Đừng để “qua phà”!

1.
Đừng để “qua phà”!

1. Hai đứa cháu ở Mỹ về chơi, đứa 10 tuổi, đứa 8 tuổi. Hôm trước, người mẹ dắt hai con nhỏ đi Vũng Tàu. Khi về, chúng thích quá, đòi đi biển tiếp. Tôi góp ý “Đi Cần Giờ cho gần”. Cần Giờ là một huyện duyên hải TPHCM, cách quận 1 khoảng 50 cây số. Ngoài mé phía Nam giáp biển Đông, Cần Giờ giáp với Long An và Tiền Giang tại sông Soài Rạp, giáp với Đồng Nai tại sông Lòng Tàu, giáp với Bà Rịa - Vũng Tàu tại sông Thị Vải. Bốn bề là nước, gọi Cần Giờ là một hòn đảo cũng không có gì là cường điệu.

Lúc xe dừng ở phà Bình Khánh, tài xế cho hai đứa cháu ngồi trên ô tô, riêng người lớn phải xuống xe đi bộ lên phà. Nhưng lúc về, hai thằng nhóc không chịu. Chúng nằng nặc đòi xuống xe đi bộ. Để ngắm cảnh. Và để ngắm... phà. Vì từ khi sinh ra và lớn lên tại Mỹ, chúng chưa thấy phà bao giờ.

Hai đứa nhóc làm tôi nhớ lại lúc tôi mới vào Sài Gòn học đại học, bạn bè rủ xuống miền Tây chơi. Tôi đã ngẩn ngơ hàng giờ khi qua phà Rạch Miễu, ngạc nhiên khi thấy phà không chỉ chở người mà còn chở cả ô tô. Chiếc phà to đùng như tòa nhà đó đối với tôi chẳng khác nào một kỳ quan.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

2. Quê tôi không có phà. Chỉ có ghe, thuyền. Sau này, tôi thấy thêm những chiếc tàu thủy chở ô tô đi lại trên sông Sài Gòn. Nhưng tàu thủy đi sông đi biển, không giống phà. Phà chỉ đưa người và xe từ bờ bên này sang bờ bên kia. Giống đò ngang quê tôi. Nhưng đò ngang miền Trung so với phà miền Tây giống như thằn lằn so với khủng long. Hồi tôi còn bé, thấy đò ngang chỉ chở được xe đạp.

Nhưng điểm khác biệt căn bản là phà nằm trên trục lộ giao thông. Chỗ nào chưa bắc cầu thì khách đi phà qua sông. Còn các bến đò ở miền Trung thông thường không nằm trên đường giao thông chính. Qua sông đã có cầu, nhưng một cây cầu không thể giải quyết trọn vẹn nhu cầu qua lại của cư dân hai bên bờ. Thế là các bến đò xuất hiện dọc sông. Hồi tôi mười một, mười hai tuổi, ra Huế chơi, ở bên này sông Hương theo mẹ đi chợ Đông Ba bên kia sông, toàn đi bằng đò. Đi qua cầu Tràng Tiền thì không thuận tiện, vì nhà ở cách cầu quá xa.

Gần đây về Đà Nẵng, thấy cầu mọc lên liên tục, san sát. Có lẽ đó là cách đáp ứng nhu cầu giao thông của dân cư hai bên bờ sông Hàn mà không cần tới đò ngang.

3. Quay lại chuyện phà. Năm 18 tuổi, lần đầu tiên đi phà, tôi cao hứng rưng rưng sáng tác bài thơ Qua phà Rạch Miễu, tiếc là lâu quá bây giờ chỉ nhớ mỗi tên bài thơ. Từ Mỹ Tho qua phà Rạch Miễu là tới Bến Tre. Muốn đi Mỏ Cày, phải qua một cái phà nữa là phà Hàm Luông. Đó là nói cách đây ba năm. Bây giờ người ta đã xây cầu, phà đương nhiên lui vào dĩ vãng. Hai bến phà nổi tiếng nhất miền Tây bắc qua sông Tiền và sông Hậu là phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ, chúng ta vẫn quen gọi là bắc Mỹ Thuận và bắc Cần Thơ (bac = phà trong tiếng Pháp) cũng biến mất, thay vào đó là cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ hiện đại. Ở TPHCM, phà Thủ Thiêm bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức thị dân Sài Gòn kể từ ngày hầm Thủ Thiêm được khánh thành.

Cầu dĩ nhiên thuận tiện cho việc đi lại hơn phà. Từ quận 1 đi tới bến phà Bình Khánh chừng 30 phút, nhưng chờ phà có khi hơn nửa tiếng. Cái đó gọi là “kẹt phà”. “Kẹt phà” đã “đau”, nhưng ức nhất là bị “qua phà”. Tức là xe mới trờ tới thì phà cũng vừa rời bến trong tích tắc. Lại phải è cổ đợi. Tình cảnh bị “qua phà” nó ấm ức đến nỗi đi luôn vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày: “Cho nó “qua phà” đi!” (ý là “bỏ nó lại” - nói về một người bạn đến trễ bắt cả nhóm đứng đợi), “Tới gì trễ hoắc, “qua phà” rồi “em” ơi!” (“hụt một bữa ăn hay bữa nhậu”)...

4. Phà không tiện lợi bằng cầu, nhưng phà có cái thú vị của phà. Chỗ ngồi của phà là băng ghế dọc hai bên, hai tầng, có cầu thang ngắn dẫn lên tầng trên (các loại ô tô, xe máy đậu ở giữa), giống như xe đò nhưng rộng rãi, thoáng đãng hơn nhiều. Khách ngồi dọc băng ghế, tha hồ ngắm cỏ cây hai bên bờ, ngắm chim vừa bay vừa kêu ríu rít trên đầu, ngắm lục bình trôi lênh đênh trên sóng nước khi phà chầm chậm trôi, ngắm ô tô chen chúc ở khoang giữa như cá hộp, ngắm những người bán hàng rong chào mời hay những người ngồi trên xe gắn máy thản nhiên lôi báo ra đọc trong khi chờ phà cập bến...

Đang ngồi ô tô phóng vù vù, quãng thời gian ngồi phà là quãng thời gian thong thả, giống như giờ ra chơi của học trò sau các tiết học căng thẳng. Nó làm đầu óc và cả nhịp tim của con người hiện đại chậm lại, thư thái, bình an, những tâm hồn lãng mạn tha hồ trôi bồng bềnh theo màu xanh của cây lá ven bờ, theo từng làn gió mát rượi cù mơn man nhồn nhột trên người... Về sau tôi biết thêm các loại phà vận tải chuyên dụng chở đất cát hoặc các thứ cồng kềnh khác, nhưng phà chở khách qua sông vẫn là hình ảnh thú vị nhất.

Phà Bình Khánh sẽ trở thành cầu Bình Khánh nối Nhà Bè và Cần Giờ một ngày nào đó. Ô tô rồi sẽ tha hồ phóng vụt qua. Thời gian di chuyển được rút ngắn, nhưng những “học trò” trên ô tô sẽ không còn nữa “giờ ra chơi” lý thú...

Cho nên mới nói, ai chưa được đi phà, hoặc ai yêu phà nên nhanh chóng đi Cần Giờ, hoặc đi những nơi nào còn phà. Chậm chân, nấn ná, đợi người ta xây cầu rồi, bạn bị “qua phà” ráng chịu!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục