Dự án xây cầu vượt Đàn Xã Tắc - Tìm được tiếng nói đồng thuận

Liên quan đến dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, sau khi dư luận lên tiếng, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm phải “bảo vệ di tích, Hà Nội không được phạm luật...”. Chiều 5-6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đơn vị quản lý, các nhà sử học, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc… để cùng tìm phương án tối ưu đối với kiến trúc cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.
Dự án xây cầu vượt Đàn Xã Tắc - Tìm được tiếng nói đồng thuận

Liên quan đến dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, sau khi dư luận lên tiếng, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm phải “bảo vệ di tích, Hà Nội không được phạm luật...”. Chiều 5-6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đơn vị quản lý, các nhà sử học, khảo cổ, văn hóa, kiến trúc… để cùng tìm phương án tối ưu đối với kiến trúc cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

        Ưu tiên bảo tồn di tích

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Nút giao thông Ô Chợ Dừa là một trong những nút giao thông quan trọng và phức tạp nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là vị trí giao cắt giữa nhiều trục giao thông chính, hiện tại là 6 và sắp tới sẽ trở thành ngã 7 vì thế việc đầu tư xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị, được thực hiện đúng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, UBND TP giao chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, thiết kế, đưa ra nhiều phương án ngầm, nổi khác nhau để xem xét và đề xuất lựa chọn phương án tối ưu. Phương án tư vấn đề xuất lựa chọn cơ bản đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ đề ra là đúng với quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và giao thông, không xâm hại đến khu vực bảo tồn di tích đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia và đảm bảo hài hòa không gian, cảnh quan, kiến trúc của khu vực dấu tích Đàn Xã Tắc và các công trình kiến trúc trong khu vực.

Phương án 4 được coi là hài hòa giữa yêu cầu về bảo tồn di sản và phát triển giao thông.

Phương án 4 được coi là hài hòa giữa yêu cầu về bảo tồn di sản và phát triển giao thông.

Phương án đưa ra phải đáp ứng 5 tiêu chí: phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; đảm bảo phát triển giao thông đô thị khu vực; hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực; cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Thay vì 1 phương án đã bị đưa ra mổ xẻ rất nhiều trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã trình ra 6 phương án khác nhau với ưu tiên bảo tồn di sản.

        Trình 6 chọn 1

Theo Sở GTVT Hà Nội, phương án từ 1 đến 5 là dựng cầu vượt theo tuyến Đông Tây và chỉ có phương án thứ 6 đề xuất dựng cầu chạy theo hướng Đông. Phương án 1 và 2 được đánh giá là phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về tổ chức giao thông, góp phần cải tạo không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị, không ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực, nhưng do thiết kế cầu có chờm lên phía trên khu vực bảo tồn, ảnh hưởng không gian khu vực khoanh vùng di tích vì thế, 2 phương án này dường như đã được loại bỏ ngay từ đầu.

Hội nghị tập trung vào 2 phương án được coi là ít ảnh hưởng tới di tích nhất đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề về giao thông. đó là giải pháp xây cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng). Phương án 4 được coi là phát triển từ phương án 3, là thiết kế bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên vành đai 1.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, bày tỏ quan điểm ủng hộ 2 phương án này vì ông cho rằng, mặc dầu khu vực Đàn Xã Tắc theo sử sách ghi lại là khá lớn nhưng 2 phương án về cơ bản không đụng chạm tới phần lõi đã phát hiện. Đồng tình với nhận xét này, GS Lưu Trần Tiêu cũng hướng tới phương án không gây ảnh hưởng nhiều tới di tích tuy nhiên, ông cũng tỏ chút băn khoăn về việc di tích bị kẹp giữa 2 nhánh cầu liệu có đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ về mặt kiến trúc?

Về phương án 5 là xây dựng hầm chui theo hướng vành đai 1, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc, một số nhà kiến trúc, nhà sử học cho rằng nếu phương án này được thực hiện bằng kỹ thuật làm hầm không lộ, sẽ ổn thỏa. Tuy nhiên do dự án bị hạn chế về mặt kinh phí, một phần Đàn Xã Tắc tồn tại nhiều lớp lang, dấu tích của các triều đại Lý Trần, Lê… nên phương án này chỉ mang tính chất đề xuất chứ tính khả thi không cao.

Theo phương án 6, cầu vượt được dịch hoàn toàn theo hướng khác là chạy từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Nguyễn Lương Bằng. Giải pháp này hoàn toàn không xâm hại đến di tích nhưng lại không giải quyết được bài toán về ách tắc giao thông ở “ngã 7” này nên cũng được đặt sang một bên.

Hội nghị tuy đã tìm được tiếng nói đồng thuận trong việc ưu tiên bảo tồn di sản, song một số nhà khoa học, nhà văn hóa cũng có những băn khoăn rằng liệu về mặt kiến trúc, phối cảnh, cũng như công năng sử dụng của cây cầu đã thật sự hài hòa chưa? Sau khi có được phương án lựa chọn tốt, ban quản lý dự án sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực trước khi báo cáo xin ý kiến các bộ liên quan để có văn bản thỏa thuận.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục