Gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại nơi nhà văn Ngô Tất Tố sinh trưởng

Gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại nơi nhà văn Ngô Tất Tố sinh trưởng

(SGGPO).- Sáng nay, 16-5, tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại nơi nhà văn Ngô Tất Tố - cha đẻ của tác phẩm “Tắt đèn” đã sinh ra và lớn lên.

Gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại nơi nhà văn Ngô Tất Tố sinh trưởng ảnh 1

Biển di tích cách mạng kháng chiến được gắn tại nơi nhà văn Ngô Tất Tố sinh ra và lớn lên

Ngô Tất Tố (sinh năm 1893) là một nhà văn hiện thực xuất sắc, một nhà khảo cứu, dịch thuật đầy tâm huyết và cũng là một nhà báo đầy tài năng.

Ngô Tất Tố là một nhà nho lão thành, thấm sâu nền văn hóa cũ, từng mang lều chõng đi thi, từng đỗ đạt. Trong hồi ký "Bốn mươi năm nói láo", nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) có thời gian cùng làm việc với Ngô Tất Tố kể lại là ở ông có chất thầy đồ cổ lỗ đến như thế nào. Tuy nhiên, Ngô Tất Tố không hoàn toàn là một người lạc hậu, nhất là trong những tác phẩm của ông. Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như "Tắt đèn", "Việc làng", "Tập án cái đình".

Nhà văn Phong Lê đã gọi những tác phẩm viết về nông thôn của Ngô Tất Tố là "một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam" đạt đến "sự xúc động sâu xa và bền vững".

Lúc đương thời, vua phóng sự đất Bắc - nhà văn Vũ Trọng Phụng đã coi "Tắt đèn" là một áng văn kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy, một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê.

Tác phẩm này đã lập kỷ lục với hơn 100 lần tái bản và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như Anh, Pháp, Nga, Hung-ga-ri… và được chuyển thể dựng thành phim “Chị Dậu”- một trong những tác phẩm điển hình của điện ảnh cách mạng.

Đại diện nhà xuất bản Thông tin Truyền thông và gia đình nhà văn Ngô Tất Tố trao tặng sách cho trường học tại địa phương
Đại diện nhà xuất bản Thông tin Truyền thông và gia đình nhà văn Ngô Tất Tố trao tặng sách cho trường học tại địa phương

Năm 1923, Ngô Tất Tố bắt đầu con đường hoạt động văn học với tác phẩm dịch từ Trung văn, cuốn tiểu thuyết “Cẩm hương đình”. Năm 1926, ông được thi sĩ Tản Đà mời viết cho An Nam tạp chí và ông bắt đầu nghề báo từ đây.

Trong suốt cuộc đời của mình, ông có hàng nghìn bài báo, di tác với khoảng 30 bút danh khác nhau đăng trên gần 30 tờ báo, tạp chí trên cả nước. Tài năng viết báo của Ngô Tất Tố được đồng nghiệp mến phục, sau này, các thế hệ muộn hơn khi đọc những bài báo của ông vẫn cảm thấy “thảng thốt, ngạc nhiên và thú vị”.

Ngô Tất Tố mất ngày 20- 4-1954 (18 tháng Ba, năm Giáp Ngọ) tại xóm Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Nhà văn Ngô Tất Tố đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I). Tên ông đã được đặt tên cho các con đường tại 7 tỉnh, thành trên cả nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh có một con đường, một ngôi trường và một chung cư lớn mang tên Ngô Tất Tố.

Việc gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại nơi sinh trưởng và hoạt động của nhà văn Ngô Tất Tố một lần nữa khẳng định công lao, sự nghiệp của ông.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục