Cầu truyền hình kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Huyền thoại Việt Nam máu và hoa

Tấm lòng thế hệ hôm nay
Huyền thoại Việt Nam máu và hoa

Cùng cả nước hướng về ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Đài Truyền hình TPHCM mở nhiều hoạt động, chương trình nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông, góp phần giúp lớp trẻ hôm nay biết đề cao lòng tự hào dân tộc trong công cuộc đổi mới và trong xu thế hội nhập quốc tế. Cầu truyền hình Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những chương trình nằm trong chuỗi sự kiện quan trọng này.

Trận địa pháo cao xạ trong trận Điện Biên Phủ trên không.

Trận địa pháo cao xạ trong trận Điện Biên Phủ trên không.

Tấm lòng thế hệ hôm nay

Được chuẩn bị công phu nhiều tháng qua, cầu truyền hình Hà Nội - Điên Biên Phủ trên không do Đài Truyền hình TPHCM (HTV) phối hợp thực hiện với Quân chủng Phòng không - Không quân và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ  tối 18-12 (trên HTV9) tại 2 điểm cầu: Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân (Hà Nội) và khuôn viên Sư đoàn Phòng không 367 Anh hùng (TPHCM).

Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc HTV, chia sẻ: “Cũng như tất cả các cơ quan truyền thông khác, HTV rất vinh dự được tham gia hoạt động chào mừng trong đợt tuyên truyền kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Trong niềm tự hào chung, HTV đã chuẩn bị rất công phu với sự tham gia của hàng trăm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và đầu tư lớn để làm thành một vệt chương trình về sự kiện này, gồm: 12 phim tài liệu, 7 chương trình đồng hành, 1 chương trình giao lưu và cầu truyền hình. Cầu truyền hình Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không nhằm ôn lại chiến thắng đã đi vào huyền thoại, qua đó khơi dậy lòng tự hào về truyền thống vẻ vang và ý chí kiên cường bất khuất của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo cho lớp trẻ hành trang, lập trường vững chắc trong công cuộc xây dựng đất nước trước xu thế hội nhập quốc tế”.

Hồng Phượng - một trong 4 MC của chương trình (Đỗ Thụy, Phước Lập, Đô Thành) dù đã dẫn nhiều chương trình trực tiếp vẫn không khỏi hồi hộp vì tính chất quan trọng của chương trình lần này: “Tôi rất vui, hãnh diện nhưng cũng thấy lo lắng, hồi hộp. Bởi lẽ đây không chỉ là cầu truyền hình được đầu tư công phu về mọi mặt của HTV, mà chương trình còn mang một ý nghĩa lịch sử lớn lao. Hồng Phượng được sinh ra và lớn lên trong thời bình, không được chứng kiến thời khắc oai hùng ấy của dân tộc, chỉ được xem qua phim tư liệu và nghe các nhân chứng lịch sử kể lại. Vì vậy, đây cũng là một áp lực lớn đối với tôi khi đảm nhận vai trò MC tại điểm cầu Hà Hội. Tuy nhiên, với cảm nhận và niềm tự hào của thế hệ trẻ trước những câu chuyện lịch sử đầy xúc động thời ấy, tôi cố gắng chuẩn bị thật kỹ để hoàn thành tốt nhất vai trò của mình”.

Sống lại trang sử hào hùng

Suốt 140 phút, chương trình đưa khán giả trở lại thời điểm lịch sử 12 ngày đêm (từ đêm 18-12-1972 đến sáng 30-12-1972). Chỉ trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác phải hứng chịu hơn 100.000 tấn bom đạn, với sức công phá hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản). Nhưng cũng trong 12 ngày đêm ấy, đối phương đã phải trả một giá rất đắt khi bị ta bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52.

Tướng Gioóc Ết-tơ, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã phải thú nhận thất bại này trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: “Một đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Để khán giả có cái nhìn toàn cảnh, chương trình đã có những cuộc gặp gỡ, giao lưu hết sức ý nghĩa với các nhân chứng lịch sử, mà họ là một phần không thể thiếu trong chiến thắng vang dội năm ấy. Đó là Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân; năm 1972, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 57, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không - Không quân, đơn vị bắn rơi nhiều máy bay và B52 trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Đại tá Lê Cổ - nguyên sĩ quan huấn luyện chiến đấu tên lửa phòng không chia sẻ việc nghiên cứu để bắn hạ B52; ông cũng là người chấp bút cho cuốn sách Cẩm nang đỏ - ghi chép kinh nghiệm đánh B52 ở Vĩnh Linh, Quảng Trị (5-1966), dự đoán hướng tấn công của kẻ địch và những phương án đánh trả mà 5 năm sau, khi áp dụng đã đạt được thành công.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân, cùng một số phi công là người con của miền Nam vốn được gọi trìu mến bằng cái tên “Cánh én phương Nam”, như: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Nghĩa (phi công bắn rơi chiếc F4 đầu tiên); Thiếu tướng Trần Việt; Đại tá Bùi Doãn Độ (phi công bắn rơi chiếc F4 cuối cùng). Khán giả gặp lại bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ tự vệ, pháo thủ số 1 của Nhà máy cơ khí Mai Động; hình ảnh người nữ tự vệ đầu quấn khăn tang ngồi trực bên mâm pháo của bà năm ấy, đã tạo cảm xúc để nhà thơ Tố Hữu làm nên 4 câu thơ trong bài thơ Việt Nam máu và hoa, khi ông đến thăm trận địa… Khán giả còn bồi hồi hơn, khi được nhìn lại những hình ảnh một thời và nghe lại những khúc ca hào hùng: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Bài ca người săn máy bay, Không cho chúng nó thoát, Tên lửa ta đánh rất hay, Phi đội ta xuất kích, Nhớ về Hà Nội, Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội…

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục