Bữa cơm ngày 19-5-1969

Có hai người con gái Nam bộ đã vinh dự được ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào ngày sinh nhật cuối cùng của Người: 19-5-1969. Một trong hai người là đồng chí Nguyễn Thị Châu, nguyên Chủ tịch UBND quận 10 (TPHCM). Đồng chí kể lại kỷ niệm này trong nỗi xúc động…
Bữa cơm ngày 19-5-1969

Có hai người con gái Nam bộ đã vinh dự được ăn cơm với Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào ngày sinh nhật cuối cùng của Người: 19-5-1969. Một trong hai người là đồng chí Nguyễn Thị Châu, nguyên Chủ tịch UBND quận 10 (TPHCM). Đồng chí kể lại kỷ niệm này trong nỗi xúc động…

        Người trong trái tim miền Nam

Tôi đến Hà Nội chung với đoàn cán bộ miền Nam vào ngày 17-5-1969, để chuẩn bị đáp máy bay sang các nước XHCN lúc bấy giờ là Cuba, CHDCND Triều Tiên, Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Ba Lan… báo cáo thành tích đánh Mỹ. Tôi và Quyên (chị Nguyễn Thị Quyên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) cùng ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Tôi công tác bộ phận thanh niên còn chị Quyên ở cánh phụ nữ.

Trước khi đi, chúng tôi đã chuẩn bị một giỏ xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng ngon ngọt của miền Nam, mục đích là ra đến Hà Nội thì nhờ người gửi biếu Bác Hồ. Tuy nhiên khi ra đến nơi, chỉ còn lại 2 quả chín nhất và không bị dập. Chúng tôi gửi xoài cho một đồng chí ở Ban Thống nhất Trung ương chuyển đến Người.

Đêm 18-5-1969, chú Lê Toàn Thư ở Ban Thống nhất Trung ương bỗng nhiên đến nhà khách thông báo vắn tắt: “hai cháu Châu và Quyên ngày mai mặc trang phục Nam bộ, đi công tác”. Chỉ biết vậy thôi vì nguyên tắc ngày ấy là bí mật ngay cả trong di chuyển, công việc… Chúng tôi hơi lo lắng!

Đồng chí Nguyễn Thị Châu bên di ảnh Bác.

Đồng chí Nguyễn Thị Châu bên di ảnh Bác.

9 giờ sáng hôm sau, tôi và Quyên được xe Volga đón trong nỗi thắc mắc. Ấy nhưng khi xe chạy vào Phủ Chủ tịch, tôi rất mừng và bấm tay Quyên, vừa nói vừa run: “Vậy là tụi mình sắp được gặp Bác rồi Quyên ơi”. Hai chị em nước mắt ràn rụa vì không phải ai trong đoàn cán bộ miền Nam ra dịp này cũng được gặp Bác. Và xúc động hơn nữa bởi hôm ấy đúng ngày 19-5-1969, ngày sinh nhật lần thứ 79 của Người.

Xe dừng lại tại nhà khách, vừa leo lên bậc thềm thì chúng tôi thấy chú Vũ Kỳ, thư ký của Bác, ra đón. Thấy chúng tôi khóc, chú Vũ Kỳ bảo: “Sướng vậy mà còn khóc, được gặp Bác phải vui, vì sức khỏe Bác yếu lắm rồi. Hai cháu gặp Bác là không được kể chuyện buồn đâu đấy”. Rồi chú Vũ Kỳ cho chúng tôi trấn tĩnh khoảng 30 phút, bắt hứa sẽ chỉ kể chuyện vui xong mới đưa cả hai đến phòng chiếu phim trong Phủ Chủ tịch. Vén rèm nhìn sang nhà sàn, tim tôi như ngừng đập khi thấy dáng Người như dáng một ông tiên, tóc bạc phơ, vận bộ đồ kaki vàng, chống gậy đi khá nhanh. Sau lưng Bác là một bác sĩ và một cảnh vệ.

Hai chúng tôi bất chấp lời hứa, ùa ra ôm chầm lấy Bác như đứa con thơ gặp vị cha già, khóe mắt Bác long lanh nước, nhưng miệng Bác thì cười vuốt tóc từng đứa, hỏi: “Này là Quyên hả? Còn đây là cháu Châu à?”. Chúng tôi nghẹn lời, chỉ biết gật và lắc, khoảng cách giữa vị lãnh tụ và chúng tôi xóa nhòa, tôi còn quên luôn vòng hoa lài chuẩn bị sẵn để đeo vào cổ Bác…

        Bữa cơm ngon nhất trong đời

Mừng tủi một hồi, Bác từ tốn chỉ tay, bảo: “Kìa, sao còn đứng ngây ra đấy, hai cháu sang chào chú Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng) đi chứ!”. Rồi 5 người chúng tôi gồm Bác, chú Vũ Kỳ, chú Tô và hai chị em tôi vào phòng ăn. Ngang qua một căn phòng nhỏ, Bác chọn hai cành lay ơn hồng đang cắm trong bình, bảo: “Bác tặng mỗi cháu một cành hoa. Hôm nay, Bác đãi hai cháu miền Nam một bữa cơm thịnh soạn”.

Khi Bác vừa đến bàn ăn, tôi cầm gậy và Quyên cầm nón bê rê của Người, cẩn trọng treo lên chiếc móc gắn trên vách. Quyên còn tháo đôi dép râu của Bác ra cho Bác ngồi thoải mái, mọi khoảng cách với vị lãnh tụ dường như không còn. Thêm nữa chúng tôi khá tự nhiên do còn trẻ, lại là dân miền Nam nên có lẽ Bác châm chước. Tôi ngồi bên phải, Quyên ngồi bên trái. Chúng tôi để ý thấy chén của Bác to gấp rưỡi chén của mọi người. Quyên xới cho Bác một chén đầy cơm, ém chặt. Chú Vũ Kỳ vui chuyện, kể: “Bác đã căn dặn nhà bếp làm sẵn cơm thết đãi hai cháu từ mấy hôm trước cơ”.

Trên bàn bày sẵn một dĩa nhỏ cà pháo, một chén mắm tôm, một dĩa nhỏ đựng hơn chục khoanh ớt xắt, một tô canh rau, một con cá trắm chiên xù, một dĩa nhỏ dồi trường luộc và mấy khoanh giò heo sữa xắt mỏng. Thức ăn tuy nhiều món nhưng số lượng ít, nhìn thật thèm mắt và bụng chúng tôi sôi cồn cào. Một chi tiết làm chúng tôi xúc động vô cùng là khi gắp khoanh giò cho Quyên, Bác run tay nên làm rớt khoanh giò lên mặt bàn. Rất nhanh, Bác dùng tay bốc khoanh giò cho ngay vào chén của Bác, tay kia gắp khoanh giờ khác, mắt nhìn lơ đễnh như không có việc gì xảy ra, miệng Bác nói bâng quơ: “Tính Bác nông dân vốn thế”. Đã tròm trèm nửa thế kỷ mà tôi không bao giờ quên khoảnh khắc ấy. Tôi biết Bác khi ấy đã yếu lắm rồi, nhưng trong ngày vui gặp chúng tôi, Bác không muốn đồng bào miền Nam lo lắng nên hành động vậy.

Và đó là bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời làm cách mạng của tôi. Điều này là thật tâm, tự đáy lòng tôi vẫn nhận thức thế, vẫn cảm nhận được mùi giò, cái giòn thanh của cà muối xổi, vị thơm của mắm tôm. Bác bảo: “Cháu Châu yếu quá (lúc ấy tôi đã ra tù, chỉ tròm trèm 33kg), phải ăn nhiều và không để hoang phí thức ăn. Dịp này cháu không nên đi Cuba nữa mà phải xuống Hạ Long an dưỡng. Khi về ấy nhớ dặn anh nuôi nấu cho món đuôi bò hầm, ăn mau lại sức nhé cháu”. Tôi khóc!

Khi thức ăn và cơm trên bàn đã hết, người phục vụ dọn ra chiếc bánh kem nhỏ, tôi thấy ghi chữ “Mừng sinh nhật Bác Hồ 79 tuổi”. Bác tự tay cắt bánh chia làm 5 phần. Thấy mọi người ăn bánh xong, Bác đưa luôn phần bánh của mình cho tôi và Quyên, nói: “Bác ăn bánh đã mấy mươi năm nay, giờ các cháu phải ăn cho khỏe”.

Nguyễn Thị Châu sinh năm 1938. Năm 1961, chị bị địch bắt giam ở trại Lê Văn Duyệt rồi luân chuyển qua Quân lao Gia Định, hầm khói Thủ Đức, hầm tối P.42 và nếm đủ các món tra tấn: tàu bay, tàu lặn, đóng đinh 10 đầu ngón tay... Kiên trung và bất khuất, Nguyễn Thị Châu được kết nạp Đảng, trở thành chi ủy viên chi bộ Đảng trại Lê Văn Duyệt.

Sau vụ tổ chức đánh bom không thành vào xe đại sứ Mỹ năm 1961, địch điên cuồng lùng sục và bắt được Lê Hồng Tư. Năm 1962, tòa Quân sự mở phiên tòa xét xử đặc biệt, Lê Hồng Tư và 5 đồng đội bị kết án tử hình, đày ra Côn Đảo.

Cảm phục, yêu anh, Nguyễn Thị Châu quyết định xin tổ chức được làm vị hôn thê của Lê Hồng Tư ngay trong tù. Và những câu thơ viết trên vách xà lim Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/ Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi của Nguyễn Thị Châu đã gây xúc động đặc biệt và lan truyền ra cả quốc tế.

DƯƠNG MINH ANH (ghi)

Tin cùng chuyên mục