Dấu ấn đa văn hóa trong làng giải trí xứ kim chi

Làn sóng kết hôn với người nước ngoài tăng mạnh tại Hàn Quốc thời gian qua khiến xứ kim chi trở thành một xã hội đa chủng tộc. Bắt kịp xu hướng trên, ngành nghệ thuật Hàn Quốc đã cho ra đời những sản phẩm nêu bật yếu tố đa văn hóa.
Dấu ấn đa văn hóa trong làng giải trí xứ kim chi

Làn sóng kết hôn với người nước ngoài tăng mạnh tại Hàn Quốc thời gian qua khiến xứ kim chi trở thành một xã hội đa chủng tộc. Bắt kịp xu hướng trên, ngành nghệ thuật Hàn Quốc đã cho ra đời những sản phẩm nêu bật yếu tố đa văn hóa.

Hwang Min Woo biểu diễn trong một chương trình ca nhạc.

Hwang Min Woo biểu diễn trong một chương trình ca nhạc.

Sau bộ phim gây được sự chú ý Cô dâu vàng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc ra mắt khán giả năm 2007, hàng loạt bộ phim mới đề cập đến yếu tố đa văn hóa tiếp tục làm say mê hàng triệu khán giả Hàn Quốc. Đáng chú ý trong số những bộ phim này là Wandeuki, kể về một thanh niên 18 tuổi gặp nhiều biến cố trong cuộc sống nhưng điều khiến cậu bất ngờ nhất là tìm thấy người mẹ ruột Philippines của mình. Còn Banga Banga lại gây xúc động cho người xem vì miêu tả sống động cuộc sống, chất chứa nhiều cay đắng của nhiều lao động nhập cư người nước ngoài. Một bộ phim khác phát sóng liên tục từ năm 2011 đến năm 2012 đạt tỷ lệ người xem khá cao là Ojakgyo Brother, phát sóng trên đài truyền hình KBS.

Ý tưởng sản xuất những bộ phim đa văn hóa chỉ thật sự bùng nổ tại Hàn Quốc sau sự trở về của cầu thủ bóng đá mang hai dòng máu Mỹ-Hàn Hines Ward năm 2006. Cha của Hines là người Mỹ gốc Phi và mẹ là người Hàn Quốc. Ông trở thành ví dụ điển hình cho câu chuyện một đứa trẻ đa văn hóa đã vượt qua sự kỳ thị chủng tộc để trở thành một người hùng bóng đá. Câu chuyện của Hines Wards, sự thành công của ông khi làm việc tại nước ngoài đã làm thức tỉnh dư luận và kêu gọi sự chú ý vào các gia đình đa chủng tộc ở xứ kim chi. Quan trọng hơn, nó khiến dư luận buộc phải nhìn nhận lại cách phân biệt đối xử với những người đến từ quốc gia khác đang sinh sống tại Hàn Quốc và khiến họ trở nên cởi mở hơn, linh hoạt hơn trong việc chấp nhận một xã hội đa văn hóa và mở cửa cho làn sóng này du nhập vào Hàn Quốc.

Làn sóng phim ảnh chỉ là sự mở đầu, dấu ấn đa văn hóa còn xuất hiện trong các ngành nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc. Số lượng các thành viên người nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan trong các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc ngày càng tăng. Dù có rào cản về văn hóa nhưng có lý do để cho các nhà sản xuất lão làng của xứ sở kim chi làm điều này. Đó chính là tham vọng đưa Kpop vươn ra thế giới, trong đó, thị trường đáng để mắt là Trung Quốc một quốc gia chiếm tới gần 1/4 dân số thế giới. Super Junior, U-Kiss, f(x), missA... đều là những nhóm nhạc hàng đầu Kpop có thành viên mang quốc tịch Trung Quốc.

Vào năm ngoái, một sản phẩm âm nhạc gây đình đám trên toàn cầu cũng có dấu ấn đa văn hóa là video ca nhạc Gangnam Style có sự tham gia của Hwang Min Woo, cậu bé mang hai dòng máu Việt-Hàn được mệnh danh là “tiểu Psy”, nổi tiếng qua các chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc. Cậu bé này là một trong 10 thanh thiếu niên xứ kim chi được chọn lựa nhận giải “Thanh thiếu niên gia đình đa văn hóa” do Korea Times cùng Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc trao tặng. Tuy xã hội Hàn Quốc đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với những thế hệ sinh ra từ các gia đình đa văn hóa nhưng một sự kiện mới đây đã khiến dư luận không khỏi chạnh lòng lẫn bất bình. Sự nổi tiếng của Hwang Min Woo đã bị một bộ phận cư dân mạng “ném đá” không thương tiếc vì cậu có một người mẹ Việt Nam. Số lượng ý kiến chỉ trích, tấn công nhiều đến mức những trang web liên quan đến Hwang Min Woo bị tê liệt. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Công ty quản lý của Min Woo là Star Zone Entertainment phải nhờ cảnh sát can thiệp.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục