Cú huých cho ngành di sản văn hóa

Từ nhiều năm qua, ngành di sản văn hóa trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bảo tồn di sản như thế nào để hài hòa trong bối cảnh hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, để phát triển bền vững cần phải chú trọng quy hoạch đô thị gắn với yếu tố bảo tồn di sản, tình trạng biến tướng trong trùng tu, tôn tạo di tích, thậm chí “làm mới” di tích khá ồn ào tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua… đã khiến xã hội quan tâm nhiều hơn đến di sản văn hóa - lâu nay vốn khá trầm lắng.

Từ nhiều năm qua, ngành di sản văn hóa trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bảo tồn di sản như thế nào để hài hòa trong bối cảnh hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, để phát triển bền vững cần phải chú trọng quy hoạch đô thị gắn với yếu tố bảo tồn di sản, tình trạng biến tướng trong trùng tu, tôn tạo di tích, thậm chí “làm mới” di tích khá ồn ào tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua… đã khiến xã hội quan tâm nhiều hơn đến di sản văn hóa - lâu nay vốn khá trầm lắng.

Từ năm 2010, UBND TPHCM đã quyết định rà soát, kiểm kê và thực hiện bảo tồn đối với 168 công trình, địa điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Qua nhiều chương trình khảo sát, kiểm tra của ngành văn hóa - thể thao - du lịch, không ít công trình di tích tại các quận huyện đã được khoanh vùng bảo vệ kịp thời cũng như trùng tu tôn tạo và phát huy tốt giá trị, thu hút người dân và đông đảo du khách đến tìm hiểu, chiêm bái, thưởng lãm. Ngoài hệ thống bảo tàng, có thể kể đến các di tích đã được trùng tu và hiện đang phát huy rất tốt giá trị như di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), di tích lịch sử cách mạng địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), các di tích liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (tại quận 3, quận 6), Hội quán Nghĩa An (quận 5)… Việc xác định tầm quan trọng và đầu tư cho văn hóa được lãnh đạo TPHCM quan tâm cụ thể hơn thông qua chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích và trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức bảo tàng, thư viện từ đầu năm 2011.

Khách quan mà nói, hiệu quả tích cực từ những chính sách này bước đầu đã thể hiện khá rõ. Trong khi tại không ít địa phương và ngay giữa thủ đô Hà Nội, việc di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại, bị xóa sổ, di tích được trùng tu bằng cách “làm mới”, làm biến dạng không thương tiếc… khiến dư luận bức xúc thì tại TPHCM, lĩnh vực trùng tu, tôn tạo di tích vẫn được các ngành hữu quan kiểm tra, sâu sát và được người dân tham gia giám sát kỹ càng. Quyết định chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích và trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức bảo tàng, thư viện của TP được đánh giá là bước đột phá trong chính sách, bởi cho đến nay, TPHCM là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện chế độ này. Không dừng lại ở đây, ý nghĩa thiết thực và hiệu quả của chính sách này còn lan tỏa sang nhiều địa phương khác. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về đầu tư, quản lý di sản văn hóa từ cách làm của TPHCM.

Cách làm tiên phong đầu tư cho lĩnh vực văn hóa của TPHCM là một dấu ấn đáng mừng.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục