Văn học dịch lúng túng tìm lối thoát

Mặc dù không đi sâu vào việc phân tích những vấn đề nổi cộm như thảm họa dịch thuật, dịch loạn..., song hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 10-8 tại Hà Nội một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh tỉnh về chất lượng, nguồn nhân lực cũng như đặt ra những vấn đề về vị thế của các tác phẩm, các dịch giả hiện nay.

Mặc dù không đi sâu vào việc phân tích những vấn đề nổi cộm như thảm họa dịch thuật, dịch loạn..., song hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 10-8 tại Hà Nội một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh tỉnh về chất lượng, nguồn nhân lực cũng như đặt ra những vấn đề về vị thế của các tác phẩm, các dịch giả hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch cho rằng thời nào cũng có những tác phẩm văn học dịch mắc lỗi về dịch thuật. Nhưng trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, những lỗi dịch thuật sớm bị phát hiện và được dư luận đem ra bàn thảo thẳng thắn trên các trang mạng, diễn đàn... “Không thể phủ nhận, đời sống kinh tế thị trường đã có những ảnh hưởng nhất định làm thay đổi khuynh hướng dịch thuật tác phẩm văn học gần đây”, ông nói.

Còn theo nhà thơ Bằng Việt - đồng thời là một dịch giả, hiện nay vì muốn kiếm tiền nhanh, có nhóm vài người còn xé lẻ một cuốn sách ra để dịch cho nhanh, để lại hậu quả nặng nề. Có người còn nhận rồi tháo khoán cho người khác dịch để lấy tiếng với nhà sách, đầu nậu. Thậm chí, có nơi còn cho phép người dịch phóng tác thoải mái, thay cả tên sách... Ở khía cạnh khác, nhà thơ Trần Đăng Khoa lên tiếng: “Tôi không lo lắm việc dịch sang tiếng Việt, mà lo hơn cả là dịch tiếng Việt sang tiếng Anh. Chẳng hạn, tập thơ Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, dịch sang tiếng Anh thành “Ánh sáng và bùn”.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Dân, nghịch lý ở chỗ thị trường sách hiện nay tràn lan sách dịch nhưng các dịch giả dường như vẫn chưa thể sống được bằng nghề dịch thuật. Đấy cũng là khó khăn lớn nhất để có thể nâng cao chất lượng văn học dịch. Đa số dịch giả đeo đuổi công tác dịch thuật văn học vì niềm đam mê văn học chứ thật sự dịch giả không thể sống được bằng nghề này. Bất công nữa dịch giả cũng như nhà văn hiện nay dường như không kiểm soát được công tác in ấn, phát hành tác phẩm văn học. Nhiều NXB, nhà sách tái bản sách dịch cũng không xin ý kiến dịch giả, thậm chí phớt lờ nhuận bút dịch thuật khi tái bản. Biết vậy nhưng nhà văn cũng như các dịch giả ngại kiện tụng.

Đồng cảm với vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, khẳng định rằng “đội quân” chuyển tải văn hóa này chưa được đánh giá và tôn vinh đúng mức. Các dịch giả, người chuyển dịch các nền văn hóa đến gần nhau, họ còn là đại diện để chọn những món ăn tinh thần quý cho người đọc, song ngoài các giải thưởng của Hội Nhà văn trao cho các tác phẩm văn học dịch hàng năm thì các dịch giả cũng như các tác phẩm của họ không được xét tặng thêm những phần thưởng, giải thưởng nào khác.

Theo ông, cần có chính sách đặc biệt dành cho văn học dịch như lập quỹ văn học dịch kết hợp giữa sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội hóa, kết nạp hội viên là dịch giả và nhất là xây dựng đội ngũ kế cận, xin học bổng giúp các học viên đi đào tạo dịch văn học. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho biết trong tháng 9 tới sẽ thành lập Trung tâm dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Hy vọng rằng khi đó không chỉ dịch giả có chỗ dựa mà việc văn học dịch cũng không còn tình trạng tự phát như hiện nay. 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục