Học sinh làm hướng dẫn viên bảo tàng

Đây là chương trình thể nghiệm do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thực hiện mang ý nghĩa giáo dục truyền thống thiết thực.

Hàng chục em nhỏ Trường Tiểu học Lê Chí Trực chú ý theo dõi câu chuyện của “hướng dẫn viên” Trần Võ Minh Mẫn, học sinh Trường THCS Bàn Cờ một cách say mê. Ở một chuyên đề khác, nói về nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vượt khó vươn lên, phần thuyết minh của hướng dẫn viên Phan Kỳ Khánh, học sinh lớp 8, không chỉ thu hút nhờ ngắn gọn, dễ nhớ mà còn vì những hình ảnh hết sức ấn tượng, lay động lòng người.

Sau khi hoàn thành công việc của mình, hướng dẫn viên Lương Thùy Dương, lớp 8 Trường THCS Bàn Cờ, bộc bạch: “Em đã đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh rất nhiều lần, em nghĩ đây là cách học tập rất tốt. Qua từng chuyên đề trưng bày, tụi em có thể tiếp thu kiến thức lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn rất nhanh, dễ nhớ”.

Nghe qua phần giới thiệu từ các học sinh làm hướng dẫn viên, em Lê Hoàng Như Thảo, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lê Chí Trực, nói: “Em rất ấn tượng và nhớ hoài hình ảnh về những nạn nhân chất độc da cam, dù bị tật nguyền nhưng vẫn vươn lên học giỏi”. Cô Đào Thị Kiều Thược, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Chí Trực, bày tỏ: “Tôi cho rằng đây là một hoạt động rất thiết thực và sinh động, các em học mà chơi, chơi mà học. Có những hình thức sinh hoạt phù hợp như thế này nhất định tôi sẽ tạo điều kiện để học sinh của mình được tiếp cận”.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết: “Đây là bước thể nghiệm nhằm giúp các em vừa vui chơi vừa củng cố lại những kiến thức lịch sử đã học, góp phần giáo dục truyền thống”.

Từ thực tế có thể thấy hình thức sinh hoạt bảo tàng này sinh động, hấp dẫn, có hiệu quả thiết thực đối với trẻ em, học sinh - lứa tuổi đang cần được nâng cao kiến thức về lịch sử, giáo dục truyền thống và bồi đắp lòng yêu nước. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục