Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh: Văn xuôi sẽ có một “vụ mùa bội thu”

- Phóng viên:
Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh: Văn xuôi sẽ có một “vụ mùa bội thu”

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên Miền hoang của nhà văn Sương Nguyệt Minh mới ra mắt đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Ngày 17-12, tại Hà Nội, cuộc tọa đàm về tiểu thuyết trên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn, nhà phê bình văn học và độc giả. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng nhà văn Sương Nguyệt Minh.

- Phóng viên: Sau 7 tập truyện ngắn, 2 tập tản văn, bút ký, đặc biệt tập truyện ngắn “Dị hương” nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, giờ đây Sương Nguyệt Minh chuyển sang tiểu thuyết. Liệu có là muộn so với một nhà văn đã thành danh như anh?

>> Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH: Ở đời không có gì là sớm hay muộn cả, đặc biệt và đặc thù như trong công việc viết văn. Có người vào nghiệp văn ngay bằng tiểu thuyết, nhưng hình như ở ta, phần lớn các nhà văn đều thử sức trước bằng thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên cũng có những nhà văn lừng danh suốt đời chỉ gắn bó duy nhất với truyện ngắn. Tôi cho rằng thể loại chỉ làm phong phú và giàu có hơn lên thôi.

Nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh

- Văn học về đề tài chiến tranh tưởng như đã quá nhiều rồi, vậy hẳn nhà văn có lý do nào đó khi cho ra đời tiểu thuyết đầu tay lại đề cập về chiến trường Campuchia?

Tôi cho rằng sự trải qua chiến tranh của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại là vô cùng vĩ đại, vô cùng khốc liệt... Có viết bao nhiêu cũng chưa đủ và viết về chiến tranh, thời gian nào cũng cần thiết. Tôi từng là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nỗi ám ảnh về chiến tranh không bao giờ ngưng. Tôi muốn viết nhưng loay hoay nhiều năm vẫn chưa thông thoát về ý tưởng... Trong một dịp hội ngộ đồng đội cũ gần đây, mọi thứ cứ sáng dần trong tôi và tôi đặt bút viết ngay.

- Theo anh, tác giả văn xuôi nước nhà những năm gần đây có gì mới và anh có thể hình dung tương lai phía trước?

Mỗi giai đoạn, mỗi thế hệ đều có những đại diện của nó. Trong văn học cũng vậy, thực tế lịch sử đã minh chứng. Còn tầm vóc tác giả đương nhiên phụ thuộc tầm vóc tác phẩm của mình. Một số ý kiến cực đoan cho rằng những năm gần đây, chúng ta thiếu những tác giả văn xuôi nổi trội. Tôi nghĩ không hẳn là thế và tôi vẫn nghĩ sẽ đến lúc chúng ta có những “vụ mùa bội thu” cùng những con người xuất sắc. Giai đoạn 1930 - 1945 của thế kỷ 20, đất nước chúng ta chẳng phải đã sản sinh ra biết bao con người tài năng bậc thầy trong văn học, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác đó sao?

- Nhà văn suy nghĩ thế nào về lớp nhà văn quân đội hiện nay?

Xưa nay, nói đến nhà văn quân đội, thường mọi người nghĩ ngay đến nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Bởi nơi này - Tạp chí Văn nghệ Quân đội - là nơi tụ hội những gương mặt sáng giá nhất của những người viết văn, làm thơ khoác áo lính. Ngoài những người đã cứng tuổi như chúng tôi, hiện nay Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú là những cây bút đang rất sung sức, được dư luận chú ý và khen ngợi…

- Nhiều người biết trước khi đến với nghề văn, Sương Nguyệt Minh trải qua khá nhiều nghề. Như vậy, sự chọn lựa nghề văn có phải là ngẫu nhiên?

Đúng thế! Từ khi biết nghĩ, tôi đã mơ ước sau này mình trở thành nhà văn. Chẳng cao xa gì lắm đâu, tôi chỉ mơ đời mình viết được một tập truyện ngắn là mãn nguyện lắm rồi.

- Có nhà phê bình cho rằng “Miền hoang” là một cách đặt vấn đề khác, cách nhìn khác khi viết về chiến tranh. Còn “cha đẻ” của nó sẽ nói thế nào?

Nhiều ý kiến nói đây là tiểu thuyết chiến tranh hấp dẫn và ám ảnh. Miền hoang là tiểu thuyết không phải đọc để giải trí, mà để chiêm nghiệm, suy ngẫm về lẽ sống được mất, cao thượng hay thấp hèn, văn minh hay man rợ, về niềm tin yêu con người và khát vọng sống trong hòa bình... Bạn tôi, nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, người cũng đã từng có hàng chục năm chiến đấu ở Campuchia, khi biên tập cũng thốt lên: Đây là cuốn tiểu thuyết rất ám ảnh và hấp dẫn.

Miền hoang là câu chuyện con người chống lại “hoang dã hóa” bắt đầu từ trận phục kích của bọn tàn quân Pol Pot nhắm vào một đại đội quân tình nguyện Việt Nam ở vùng rừng hoang Tây Bắc Campuchia vào những năm tháng cuối cùng cuộc chiến tranh trước khi quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước. Miền hoang có 4 người ở hai chiến tuyến bị lạc trong rừng hoang dã: Một cô y tá câm, một lính áo đen, một trung đoàn trưởng bị thương giập nát một ống chân trong nhóm tàn quân Pol Pot và một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh. Thêm một gã người rừng - dã nhân mắt một mí bị mất nửa bàn chân làm cho câu chuyện càng thêm li kỳ, bí ẩn và hấp dẫn. Miền hoang là cảm hứng nhân đạo; vượt qua những câu chuyện đói khát, tranh đấu để tồn tại nơi rừng rú hoang dã là câu chuyện chiến tranh tổn thất quá nhiều máu xương với những ám ảnh không dứt... Nó cũng là câu chuyện bi kịch giữa văn minh và man rợ; chiến tranh và hòa bình; được và mất; dũng cảm và hèn nhát... Tự nói về sách mình thật không nên. Tôi cũng dự định viết tập tiếp theo của mạch Miền hoang.

CAO MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục