Nam.

Cần nói thêm “Tàu không số” chỉ là một cách gọi để nhấn mạnh tính chất bí mật của đơn vị và nhiệm vụ. Thực ra mỗi con tàu đều có số hiệu chính thức riêng ghi rõ trong sổ sách, nhưng không ghi trên thân tàu. Trên thân tàu chỉ là số hiệu giả và thường xuyên thay đổi. Các thủy thủ mang theo đầy đủ các loại sơn, đến mỗi vùng biển lại sơn số hiệu giống như các con tàu đánh cá ở vùng biển ấy.

Kể từ đầu năm 1961, tàu không số đầu tiên đi trót lọt vào Bến Tre, trở về miền Bắc an toàn. Tiếp sau là các tàu vượt biển Đông qua mạng lưới ngăn chặn dày đặc của địch, vào đổ hàng đúng các bến quy định; có tàu đã vào đến Cà Mau. Riêng bến Vũng Rô từ năm 1964 đến tháng 2-1965, đã tiếp nhận 3 chuyến hàng, trong đó chuyến tàu số 6 đầu tiên chở 46 tấn vũ khí.

Và chuyến thứ 4, tàu 143 vào Vũng Rô thì nổ ra sự kiện gây chấn động cả trong và ngoài nước.

Không biết ai là người đầu tiên đã táo bạo nghĩ ra việc dùng Vũng Rô làm bến đón các con tàu không số của ta. Thật hết sức mạo hiểm vì nó gần một thành phố lớn như Nha Trang, cũng quá gần Cam Ranh là quân cảng lớn nhất miền Nam của Mỹ - ngụy. Con đường chiến lược thì chạy trên đỉnh đèo Cả chỉ cách vài trăm mét, xe địch qua lại suốt ngày như mắc cửi. Lại cũng quá gần khu du kích Hiệp Hòa và chiến khu Hòn Hèo, Hòn Khói, là vùng địch rất chăm chú theo dõi và thường xuyên càn quét, đánh phá... Nhưng trong chiến tranh có khi nơi hiểm yếu lại là nơi bất ngờ đối với địch. Nghệ thuật chiến tranh, đặc biệt trên con đường biển Đông gian nan này, là biết và dám đi vào kẽ hở bất ngờ ấy, dám mạo hiểm để giành thắng lợi.

Theo thông lệ, các tàu cập bến đổ hàng hoặc thả trôi xong là phải quay ra hải phận quốc tế lúc vừa sáng để trở về Bắc... Tuy nhiên tàu 143 đã bị địch nghi ngờ nên cho tàu chiến và máy bay theo dõi.
Tối 15-2-1965, tàu đến điểm chuyển hướng. Thuyền trưởng Lê Văn Thêm khẳng định đã vào đúng hướng cách bờ 40 hải lý. Qua khỏi Tuy Hòa thấy rõ đỉnh núi Vọng Phu và hòn Đá Bia, thuyền tiến sát bờ và lọt vào đúng Vũng Rô. Do phải chạy vòng vo nên tàu đến bến chậm hơn kế hoạch, lúc đã gần 3 giờ sáng ngày 16-2. Anh em trong bến ào ra bốc dỡ, cất hàng, nhưng tàu chở gần 100 tấn, không tài nào bốc kịp hết vũ khí lên bờ trước khi trời sáng. Đoàn thủy thủ quyết định giải phóng tàu rồi ngụy trang tàu ở lại bến suốt ngày, tối quay ra khơi. Điều này cũng phù hợp với tình cảm thiết tha, thiêng liêng đối với mảnh đất miền Nam, mà trong đó nhiều người quê ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… đã rất lâu rồi chưa được đặt chân lên quê hương yêu dấu của mình. Đây là một dịp hiếm hoi để anh em được sống trong hơi ấm mảnh đất quê nhà.

Con tàu 143 sau khi dỡ hàng xong được áp sát vào vách đá đen gồ ghề và phủ kín bằng những cành cây lớn. Từ trên trông xuống chẳng khác gì một mỏm đá nhô ra, có một chòm cây lá mọc từ vách đá che phủ.

Trên đỉnh đèo Cả, ngay từ mũi tàu nhìn lên, cách vài trăm mét là đồn địch, phía biển cách 500m là đồn Núi Điệng. Chúng bất ngờ không hề nghĩ tàu ta dám vào tận đây.

Trong chiến tranh, những sự kiện vang dội, đôi khi lại bắt đầu từ một sự ngẫu nhiên nào đó. Ngày 17-2, diễn ra trận đánh tại đèo Nhông thuộc huyện Phú Mỹ tỉnh Bình Định. Ta tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch. Chiếc trực thăng tải thương về Nha Trang, lúc bay qua đèo Cả buổi trưa, viên phi công đã tình cờ nhìn thấy “mỏm đá lạ” nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô mà những ngày trước y chưa hề thấy. Hắn liền báo cáo về Sở Chỉ huy Quân khu 2 ngụy ở Nha Trang. Và thế là “sự kiện Vũng Rô” bùng nổ.

Địch lập tức cho máy bay đến bắn phá dữ dội. Sau 3 đợt oanh kích, tàu 143 bị chìm phía mạn trái. Chúng huy động cả bộ binh, hải quân tấn công vào Vũng Rô, tìm được khu giấu hàng có khoảng 4.000 khẩu súng các loại, hàng ngàn thùng đạn và thuốc men. Bị lực lượng ta chống trả quyết liệt, chiều 17-2, 1 tàu đổ bộ, 2 tàu tuần tiễu, 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội đặc nhiệm hải quân vừa bao vây vừa tiến công từ hướng biển, dưới sự yểm trợ của máy bay, mới tiếp cận được tàu ta. Nhưng bộ đội Quân khu 5 đã cho đặc công đánh vỡ đôi tàu. Không phi tang được dấu vết theo ý định của ta, địch đưa được “chiến lợi phẩm quan trọng” về triển lãm nhằm tố cáo đối phương. Mặc dù vậy, Mỹ – ngụy rất sợ hãi với số vũ khí, trang bị lấy được của ta. Lúc này chúng mới vỡ ra những hồ nghi lâu nay khi ở chiến trường Quân khu 5 xuất hiện nhiều loại vũ khí mới của ta trong những cuộc đụng độ nảy lửa.

Chuyến đi vào Vũng Rô thất bại đã gây hệ lụy rất lớn cho những cuộc hành trình tàu không số của ta. Địch đã huy động cả Hạm đội 7 vào cuộc ngăn chặn và phong tỏa gắt gao đường biển. Thế nhưng những con tàu không số vẫn chọc thủng tuyến phòng thủ dày đặc, tiếp tục chi viện hiệu quả cho chiến trường miền Nam bằng tài trí và lòng quả cảm, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay đi qua Vũng Rô yên lành với vẻ đẹp quyến rũ đến nao người, ta lại nhớ tới kỳ tích tàu không số làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Chắc hẳn Vũng Rô là một điểm nhấn trên con đường phát triển du lịch biển của Phú Yên

HỒ SĨ THÀNH

Tin cùng chuyên mục