Cấp chứng chỉ hành nghề nghệ sĩ cần tiêu chí rõ ràng

Cấp chứng chỉ hành nghề nghệ sĩ cần tiêu chí rõ ràng

Nếu không có gì thay đổi, chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ mà đợt đầu là ca sĩ, người mẫu chính thức có hiệu lực từ 1-1-2014. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số ca sĩ, người mẫu… xoay quanh vấn đề này.

Người mẫu thời trang biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: AN DUNG

Người mẫu thời trang biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật. Ảnh: AN DUNG

  • Ca sĩ Phương Thanh: Xét duyệt chương trình đã là giấy phép

Tôi biết trước đây đã có 2 lần cơ quan quản lý văn hóa tiến hành cấp giấy phép hành nghề, nhưng vẫn không đi tới đâu, nên tôi không ủng hộ việc này. Theo tôi, khi cơ quan quản lý cấp phép cho ra album, chương trình được biểu diễn, đã là thẻ hành nghề với ca sĩ. Cứ bắt ca sĩ hát với ban nhạc, ai không hát được, ai hát nhép thì phạt thật nặng hoặc cấm không cho diễn. Cấp phép hay cấp chứng chỉ mà cấp theo kiểu phân biệt – có trường lớp đào tạo và không được đào tạo – là không công bằng. Nói thật, ca sĩ lên sân khấu hát mà không được khán giả chấp nhận hoặc bị khán giả tẩy chay, còn kinh khủng và ghê gớm hơn việc có (hoặc không có) chứng chỉ hành nghề. Rất nhiều trường hợp ca sĩ được đào tạo chính quy, nhưng ra đi hát, không được khán giả chấp nhận, yêu thích thì cũng bằng không. Hiện nay, tình hình biểu diễn, tổ chức show ca nhạc là rất khó khăn; cơ quan quản lý còn thêm vụ bắt buộc cấp chứng chỉ hành nghề, chỉ càng khiến tình hình khó khăn, rối rắm hơn.

  • Ca sĩ Hồ Trung Dũng: Dễ phát sinh tiêu cực

Với mục đích nhằm làm trong sạch, lành mạnh môi trường biểu diễn nghệ thuật, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo tôi là tốt; vì người hoạt động nghề chân chính thấy rất tổn thương, trước thực tế hiện nay là ai cũng có thể đi hát và nhận mình là ca sĩ, người mẫu dễ dàng. Nhưng để làm được điều này, đòi hỏi phải có tiêu chí rõ ràng. Trong khi đó, tôi được biết, tiêu chí cấp chứng chỉ lần này là tư cách đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trước đó. Về năng lực chuyên môn, ai sẽ thẩm định hát thế nào là hát được và ngược lại? Có những người không được học hành nhưng khán giả vẫn thích nghe họ hát, họ sống được bằng việc đi hát và được khán giả yêu thích. Còn về đạo đức thì vô cùng và rất mơ hồ. Nếu ca sĩ ăn mặc hở hang, hát nhép đã có những quy chế, nghị định quy định và xử phạt. Thêm vào đó, theo tôi, với những ca sĩ phòng trà, điểm diễn nhỏ sẽ đánh giá họ như thế nào trong việc xét cấp chứng chỉ hành nghề? Nếu cấp dễ dàng, dễ xảy ra tiêu cực. Quản lý sai phạm đã có luật để áp dụng, xử phạt; nếu cơ quan quản lý siết chặt khâu kiểm tra, xử phạt nặng, tôi nghĩ cũng có tác dụng hơn. Đưa ra đề án cấp chứng chỉ hành nghề mà tiêu chí không rõ ràng, tôi không ủng hộ vì như thế rất dễ làm cho tình hình phức tạp và cũng dễ nảy sinh tiêu cực.

  • Ông Tạ Nguyên Phúc, Giám đốc điều hành Công ty Đào tạo người mẫu PL: Sẽ hạn chế phức tạp trong giới người mẫu

Tôi biết, người mẫu đi diễn là phải mặc trang phục của nhà thiết kế và mặc theo yêu cầu của nhà tổ chức mà không có quyền từ chối. Vì thế vai trò, trách nhiệm và ý thức của nhà thiết kế, nhà tổ chức là chủ yếu; nên có vi phạm khi trình diễn, “tội” nhà thiết kế và nhà tổ chức phải nặng nhất. Người mẫu vi phạm thường là đi diễn vì tiền hoặc vì mối quan hệ thân tình nào đó. Tôi cho rằng cấp chứng chỉ hành nghề là tốt, bởi có chứng chỉ hành nghề sẽ hạn chế những phức tạp trong giới người mẫu. Thực tế, có người mẫu lợi dụng danh hiệu để đi bán dâm làm người dân có cái nhìn sai lệch và ác cảm với nghề người mẫu; khiến những người mẫu chuyên nghiệp, chân chính thấy tổn thương. Nếu  làm chứng chỉ hành nghề mà hạn chế, loại bỏ được người xấu là điều rất tốt. Nhưng thực tế hiện nay show diễn không nhiều, tiêu chí đánh giá người mẫu cũng không biết thế nào? Phải căn cứ vào cái gì để đánh giá người mẫu là đạt chuẩn và đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề?

HUỲNH TÀI

Tin cùng chuyên mục