Đờn ca tài tử - Mạch ngầm đã hòa biển lớn

Đờn ca tài tử (ĐCTT) hội tụ phương Nam, tỏa lan tứ xứ. Kỳ lạ thay, tự hào thay sức sống một dòng cổ nhạc đặc sắc. ĐCTT đã khẳng định được giá trị của một loại hình nghệ thuật cổ truyền. Giá trị đó lại khởi nguồn và được nhân dân nuôi dưỡng, mở rộng không gian trình diễn và nó đang có sức sống mãnh liệt.
Đờn ca tài tử - Mạch ngầm đã hòa biển lớn

Đờn ca tài tử (ĐCTT) hội tụ phương Nam, tỏa lan tứ xứ. Kỳ lạ thay, tự hào thay sức sống một dòng cổ nhạc đặc sắc. ĐCTT đã khẳng định được giá trị của một loại hình nghệ thuật cổ truyền. Giá trị đó lại khởi nguồn và được nhân dân nuôi dưỡng, mở rộng không gian trình diễn và nó đang có sức sống mãnh liệt.

        Tiếng đờn vọng thiên thu

Đài nguyệt cầm như bám đuổi trời xanh, cao vời vợi. Cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm được cách điệu đơn giản nhưng vẫn đậm dư âm của “xàng, xừ, xang, xê, cống” phóng khoáng, tài hoa. Đài có 32 bậc thang biểu tượng cho sự phát triển từ nhịp 2 lên nhịp 32. Xung quanh thân đài được khắc 20 bản tổ của ĐCTT; 21 chậu kiểng tượng trưng cho 21 tỉnh thành Nam bộ phát triển mạnh nghệ thuật ĐCTT.

“Toàn bộ khuôn viên Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu sau khi được mở rộng, trùng tu rộng đến 12.500m2 với nhiều hạng mục mới” - Giám đốc Bảo tàng Bạc Liêu Phạm Văn Tắc giới thiệu. Phía sau đài nguyệt cầm là tượng đá nhạc sĩ Cao Văn Lầu ôm đờn kìm với hậu cảnh là toàn bộ phần nhạc và phần lời của bản Dạ cổ hoài lang khắc trên đá. Phần chính giữa của khu vườn nhạc cụ dân tộc là bảng đá in bằng vinh danh nghệ thuật ĐCTT của tổ chức UNESCO. 12 nhạc cụ dân tộc tạo khắc bằng đá được xếp thành hai hàng, trong đó nổi bật “tứ tuyệt” (cò, kìm, tranh, bầu), 4 nhạc cụ góp công lớn khiến ĐCTT “ru hồn” nghiêng ngả người mộ điệu.

Soạn giả cải lương Hà Nam Quang (An Giang), khách mời của Liên hoan ĐCTT, tâm sự: “Đài nguyệt cầm ở đây, cây đờn kìm “khủng” giữa Công viên văn hóa Hùng Vương ngay trung tâm hành chánh của Bạc Liêu cùng hơn 300 nghệ nhân của 21 đoàn khắp Nam bộ tụ về tham gia Liên hoan ĐCTT… là những điều biết bao năm rồi chưa thấy, chưa có. Người trong nghề xúc động lắm. Bạc Liêu đã làm được cho ĐCTT chuyện lớn, xứng danh con cháu Bác Sáu Lầu”.

Hát múa về ĐCTT tại triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc. Ảnh: Thống Nhất

Hát múa về ĐCTT tại triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc. Ảnh: Thống Nhất

“Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã rút tỉa bao tinh hoa cho dân tộc, trong đó đã sản sinh ra nghệ thuật ĐCTT, cầu nối giữa lịch sử và hiện tại, mang bản sắc của người Nam bộ. Đây là Liên hoan ĐCTT đầu tiên sau khi nghệ thuật này được thế giới công nhận. Chúng ta tin tưởng rằng dòng nghệ thuật vừa có tính bác học vừa mang tính dân gian này luôn có vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc” - Thứ trưởng Bộ VH-TT DL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại Liên hoan ĐCTT quốc gia.

300 năm hình thành dải đất phương Nam; cả 100 năm nghệ thuật ĐCTT hòa vào dòng nhạc dân tộc. Cho đến hôm nay, dòng nhạc đó không chỉ dừng ở dải đất phương Nam theo bước chân lưu dân “Ngũ Quảng” mở cõi khẩn hoang mà còn hân hoan ngược ra Trung, ra Bắc với phong cách mới, cách chơi mới, phóng khoáng, tài hoa. Và lại vượt thoát, ngân nga, mở rộng không gian di sản thế giới ở Việt Nam, được cả thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kỳ lạ thay, tự hào thay sức sống ĐCTT, một dòng cổ nhạc đặc sắc.

        Cần sức sống mới

ĐCTT đã khẳng định được giá trị của một loại hình nghệ thuật cổ truyền. Giá trị đó lại khởi nguồn và được nhân dân nuôi dưỡng, mở rộng không gian trình diễn. Và ngày nay, nó đang có sức sống mãnh liệt. Ngay ở cái đất Bạc Liêu này “đứa trẻ nằm võng cũng nghe ru hời bằng Dạ cổ hoài lang”. Anh Dương Minh Khương (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) ôm đờn cùng 4 nghệ nhân khác biểu diễn ĐCTT tại Lễ hội Văn hóa Smithsonian (Hoa Kỳ) 6 năm trước với bản Dạ cổ hoài lang, Nhớ quê hương, Hồn thiêng sông núi… rung lên, vang lên khiến bao người Việt tha hương sụt sùi nơi đất khách quê người.

Sinh hoạt giao lưu tại không gian đờn ca tài tử. Ảnh: HÀM LUÔNG

Sinh hoạt giao lưu tại không gian đờn ca tài tử. Ảnh: HÀM LUÔNG

“Nghệ thuật ĐCTT mang đậm hồn tính phương Nam là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Nam bộ không thể trộn lẫn. Bản sắc văn hóa ấy đã tắm tưới làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ người dân Nam bộ và bồi đắp cho mối cố kết cộng đồng ngày một bền chặt” - ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhấn mạnh. ĐCTT là tự tình dân tộc, chảy mãi trong lòng dân tộc như sông Hậu sông Tiền đêm ngày tuôn nước ra biển Đông, từ xa xưa.

Cho đến nay, có loại hình nghệ thuật dân gian nào lại có tới gần 2.500 câu lạc bộ, hàng chục ngàn người (riêng Nam bộ) trực tiếp ôm đờn, luyện ca như ĐCTT? Cũng ít có dòng nhạc nào vừa bác học vừa dân gian, bình dị lại bất chấp giai tầng xã hội, ranh giới tuổi tác, giới tính, phân chia giàu nghèo như loại hình này? ĐCTT theo chân người Việt sang Australia, sang Pháp, Mỹ, Canada… Chỉ riêng “chữ đờn” đã thấm chất “tài hoa, tài tử”.

Người trong nghề nói, nếu ngón đờn không được tô điểm, không “tung tẩy” thì bản nhạc như đêm không trăng, như dòng sông cạn nước, vườn thượng uyển không hoa. Bàn tay mặt sanh ra những “thanh”, tạo ra cái “xác” của câu nhạc; bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp “thanh” để biến nó thành “âm”, cho cái “hồn” thêm lung linh, óng mượt. NSƯT Trúc Linh (Cần Thơ) cho biết, từ mấy năm trước giới nghiên cứu âm nhạc phương Tây đã lặn lội đến Việt Nam ghi âm tất cả các bản ĐCTT và cổ nhạc mà bà là một trong những người được mời ca, “thu xong họ mang về hết”.

Và đã có rất nhiều nén nhang trước ngôi mộ cụ Cao Văn Lầu từ những sinh viên nước ngoài làm luận án tiến sĩ. Những đĩa ĐCTT dưới sự trình diễn của GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sư Vĩnh Bảo đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất và được nhận giải Phê bình âm nhạc của Pháp từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. ĐCTT gắn liền với nếp sống, cách sống của dân, từ dân, do dân nên bền chặt, lan tỏa mạnh lắm. Chính vì vậy, đến nay, dù chưa nhận được nhiều cơ chế, chính sách từ các cấp quản lý văn hóa, nhưng ĐCTT vẫn luôn gắn chặt “máu thịt” với người dân, âm thầm chảy mãi. ĐCTT hội tụ phương Nam, tỏa lan tứ xứ.

ĐCTT đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (12-2013). Chúng ta cần có một cách tiếp cận khác, cách ứng xử khác, hiệu quả thiết thực hơn, đặc biệt trong vấn đề bảo tồn và phát huy. Nhìn GS-TS Trần Văn Khê ngồi trên xe lăn ghé thăm “không gian ĐCTT” tại Liên hoan ĐCTT Bạc Liêu mới thấy “lửa” trong con người đáng kính này vẫn ngùn ngụt lắm.

Lại chợt nhớ đến ưu tư của ông: Truyền thống ĐCTT không phải bất di bất dịch, mà có thể thay đổi theo niên đại, môi trường và quan điểm thẩm mỹ. Nhưng phải nhìn nhận rằng, ĐCTT ngày nay không còn chất “không chuyên nghiệp” như ngày xưa, mà có nhiều nhóm hay câu lạc bộ đã trở thành những nhóm “bán chuyên nghiệp” hoặc “chuyên nghiệp”… Làm gì để ĐCTT “sống” sung mãn, sạch sẽ mà không biến dạng, xa rời những giá trị gốc? Trách nhiệm này rõ ràng chủ yếu thuộc về những nhà quản lý, điều hành văn hóa.

VŨ THỐNG NHẤT

Ngày 26-4, tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt các doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ và ra mắt Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ “Lê Tài Khí”. Đây cũng là một trong 21 hoạt động chính của Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Liên hoan ĐCTT đã gởi lời cám ơn sâu sắc đến các doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, nghệ sĩ đã có công lao to lớn cho sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, để tỏ lòng tri ân đối với giới nghệ nhân, nghệ sĩ và những người có công lao đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, tại buổi họp mặt, tỉnh Bạc Liêu cũng ra mắt Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ “Lê Tài Khí” với số tiền quyên góp trên 1, 2 tỷ đồng.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục