PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Khán giả đã cảnh giác hơn với… nước mắt

Các chương trình truyền hình thực tế đã thổi luồng sinh khí mới trên màn ảnh nhỏ, song, với liên tiếp các scandal được phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là nghi án dàn xếp kết quả trong “Giọng hát Việt” đã khiến khán giả bị “sốc”. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS, nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái, Trưởng khoa Quan hệ công chúng của Trường Đại học Đại Nam, Hà Nội.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Khán giả đã cảnh giác hơn với… nước mắt

Các chương trình truyền hình thực tế đã thổi luồng sinh khí mới trên màn ảnh nhỏ, song, với liên tiếp các scandal được phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là nghi án dàn xếp kết quả trong “Giọng hát Việt” đã khiến khán giả bị “sốc”. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS, nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái, Trưởng khoa Quan hệ công chúng của Trường Đại học Đại Nam, Hà Nội.

  • Chạy theo lợi nhuận

* PV: Phải thừa nhận chương trình truyền hình thực tế đã đem lại khởi sắc cho truyền hình và do đó, công chúng Việt Nam cũng được thụ hưởng sự mới mẻ đó. Theo bà điều gì đã đưa các chương trình mới ấy liên tục du nhập vào Việt Nam?

* PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái:
Có thể nói, sự xuất hiện các chương trình truyền hình thực tế, gameshow đã tạo ra không khí sôi động, mới mẻ đối với ngành truyền hình trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng mới này. Tại thời điểm khán giả trong nước đã cảm thấy buồn tẻ, nhàm chán khi các chương trình truyền hình trong nước được làm đơn giản, cứng nhắc, thì sự xuất hiện của các gameshow thực tế, chương trình truyền hình thực tế sôi động, mới lạ đã nhanh chóng tạo ra được sức hút mới. Khán giả bị tò mò bởi sự hoành tráng, cầu kỳ, diễm lệ của sân khấu và bị lôi cuốn bởi cách làm sinh động, chuyên nghiệp.

Và hơn hết, nó thực sự rất mới và khác hoàn toàn với những “món ăn” truyền hình mà người ta đã từng xem. Bước nhảy hoàn vũ mùa đầu tiên đã lôi cuốn, quyến rũ người xem theo cái mới lạ ấy, thậm chí còn góp phần khơi nguồn ước mơ sáng tạo cho bộ môn khiêu vũ trong nước. Điều tương tự cũng xảy ra với Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol và sau đó là Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent…

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái.

* Phần lớn, các chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền của nước ngoài đều thành công ngay trong mùa đầu tiên khi vào Việt Nam, nhưng ngay sau đó, sự hấp dẫn giảm đi rất nhanh. Phải chăng do khán giả cả thèm chóng chán?

* Không hẳn vậy. Những người làm chương trình như quá mải mê trên hào quang có được từ háo hức cái mới của khán giả và lầm tưởng như vậy chương trình đã rất thành công, và chạy hết tốc lực để ra mắt những phiên bản mới, tranh thủ đang trên đà vinh quang, để thu thật nhiều lợi nhuận. Chính suy nghĩ theo kiểu “chụp giật” đầy vụ lợi, phớt lờ yếu tố văn hóa, không đếm xỉa đến phản ứng từ khán giả trong nước đã dẫn đến chất lượng chương trình suy giảm, chứ không phải do công chúng cả thèm chóng chán.

Và cũng có thể nói, khán giả sau choáng ngợp bởi sự mới lạ ở mùa đầu, ở mùa sau, họ đã lắng lại dần, yếu tố mới lạ cũng giảm dần và chương trình cần sự gia tăng về chất lượng, về sự thân mật, gần gũi lại không có, nên việc khán giả rời xa chương trình, cũng là phản ứng tự nhiên. Chủ thể phải luôn nhớ rằng họ đang làm chương trình Giọng hát Việt cho hàng triệu khán giả Việt xem chứ không phải người Mỹ, người Nga hay bất kỳ nước nào khác.

* Điều này có phải là dấu hiệu của sự thất bại trong “Việt hóa” các chương trình giải trí được mua bản quyền từ nước ngoài?

* Điểm mấu chốt ở chỗ đó. Các công ty ra sức tìm mua những chương trình đã từng rất thành công ở nước ngoài đưa về Việt Nam. Tiền họ đã đầu tư vào việc đó là để thu lại lợi nhuận và họ mải miết chạy theo mục tiêu lợi nhuận bằng việc tạo ra sức nóng theo cách “mục đích biện hộ cho phương tiện” và đẩy yếu tố văn hóa, thông tin xuống hàng thứ yếu.

Việc dịch chuyển một hoạt động văn hóa nghệ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam phải được coi là một cử chỉ Việt hóa và phải nỗ lực tạo lập nó trên tinh thần thuần Việt của chính mình thì mới có thể tồn tại bền vững. Nhưng các chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền hiện nay tại Việt Nam đang mắc kẹt, bởi thiếu khả năng Việt hóa đích đáng. Cách Việt hóa của nhiều chương trình có khi còn sống sít và mang tính sao chép cơ học khiến công chúng phẫn nộ, điển hình như trong Bước nhảy hoàn vũ. Liên tục các nghi án về việc đạo ý tưởng bài nhảy “Vũ điệu chim công” rồi phần sao chép gần như nguyên vẹn bài thi của cặp thí sinh trong cuộc thi “So you think you can dance” và vụ đạo tiếng hát của Minh Hằng ngay trong đêm mở màn cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ 2012… và gần đây nhất nghi án dàn xếp kết quả trong Giọng hát Việt, có thể coi đó là những thảm họa của truyền hình thực tế…

  • Xuất hiện “cá mập” trong truyền thông?

* Trở lại nghi án dàn xếp kết quả trong “Giọng hát Việt”, nhiều người cho rằng VTV cũng giống như đã bị mua phải hàng chất lượng kém và giờ họ cũng đang “mũ ni che tai” để bán cho xong món hàng đó?

* Đây là hệ quả của tính vụ lợi đã bị đẩy lên trên cả tính văn hóa nghệ thuật, tính báo chí và thông tin. Song đáng tiếc, sau khi vụ việc, những nghi án được phát hiện, họ đã ngay lập tức tìm cách khỏa lấp, bưng bít. Ngay cả thông cáo báo chí vừa rồi không những né tránh lỗi mà còn không hề hàm chứa một lời xin lỗi nào. Họ còn nợ nhiều lời xin lỗi với khán giả, với thí sinh và cả những người bị ảnh hưởng bởi chương trình đó.

Dù muốn hay không thì đó là chương trình truyền hình, là thông tin về nghệ thuật được truyền thông bằng phương tiện truyền hình, khác hẳn việc truyền thông bằng báo in, báo phát thanh, hay báo mạng, do đó mọi diễn biến truyền thông trên báo hình (truyền hình) đều phải tuân thủ Luật Báo chí về tính chân thực, khách quan, minh bạch.

* Theo bà, có hay không việc những công ty truyền thông, công ty giải trí được nâng tầm lên hàng “cá mập”, có quyền sinh, quyền sát với các chương trình trên truyền hình để rồi từ đó, ngay cả giới truyền thông và nghệ sĩ cũng phải e ngại họ?

* Đó là một hiện trạng đang tồn tại, rất đáng phải nghiên cứu để điều chỉnh và hoạch định về sự phát triển truyền hình lành mạnh trong bối cảnh văn hóa hiện đại đã qua thập niên thứ nhất của thế kỷ 20 ở Việt Nam. Nếu cứ làm như thế này thì trên một tinh thần nào đó, báo chí được hiểu là đã được/bị “bán cái” cho tư nhân. Tư nhân sở hữu trong tay bản quyền của những chương trình ăn khách, đem lại những nguồn tiền khổng lồ từ quảng cáo, từ tin nhắn của khán giả và điều đó cũng có nghĩa họ được sủng ái. VTV chịu trách nhiệm chính về các chương trình kiểu này, tôi không hiểu lý do VTV không vào cuộc và không có mặt trong buổi họp báo rất “kịch” do Ban tổ chức Giọng hát Việt tổ chức tại TPHCM vừa qua?

* Có nhiều ý kiến cho rằng phải chăng các giá trị của xã hội hiện đại Việt Nam đang bị đảo lộn trong truyền thông và ngay trên truyền hình, khi người có lỗi thì được vuốt ve, thông cảm, thương xót và VTV - đài truyền hình của quốc gia, từ vị trí có đầy đủ quyền lực và trách nhiệm lại giải quyết vụ việc một cách thụ động và lửng lơ, chỉ căn cứ qua “báo cáo giải trình” của nhà tổ chức mà không có biện pháp kiểm chứng độc lập?

* VTV là đơn vị đưa chương trình này lên sóng. VTV là một tờ báo hình quốc gia, và chính họ phải chịu trách nhiệm về chương trình chưa đạt chuẩn, mắc lỗi. Phía đối tác liên kết chỉ là đơn vị được đặt hàng, được bán hàng, còn chính VTV mới là người được quyền quyết định sử dụng. Không thể giải quyết một cách nhẹ tênh như vừa qua. Cần có sự vào cuộc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, sự quyết liệt của lãnh đạo VTV và sự nghiêm túc, thẳng thắn và minh bạch của Cát Tiên Sa. Nếu làm được như vậy, quyết tâm như vậy thì mới có thể lấy lại được niềm tin của khán giả, và đó cũng là cách để đứng dậy sau thất bại.

Theo tôi, điều khôn ngoan nhất trên tinh thần “những việc cần làm ngay và phải được làm ngay” là ban tổ chức phải xin lỗi công chúng truyền hình và công chúng Việt nói chung và thay giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt.

* Song theo bà, tại sao ban tổ chức lại không chọn giải pháp tích cực này?

* Đơn giản vì họ nghĩ rằng mình đang ở thế thượng phong và việc thay giám đốc âm nhạc cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận mình đã sai, thừa nhận các vòng thi “Giấu mặt” và “Đối đầu” đều có vấn đề. Tuy nhiên cách hành xử vừa qua của đơn vị tổ chức có thể được coi là nỗ lực cứu vớt thương hiệu trong sự tuyệt vọng. Rõ ràng truyền hình thực tế đã phát triển nhanh, mạnh, thu được nhiều tiền, danh vọng và thương hiệu được phát tán rất mạnh. Tuy nhiên họ cũng cần hiểu rằng, chính khán giả là những người đưa họ lên đỉnh cao danh vọng ấy. Xây dựng uy tín về một thương hiệu mạnh không dễ nhưng chỉ cần mắc một vài lỗi văn hóa đáng tiếc như vậy, có thể đủ làm nứt một “tượng đài” và sứt mẻ thương hiệu trầm trọng…

* Dưới góc nhìn của một khán giả, bà nghĩ gì sau sự việc này?

* Công chúng Việt hiện nay đều là những người tiêu dùng thông minh hoặc đang trên đường tiêu dùng một cách thông minh hơn trước, dù đó là các món ăn tinh thần hay món ăn vật chất. Nhưng sự việc đã “quá mù ra mưa” như thế này, chẳng có lý gì khán giả lại không nhận ra bản chất của sự việc thông qua cuộc họp báo vừa rồi, nhất là sau tất cả những gì đã diễn ra trước mặt họ, trên màn hình. Khán giả rất có thể từ chối một chương trình như thế. Mà khi không nhận được sự ủng hộ của công chúng thì sự tồn tại của các chương trình không còn ý nghĩa. Chính từ Giọng hát Việt, người xem giờ đây đã cảnh giác với… những giọt nước mắt. Công chúng yêu cầu VTV cung cấp những chương trình sạch, không kèm theo, không dính dáng đến scandal!

THU HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục