Người trẻ với văn học chiến tranh cách mạng - Tín hiệu vui

Không ít lần, ở các cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học, những người tâm huyết với nền văn học trong nước bày tỏ sự lo lắng về tình trạng hụt hẫng đội ngũ sáng tác kế thừa của dòng văn học chiến tranh cách mạng. Lo lắng đó không phải là không có cơ sở khi những cây bút trẻ hiện nay hầu như chẳng mấy ai mặn nồng với đề tài này. Thế nhưng gần đây đang bắt đầu có thay đổi, dù chưa nhiều nhưng là những tín hiệu vui.
Người trẻ với văn học chiến tranh cách mạng - Tín hiệu vui

Không ít lần, ở các cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học, những người tâm huyết với nền văn học trong nước bày tỏ sự lo lắng về tình trạng hụt hẫng đội ngũ sáng tác kế thừa của dòng văn học chiến tranh cách mạng. Lo lắng đó không phải là không có cơ sở khi những cây bút trẻ hiện nay hầu như chẳng mấy ai mặn nồng với đề tài này. Thế nhưng gần đây đang bắt đầu có thay đổi, dù chưa nhiều nhưng là những tín hiệu vui.

        Nét lạ từ đề tài cũ

Vừa qua, nhà văn trẻ Võ Thu Hương bất ngờ ra mắt bạn đọc cuốn truyện ký Nụ cười Chim sắt. Nói là bất ngờ vì hoàn toàn trái ngược với những tác phẩm trước đó của Hương vốn thiên về đề tài tình cảm đôi lứa, những trăn trở của cuộc sống. Đề tài trong tác phẩm mới nhất của cô nhà văn trẻ này lại là chiến tranh và còn hơn thế nữa, là cuộc chiến khốc liệt dữ dội của những chiến sĩ biệt động thành, một cuộc chiến đã khép lại từ trước khi Hương chào đời. Chính vì thế, dù rằng đề tài về các chiến sĩ biệt động đã được nhiều cây bút thể hiện nhưng qua giọng văn trẻ trung của Hương, những anh hùng, những chiến công và cả cuộc sống của họ lại tái hiện với một góc độ khác, chưa thể nói là hay hơn những tác phẩm đi trước nhưng có nét độc đáo riêng.

Nếu nói tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng gây bất ngờ nhất thời gian qua thì không thể không nhắc đến Hạt hòa bình của cây bút trẻ Minh Moon (Trần Nguyệt Minh). Tác phẩm viết về đề tài cuộc chiến biên giới Tây Nam đầy tính nghiêm túc của lịch sử kết hợp với cách thể hiện theo dòng văn chương huyền ảo đang thịnh hành trong văn chương cho giới trẻ, hình thành tác phẩm độc đáo nhất cho đến nay trong các sáng tác của các cây bút trẻ về đề tài chiến tranh cách mạng. Thế nhưng, sự kết hợp tưởng chừng khiên cưỡng này lại được Minh Moon khéo léo hòa trộn lại bằng một kiến thức khá phong phú về các chi tiết của người lính trong chiến tranh như bắn tỉa bằng đại liên, tắm nước sôi cho súng…

Các nhà văn trẻ TP trong trại sáng tác tại Rừng Sác.

Các nhà văn trẻ TP trong trại sáng tác tại Rừng Sác.

        Không thể viết nếu thiếu đam mê

Nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP, giải thích lý do tại sao từ trước đến nay lại có quá ít những tác phẩm của các cây bút trẻ về đề tài chiến tranh cách mạng: “Tất cả là ở sự lười biếng của nhà văn, viết về những thứ xung quanh, về những điều chứng kiến hàng ngày luôn có vẻ dễ dàng nhất. Thế nhưng, trong sáng tác không có gì là dễ dàng cả, nhìn thấy là một chuyện, trải nghiệm, cảm nhận, có kiến thức để hiểu biết lại là chuyện khác. Chính vì vậy, rất nhiều bạn trẻ chỉ dừng lại ở kiểu viết như kể truyện, viết thì nhiều nhưng ai cũng như ai vì ai cũng có thể nhìn thấy những điều xung quanh. Hiểu biết chính cuộc sống quanh ta đã khó, hiểu biết lịch sử lại càng khó hơn, nếu không có đam mê, có sự yêu thích thật sự thì sẽ không bao giờ có thể viết nổi về lịch sử”.

Niềm đam mê không phải tự dưng mà có, nó được xây dựng thông qua một quá trình lâu dài và một trong những nơi lẽ ra phải góp phần xây dựng nên niềm đam mê là mái trường, trong khi hiện nay lại đang diễn ra tình trạng ngược lại. Môn lịch sử dạy trong trường học liên tục bị phê phán là một trong những môn học gây chán ngán nhất ở trường và hình ảnh học sinh xé đề cương môn lịch sử vì không thi tốt nghiệp vào đầu năm nay không chỉ là nỗi đau của ngành giáo dục mà còn của những người quan tâm đến văn học Việt Nam. Làm sao để có được một thế hệ trẻ sáng tác về lịch sử khi mà thế hệ đó lại chẳng mấy quan tâm hay yêu thích lịch sử?

Thực tế, hầu hết các cây bút trẻ viết về lịch sử thời quan qua đều xây dựng niềm đam mê ngoài mái trường. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất qua hai tác giả trẻ ở trên, Võ Thu Hương từ công việc một nhà báo có cơ hội tiếp xúc với những nhân chứng sống, từ đó dẫn đến niềm đam mê, quyết tâm theo đuổi đề tài. Minh Moon cũng vậy, chính từ sự trăn trở về một quá khứ đầy sôi động của vùng đất mình đang sống đã thúc đẩy nhà văn cất công tìm hiểu về cuộc chiến, về những gì đã diễn ra năm ấy để từ đó có được kiến thức, cảm xúc thể hiện nên tác phẩm.

        Cơ hội sáng tác

Thật ra, bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là đam mê còn một số yếu tố phụ khác ảnh hưởng đến việc tiến vào đề tài chiến tranh cách mạng của các bạn trẻ như sự bội thực của dòng văn học này do có quá nhiều tác phẩm của thế hệ đi trước được giảng dạy, lên văn đàn… Rồi một số bạn trẻ lại lơ là viết về đề tài đó vì ngại đụng chạm những yếu tố chính trị, nhạy cảm…

Và giải quyết những vấn đề đó cũng là một phần trách nhiệm của các hội chuyên ngành như Hội Nhà văn. Bên cạnh việc tổ chức đưa các cây bút trẻ đi tham quan những di tích cách mạng ở gần TP thì có Củ Chi, Cần Giờ, hay như mới đây là về An Giang thăm rạch Ông Hào, nơi từng diễn ra một trong những trận đánh lớn nhất miền Tây Nam bộ (1965), hội cũng góp phần giải tỏa những lo lắng của các bạn trẻ như nỗi lo “đụng chạm”.

Trong khi đó, thực tế như nhà thơ Phan Hoàng nhận định, chiến tranh cách mạng thực tế là một đề tài sáng tác cực kỳ rộng lớn cho các cây bút trẻ: “Các bạn trẻ cứ nghĩ là viết về chiến tranh phải là thời quá khứ, là bom đạn, bắn nhau… Thật ra, chiến tranh còn rất nhiều vấn đề khác nữa, nào là hậu chiến, hòa hợp xã hội, mâu thuẫn gia đình, bạn bè, đồng đội… Và quan trọng nhất là các nhân chứng vẫn còn rất nhiều và trong đó không ít là người thân, bố mẹ, ông bà. Nghĩa là thực tế đề tài này chẳng xa xôi như nhiều bạn nghĩ mà vẫn đang hiện diện ngay bên cạnh, chỉ là bạn có thực sự quan tâm hay không”.

Một vài tác phẩm vẫn chưa nói lên được điều gì nhưng ít nhất nó cho thấy các cây bút trẻ đã bắt đầu có sự quan tâm, tiếp nối với mảng đề tài này. Vấn đề là bây giờ sẽ làm gì để duy trì sự đam mê, khích lệ sự nỗ lực của các cây bút này để từ đó tìm kiếm nên những tác phẩm hay, những tác giả kế thừa cho thế hệ các nhà văn đã từng xây dựng nên một dòng văn chương chiến tranh cách mạng ấn tượng trước đây.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục