Văn hóa Ấn Độ trong dòng phát triển Việt Nam

Văn hóa Ấn Độ trong dòng phát triển Việt Nam

Văn hóa Ấn Độ trong dòng phát triển Việt NamNhân chuyến thăm Việt Nam trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal, ông Geetesh Sharma (ảnh), đã dành cho PV Báo SGGP buổi trò chuyện thú vị.

° PV: Trong những bài phỏng vấn ông tôi từng đọc, ông luôn nhắc đến sự mến phục của mình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay ở lần đầu tiên nhìn thấy Người. Tình yêu đó có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

° Ông G.SHARMA: Phong thái giản dị, chan hòa và nồng ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn chinh phục tôi. Người đến bắt tay, chào hỏi những người Ấn Độ cũng như tôi đang háo hức chào đón một vị khách quý đến thăm. Trước đó, tôi có tìm hiểu về đất nước Việt Nam và vị lãnh tụ đáng kính của các bạn. Lần gặp Người vào năm 1958 càng khiến tôi thêm tin tưởng tấm gương đạo đức của Người và mong muốn tấm gương ấy tỏa sáng không chỉ trên quê hương hình chữ S của các bạn.

° Và ông đã không ngừng đóng vai trò là sợi dây kết nối đặc biệt, hay theo cách mà nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CH Ấn Độ Vũ Quang Diệm nhắc đến là “hạt giống đỏ” của tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ?

° Tôi chỉ làm hết sức và trong khả năng của mình. Để người dân nước mình hiểu và học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã nảy ra sáng kiến in những lời nói bất hủ của Người ngay trên tấm hình chân dung. Sau đó tặng những thông điệp này đến sinh viên các trường đại học. Sinh viên rất thích hình thức giáo dục này. Một trong những câu nói nổi tiếng của Người mà nhiều thế hệ tâm đắc là: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

° Xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ, theo ông điểm mấu chốt là gì?

° Tôi nghĩ là nét tương đồng trong văn hóa và tính cách của người dân hai nước. Chúng ta đều là những người giàu cảm xúc, chân tình và lấy những giá trị tinh thần làm nền tảng. Vì thế, mũi nhọn giao lưu văn hóa được tôi dành phần lớn thời gian.

° Đó cũng là lý do để ông đầu tư, nghiên cứu để cho ra đời những quyển sách quý báu về mối quan hệ hai nước?

° Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam là năm 1984 và đây là lần thứ 17 tôi đến đất nước bạn. Càng tiếp xúc, tôi càng quý mến sự nhiệt tình hỗ trợ của các bạn và tôi càng thấy rõ chỉ có giao lưu văn hóa một cách sâu đậm mới đưa chúng ta đến gần với nhau.

° Về quyển sách mới nhất, ông đã mất thời gian bao lâu để hoàn thành?

° Tôi dành trọn 6 năm để viết sau khi tìm đọc nhiều sách lịch sử liên quan cũng như thu thập hình ảnh, tư liệu trong những chuyến thăm Việt Nam. Sách được xuất bản năm 2008.
 
° Quyển sách có phải là một minh chứng mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bền chặt dựa trên cơ sở là một cuộc chinh phục của trí tuệ thông qua các biện pháp hòa bình mà văn hóa Ấn Độ đã làm được ở vùng Đông Nam Á không, thưa ông?

° Điều khiến tôi vui mừng là khi quyển sách ra đời cũng là lúc tôi chứng minh được học thuyết cho rằng cộng đồng người Chăm hoặc Chămpa đã đến Việt Nam từ các nước Nam Á (Austroasia), định cư tại miền Trung Việt Nam và thành lập nên Vương triều Chămpa tại đây là sai. Vì nếu theo quan điểm này, không thể giải thích được vì sao cộng đồng người Chăm chịu sự ảnh hưởng lớn của văn hóa và tôn giáo Ấn Độ. Thật ra, cộng đồng người Chămpa ở Việt Nam không ai khác hơn là các thương nhân hàng hải Ấn Độ đã mang theo hàng hóa đến Việt Nam rồi dần thành lập vương quốc của mình.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục