Triều Nguyễn đã thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Hội thảo khoa học “Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu” do Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30-8 đã khẳng định Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu vô giá chứng minh vương triều nhà Nguyễn đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách có hệ thống đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

* Đề xuất vinh danh Châu bản triều Nguyễn là bảo vật quốc gia

(SGGP). – Hội thảo khoa học “Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu” do Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30-8 đã khẳng định Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu vô giá chứng minh vương triều nhà Nguyễn đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách có hệ thống đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn tính từ năm đầu triều vua Gia Long (năm 1802) cho đến năm cuối triều vua Bảo Đại (năm 1945) đã được nhà vua “ngự phê”, “ngự lãm”. Hầu hết là các văn bản chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn còn được viết bằng chữ Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Đây là nguồn tư liệu có giá trị “kép”, vừa là những văn bản mang tính chính thống, có giá trị cao nhất về pháp lý vừa phản ánh trung thực, đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, những quan hệ ngoại thương, bang giao với các nước trong khu vực. Đặc biệt, Châu bản triều Nguyễn đã cho thấy vương triều nhà Nguyễn đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách có hệ thống đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo nghiên cứu “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa qua các Châu bản triều Nguyễn thế kỷ 19” của TS Nguyễn Nhã - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ngay từ năm 1816, vị vua đầu triều là Gia Long đã bắt đầu sai thủy quân cùng đội Hoàng Sa đi công tác ở Hoàng Sa đo đạc thủy trình. Cùng với đó, trong giai đoạn trị vì của những vị vua triều Nguyễn, đối với Hoàng Sa, việc đi cắm mốc chủ quyền đã thành thông lệ hàng năm. Đặc biệt, dưới thời vua Minh Mạng đã có những văn bản ngoại giao quan trọng ghi rõ chi tiết về việc cắm mốc chủ quyền.

Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đây là kho tàng sử liệu đặc biệt quý hiếm và duy nhất. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng như nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ tin tưởng Châu bản triều Nguyễn đủ điều kiện cần được chính thức vinh danh là bảo vật quốc gia, cũng như đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục