72 giờ tạc tượng anh Phạm Ngọc Thạch

72 giờ tạc tượng anh Phạm Ngọc Thạch

LTS: Anh Gérard Chapuis, nhà sưu tầm nghệ thuật ở TP Marseille (Pháp) vừa gửi đến Báo SGGP một thông tin thú vị. Anh công bố bộ sưu tập của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu mà mình may mắn sở hữu từ 10 năm nay. Bộ sưu tập gồm 200 ký họa và 200 tài liệu bút tích, thư từ… của cố họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu gửi cho vợ là họa sĩ Trần Thị Phương Dung, khi ông đi học ở Tiệp Khắc, Ấn Độ, Nga… Trong số đó, có những dòng ông ghi lại chuyện tạc tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiện tượng đặt tại khuôn viên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM.

Tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: C.T.

Tượng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: C.T.

Thông thường muốn nặn một tượng chân dung thì người nghệ sĩ phải chuẩn bị công việc rất lâu và phải giải quyết nhiều việc.

- Vật liệu: Chuẩn bị nguyên vật liệu như một khối lượng đất sét lớn và một khối lượng thạch cao rất lớn, nhất là đối với một tượng rất to như tượng anh Thạch.

- Người: Chuẩn bị nhiều người làm về đất, thạch cao, mộc và công việc đẽo tượng, đục tượng...

- Nội dung (ảnh, trí nhớ, tình thương cảm): Chuẩn bị nội dung là công việc phức tạp nhất, khó khăn nhất và đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều công phu. Vì tượng chân dung nghệ thuật không phải chỉ đòi hỏi cho giống về bên ngoài mà còn phải giống về bên trong, nghĩa là phải toát lên được tinh thần và tâm hồn của người. Vì vậy mà thường phải mất rất nhiều năm tháng để nghiên cứu người thật trong mọi sinh hoạt và hoạt động của họ, thì mới có thể ghi lại được những nét điển hình (về nội tâm), tập trung nhất, tiêu biểu nhất, điển hình nhất của họ qua đường nét bên ngoài (ngoại diện) của mắt, mũi, miệng, trán, khuôn mặt của họ.

Vậy mà làm sao tôi nặn được tượng bán thân anh Thạch to như thế, to gấp 10 lần người thật, trong một thời gian hết sức ngắn, trong một hoàn cảnh đột xuất không có chuẩn bị gì trước cả, từ phương tiện vật chất đến tinh thần. Vì tôi nghe tin anh Thạch hy sinh ở chiến trường đến đột ngột quá, tuy rằng đó là việc bình thường (do sức khỏe kém, cộng với lao lực, ngày 7-11-1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch qua đời do viêm phúc mạc mật và sốt rét ác tính). Vì rằng người mình yêu mến, quý trọng không bao giờ mình nghĩ rằng họ chết cả. Tôi ở trong tâm trạng hư hư, thật thật như thế suốt tối thứ bảy, đêm chủ nhật và buổi sáng thứ hai.

Và trong một buổi gặp mặt đông đảo anh em văn nghệ sĩ Nam bộ tìm nhau để báo tin buồn ấy, lúc bấy giờ tôi mới như tỉnh ra và trở về với thực tại là anh Tư Thạch không còn nữa.

Và anh em lại ôn nhớ, kể chuyện, mỗi người vài kỷ niệm về anh Thạch, về con người, tính nết, đời hoạt động, quan hệ tình cảm anh em… Xúc động quá! Tôi và anh em, ai cũng cảm thấy con người anh đẹp quá! Đẹp một cách sâu sắc và toàn diện lắm!

Thế thì phải kịp thời. Kịp thời với cảm xúc, ghi lại hình ảnh đẹp đẽ ấy của một đồng chí, của một người thân! Và phải cho kịp thời giờ truy điệu anh trong mấy ngày nữa thôi. Và để hình ảnh anh sống đời đời về sau.

Kể ra thì thật gay go, vì chưa có gì trong tay cả. Nhưng ai ai cũng quyết tâm, vì vậy mà động viên tôi dữ lắm.

Anh em ở Hội Văn nghệ và Hội Mỹ thuật hứa cung cấp thạch cao, đất. Anh em ngành khác thì lo chạy rửa ảnh của anh ngay, anh em thì lo chạy tiền, chạy trà, chạy thuốc, chạy thức ăn. Có đồng chí lái xe của hội cũng muốn làm cái gì để góp sức. Còn lao động thì chưa kịp tính sao, lại có anh em miền Nam đến chơi với tôi biết việc đó đều xung phong, mỗi người một tay, người một ngày, một buổi, có người làm suốt mấy ngày, mấy đêm. Có người là nghệ sĩ điêu khắc, họa sĩ, nhưng cũng có nhiều người không biết gì nghề này cả, là bác sĩ, kỹ sư, cán bộ chính trị, nghệ sĩ sân khấu, nhạc sĩ… cũng xung phong. Kẻ nhồi đất, người xách nước, xẻ gỗ, đóng chân, kẻ đi chợ nấu nướng... Đó là lực lượng vật chất để tạo ra tượng.

Nhưng một lực lượng quan trọng khác là anh em văn nghệ sĩ miền Nam, cán bộ miền Nam đến luôn luôn động viên, cổ vũ tôi, bằng một chuyện kể về anh Thạch, bằng một giọt nước mắt, bằng một cái bắt tay, một nét nhìn đồng tình, đồng cảm. Những kỷ niệm về anh Thạch cứ sống động ở lòng tôi, tiếp sức cho tôi tạc nên những đường nét điển hình nhất của anh: một con người tình cảm, gần gũi với mọi người, tận tụy với người đau khổ, một con người lúc nào cũng lạc quan, tươi tỉnh, bén khỏe mà rất trí tuệ... Và trên hết con người tình nghĩa, giàu tình cảm đối với bạn bè, đồng chí, mọi người. Vì vậy mà xả thân. Tất cả thế lực và cặp mắt, vầng trán, làn môi, sống mũi và khuôn mặt của anh, của chính anh, nghĩa là vừa giống mặt anh, vừa toát lên tinh thần, tâm hồn anh, một tâm hồn trong sáng, cao đẹp.

Cái gì làm cho tôi thành công trong việc nặn tượng anh trong một thời gian quá gấp như vậy?

Một là vì anh yêu mến tôi và yêu mến mọi người nên tôi và mọi người mới có tình cảm đó. Nợ lòng.

Hai là vì những bạn bè, đồng chí yêu mến anh, bắt buộc ở trong vị trí nên cung cấp tình cảm cho tôi, và tự thân tình cảm của tôi đối với anh nữa…

Ba là vì anh là một đồng chí, một con người có tâm hồn cao đẹp: bình dân, giản dị, xả thân cho đất nước, cho con người, cho miền Nam. Anh là một anh hùng cao đẹp!

Bốn là vì tôi có cả một tập thể, giúp tôi hết mình về tinh thần lẫn vật chất...

DIỆP MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục