Ấn tượng Những nẻo đường biên cương

Sản xuất theo yêu cầu của Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV), 200 tập ký sự Những nẻo đường biên cương (kịch bản: Phan Hoài Đức) đang được Hãng phim Vàng thực hiện với sự quyết tâm và đầy hào hứng.
Ấn tượng Những nẻo đường biên cương

Sản xuất theo yêu cầu của Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV), 200 tập ký sự Những nẻo đường biên cương (kịch bản: Phan Hoài Đức) đang được Hãng phim Vàng thực hiện với sự quyết tâm và đầy hào hứng.

Vượt mọi khó khăn về kinh phí, điều kiện đi lại tác nghiệp; với tình cảm hướng về biên cương và biển đảo, 200 tập ký sự Những nẻo đường biên cương được thực hiện trong thời gian này là một nỗ lực đáng khích lệ. Sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đồn biên phòng trên cả nước chắc chắn sẽ đem lại những thước phim hết sức sinh động, chân thực, quý giá. Sau những chuyến đi nghiên cứu thực tế, tổng đạo diễn Lê Hồng Sơn đã có đúc kết thú vị: Nếu các bạn đi hết chiều dài gần 8.000km biên giới, hải đảo Việt Nam, các bạn sẽ thấy sự hùng vĩ của nó có thể còn hơn cả Vạn Lý Trường Thành.

Cảnh tuần tra bảo vệ biên cương.

Cảnh tuần tra bảo vệ biên cương.

* Phóng viên: Ý tưởng phát sinh từ đâu để thực hiện dự án phim ký sự công phu và dài hơi này?

* Tổng đạo diễn LÊ HỒNG SƠN:
Đề tài này đã ngấm trong huyết quản nhiều nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch… nhưng với tôi có lẽ bắt đầu từ việc tôi xem một ký sự ngắn về biển đảo Việt Nam trên truyền hình và nảy sinh ý định: “Tại sao mình không làm một ký sự dài hơi ra tấm ra miếng về vấn đề rất ý nghĩa này?”. Sau đó tôi gặp anh Lê Điệp - một biên kịch và gặp đồng chí Hoàng Trọng Hoài - một thượng tá biên phòng, để phác thảo hoàn chỉnh đề cương ký sự 200 tập Những nẻo đường biên cương. Tôi đưa đề cương này cho Trung tướng Nguyễn Hữu Ước và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

Đoàn phim đi vòng quanh đường biên (gồm biên giới và hải đảo) dài gần 8.000km, đi qua 44 tỉnh gồm 236 đồn biên phòng, trong đó có 184 đồn biên giới, còn lại là hải đảo và 4 hải đoàn. Cụ thể hơn, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là 10 tỉnh; Việt Nam - Lào 10 tỉnh; Việt Nam - Campuchia 10 tỉnh và 28 tỉnh có tuyến biển đảo.

Làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Xa Mát.

Làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Xa Mát.

* Đường hành quân của đoàn phim đã thực hiện đến đâu, thưa anh?

* Tháng 5-2012 chúng tôi đi quay “nháp” trên tỉnh Bình Phước ở đồn Hoàng Diệu, để báo cáo Bộ Tư lệnh. Sau khi có quyết định đồng ý của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chấp thuận và cử đồng chí Vũ Huy Bình cùng đi với đoàn phim, chúng tôi chính thức bấm máy ngày 22-8 và đến 28-8 đoàn đã quay được các đồn biên phòng gồm: Phước Chỉ, Mộc Bài, Xa Mát, Tống Lê Chân (Tây Ninh), Sa Vát, Hoàng Diệu, Đắk Ka, Đắk Bô, Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Tà Vát (Bình Phước). Sang tháng 9, đoàn sẽ lần lượt đi quay các đồn biên phòng theo chiều dài các tỉnh miền Tây Nam bộ.

* Từ ý nghĩa của bộ phim nên chắc hẳn mọi việc đều thuận lợi?

* Không hoàn toàn như vậy! Cái khó lớn nhất khi thực hiện dự án này vẫn là vấn đề muôn thuở: chuyện kinh phí. Còn thuận lợi là đi đến đâu đoàn đều được các đồng chí bộ đội biên phòng, các đồn biên phòng, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh mà đoàn đến, tạo mọi điều kiện tốt để đoàn phim hoàn thành nhiệm vụ, tạo dựng những cảnh quay đắt giá nhất.

* Anh có thể tiết lộ mức kinh phí và phim được phát sóng vào thời gian nào?

* Kinh phí cho phim khoảng 45 triệu đồng/tập và 200 tập khoảng 9 tỷ đồng. Phim dự tính hoàn thành trong vòng 16 tháng và dự kiến bắt đầu phát sóng trên ANTV vào ngày 6-10-2012. 

NHƯ HOA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục