Thêm một công trình kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị xâm hại

Đình cổ Ngu Nhuế bị san phẳng

Trăm năm còn một chút này…
Đình cổ Ngu Nhuế bị san phẳng

Khi vụ phá hủy và xây mới hai hạng mục là Gác Khánh và nhà Tổ tại di tích quốc gia chùa Trăm Gian chưa kịp lắng xuống, mới đây, tại Văn Giang, Hưng Yên, người dân lại vô cùng xót xa gửi đơn lên Thanh tra Bộ VH-TT-DL kêu cứu về việc đình cổ Ngu Nhuế, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã bị san phẳng.

Đình cổ Ngu Nhuế giờ đã tan hoang.

Đình cổ Ngu Nhuế giờ đã tan hoang.

Trăm năm còn một chút này…

Theo lời kêu gọi khẩn thiết của những người dân thôn Nội, xã Vĩnh An, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đã có mặt tại đình Ngu Nhuế, nơi đã từng được tôn vinh, công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật lịch sử quốc gia. Mặc dù đã được thông tin từ trước về hiện trạng của ngôi đình cổ, song chúng tôi không dám tin vào mắt mình khi người dân chỉ vào bãi đất hoang tàn đổ nát ngổn ngang gỗ, ngói ngay sát lề đường kia chính là di tích. Cả ngôi đình cổ kính với những kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo giờ chỉ còn lại nền móng cũ với một phần nhỏ hậu cung còn sót lại trong cuộc đại trùng tu và cũng đang ở trong cảnh xập xệ, hoang phế.

Tại sao, một ngôi đình cổ được khởi dựng từ thế kỷ XII, dưới thời vua Tự Đức, đình được trùng tu lại và đến năm 1989 đình đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng và lâm vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất như vậy?

Theo ông Lê Đức Oanh, một trong những người từng tham gia ban quản lý di tích này, đình đã xuống cấp nhiều hạng mục vì thế năm 2010, các cụ đã làm đơn xin kinh phí tu bổ, sửa chữa. Các đơn vị chức năng của Sở VH-TT-DL Hưng Yên đã về kiểm tra và cũng thừa nhận tình trạng xuống cấp này song với lý do đã hết chỉ tiêu kinh phí nên đợi năm 2011 giải quyết.

Quả thật, đầu năm 2011, xã thông báo rằng đã có 100 triệu đồng để tu bổ đình. Lúc đó, ai cũng vui mừng, mặc dù 100 triệu đồng cũng chả thấm vào đâu. Ông Oanh cho biết, với số tiền này Ban quản lý di tích thống nhất chỉ đảo ngói trên dưới để không dột, còn dui, mè, cái nào hỏng thì thay. Thế rồi chả hiểu thế nào, khi chưa hề có dự án, không có giấy tờ thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL về việc tu bổ, tôn tạo song đơn vị thi công từ việc đảo ngói rồi với lý do mục nát hết thảy đã tiến hành hạ giải toàn bộ đình. Và đoạn cuối của quy trình tu bổ, phá hủy toàn bộ ngôi đình cổ và xây dựng một ngôi đình mới thay thế cách đó không xa - ông Oanh chua xót nói.

Đau xót hơn, nhiều chi tiết tinh xảo tạo nên giá trị đặc biệt đã khiến đình Ngu Nhuế được công nhận là di tích kiến trúc lịch sử quốc gia như mảng chạm, đầu kê, đòn bẩy được chạm lộng tinh xảo… sau khi hạ giải cái mất cái còn thì cũng không còn nguyên vẹn như xưa.

Cách địa điểm ngôi đình cổ không xa, một công trình mới, người dân gọi đó là đình mới với những hàng cột gỗ đồ sộ đã được dựng lên. Phía trước công trình được xây dựng theo kiểu năm gian tòa Đại bái, phía sau là hậu cung đang được hoàn tất.

Hành xử với di sản theo kiểu “mượn gió bẻ măng”?

Theo ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, việc di dời đình đã được tính đến nhiều lần trước đó, song điểm mấu chốt để quyết định dịch hẳn đền vào sâu bên trong 18m là do công trình làm đường trước đó của huyện. Ông Năng cho biết đầu năm 2012, UBND huyện Văn Giang đầu tư nâng cấp đổ bê tông tuyến đường 180 (đường này chạy qua cửa đình). Theo quy hoạch rộng 32m, con đường này đã lấn vào một phần di tích khiến khoảng sân đình vốn đã không rộng lại bị thu hẹp lại, hơn thế, cốt của đình lại thấp hơn nền đường. Vì thế, UBND xã đã nhiều lần lập tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị cho phép di chuyển đình Ngu Nhuế, nhưng Sở VH-TT-DL Hưng Yên không đồng ý phương án này.

Do vậy, trong khi các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chuyên môn tiếp tục xem xét, nhân việc có 100 triệu đồng tiền ngân sách được cấp cho việc tu bổ, địa phương tranh thủ kêu gọi thêm công đức của người dân và tự ý di chuyển đình sang một địa điểm khác. Quá trình dựng đình tại một địa điểm mới cũng không có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý di sản văn hóa dẫn đến một công trình kiến trúc cổ gần như đã bị xóa sạch.

Trước sự việc đã rồi, khi bị đoàn Thanh tra Bộ VH-TT-DL phát hiện sai phạm và yêu cầu dừng ngay việc thi công, giữ nguyên hiện trạng đình Ngu Nhuế, Sở VH-TT-DL Hưng Yên vội vàng có công văn gửi UBND tỉnh Hưng Yên và ngày 8-5-2012, UBND tỉnh Hưng Yên mới có công văn gửi Bộ VH-TT-DL, đề nghị cho di chuyển đình Ngu Nhuế để “tránh ảnh hưởng đến quy hoạch và thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân”. Song giải pháp tình thế này làm sao cứu được tòa kiến trúc giờ chỉ còn là phế tích?

Vi phạm Luật Di sản văn hóa đã quá rõ, nhưng điều khiến nhiều người cảm thấy đau xót nhất chính là hình ảnh cũng như những giá trị kiến trúc tiêu biểu của ngôi đình cổ có hàng trăm năm tuổi đã không còn nữa. Trách nhiệm này thuộc về ai? Liệu công trình đang được dựng lên gần đó có được xem là di tích quốc gia hay không?

Thu Hà

Tin cùng chuyên mục