Thưởng lãm bộ sưu tập đồ sộ Dương - Hà

Sở VH-TT-DL TPHCM và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM vừa giới thiệu gần 500 hiện vật của bộ sưu tập Dương - Hà đến đông đảo công chúng. Đây là bộ sưu tập cổ vật lâu năm nhất, thời gian dài nhất và có số lượng lớn nhất Việt Nam với 3.360 hiện vật. Bộ sưu tập đã được gia đình trao tặng cho nhà nước và nhân dân. đại diện tiếp nhận là UBND TPHCM.

Sở VH-TT-DL TPHCM và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM vừa giới thiệu gần 500 hiện vật của bộ sưu tập Dương - Hà đến đông đảo công chúng. Đây là bộ sưu tập cổ vật lâu năm nhất, thời gian dài nhất và có số lượng lớn nhất Việt Nam với 3.360 hiện vật. Bộ sưu tập đã được gia đình trao tặng cho nhà nước và nhân dân. đại diện tiếp nhận là UBND TPHCM.

Bảo vệ cổ vật Việt Nam

Dương - Hà là bộ sưu tập cổ vật thuộc sở hữu của một gia đình nhân sĩ trí thức Nam bộ sinh sống tại Sài Gòn - TPHCM, được gầy dựng cách đây gần một thế kỷ. Những năm 30 của thế kỷ 20, trong lúc Nam bộ còn đang dưới ách thuộc địa của Pháp, khi thấy nhiều cổ vật trong nước đưa ra nước ngoài mà không bị ngăn chặn, giáo sư Dương Minh Thới (làm việc tại Trường Collège Chasseloup Laubat, nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 1, TPHCM) và vợ là bà Hà Thị Ngọc với ý định muốn bảo vệ cổ vật Việt Nam đã bắt đầu sưu tầm, tìm mua những hiện vật đầu tiên - khởi đầu cho bộ sưu tập sau này mang họ ghép của hai ông bà.

Bộ sưu tập Dương - Hà nhanh chóng được nhiều người biết tiếng, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Lúc này, song song với những hoạt động về sưu tầm, bảo vệ và truyền bá tình yêu với cổ vật của học giả Vương Hồng Sển, bộ sưu tập Dương - Hà đã góp phần cổ vũ cho phong trào tìm hiểu và sưu tập cổ vật ở miền Nam nước ta những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Không ít nhà sưu tập đã đánh giá rất cao bộ sưu tập này. Năm 1948, ý định thành lập bảo tàng để bảo vệ cổ vật của giáo sư Dương Minh Thới cuối cùng không được nhà nước thuộc địa chấp nhận nhưng không vì thế mà ông bà nản lòng, bởi ông bà Dương - Hà đã tìm được người nối chí.

Di sản vô giá cho đời sau

Từ năm 1966, người con xuất sắc của ông bà Dương - Hà, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (1930 - 2006) đã tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, bà là đại biểu Quốc hội khóa VI, Thứ trưởng Bộ Y tế. Dù bận nhiều công việc quan trọng nhưng không lúc nào bà quên quan tâm đến việc giữ gìn bộ sưu tập cổ vật đã được ông bà Dương - Hà (lúc này đã già yếu) giao cho bà cùng với chồng là ông Huỳnh Văn Nghị. Đặc biệt, ông Huỳnh Văn Nghị, nguyên ủy viên thường vụ Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968 - 1977), cũng là người vô cùng yêu thích cổ vật, đã tiếp tục bổ sung và phát triển bộ sưu tập đến mức hoàn chỉnh như hôm nay.

Những năm 1996 - 1997, được phép tiếp cận bộ sưu tập Dương - Hà, John Stevenson và John Guy, 2 nhà nghiên cứu cổ vật người Anh, đã đưa một số cổ vật vào giới thiệu trong sách Gốm Việt Nam - Một truyền thống biệt lập, được in, xuất bản tại Singapore và Mỹ, góp phần khẳng định trên thị trường thế giới một dòng gốm Việt Nam mượt mà và thanh lịch. Thực hiện tâm nguyện của ông bà Dương - Hà và bà Dương Quỳnh Hoa lúc sinh thời, nhận thấy bảo tàng nhà nước là nơi có thể quản lý, phát huy giá trị của bộ sưu tập một cách tốt nhất theo đúng ước nguyện của gia đình, ông Huỳnh Văn Nghị, đại diện gia đình, hiến tặng bộ sưu tập cho UBND TPHCM.

TS Phạm Hữu Công, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, cho biết: “Được UBND TPHCM giao quản lý bộ sưu tập Dương - Hà, bảo tàng có thêm khối tài sản và tư liệu quý giá, thêm cơ hội để nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy giá trị di sản văn hóa của các bậc tiền nhân…”.

Bộ sưu tập cổ vật Dương - Hà rất phong phú và đa dạng, trong đó có những tiêu bản lạ và quý hiếm, xuất xứ từ nhiều quốc gia châu Âu và châu Á, có niên đại từ thời Tiền - Sơ sử đến thế kỷ 20. Đáng chú ý có một chén trà Nhật Bản có ghi dòng chữ Hoa “Nhật Bản cộng sản Đảng sáng lập ngũ thập chu niên” mà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa được tặng nhân dịp bà sang Nhật Bản dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Nhật Bản (1922 - 1972).

Minh An

Tin cùng chuyên mục