Người góp phần bảo tồn đờn ca tài tử

Người góp phần bảo tồn đờn ca tài tử

Sáng 2-10, tại tư gia nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ở quận Bình Thạnh TPHCM, đại diện một số ban ngành, đoàn thể TP và địa phương, bạn bè, thân hữu, học trò của nhạc sư đã có mặt để chúc mừng ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích nỗ lực bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đông đảo bạn bè, thân hữu, học trò nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chúc mừng ông nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918, tại làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình Nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Niềm đam mê âm nhạc dân tộc nhờ thế đã ăn sâu trong tâm tưởng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ngay từ lúc tuổi còn nhỏ - 5 tuổi đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Theo đuổi âm nhạc dân tộc, ông phát huy tài năng và tâm huyết của mình bằng cách tham gia công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm nghề cho các thế hệ học trò, biểu diễn ở nhiều nơi. Đặc biệt nhất là những chuyến đi diễn thuyết và trình tấu nhạc cụ dân tộc tại các quốc gia trên thế giới, luôn tạo được dấu ấn độc đáo, tốt đẹp cho bạn bè, công chúng quốc tế. Không chỉ thế, ngoài công việc chính là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, chuyên về giảng dạy âm nhạc truyền thống dân tộc, vừa là nhạc sĩ trình tấu nhiều loại nhạc cụ với những ngón đàn điêu luyện, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn được biết đến là một nghệ nhân đóng đàn có tài. Ông cũng là người đã cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục