Dẹp linh vật ngoại lai: Muộn còn hơn không

- PHÓNG VIÊN:

Xung quanh văn bản của Bộ VH-TT-DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho đây là việc làm đáng mừng, dù văn bản ra có hơi muộn song muộn còn hơn không.

- PHÓNG VIÊN: Một số ý kiến cho rằng hiện tượng linh vật lạ, sư tử đá phát triển tràn lan như hiện nay một phần cũng do thiếu các sản phẩm thay thế. Ông nghĩ sao?

>> Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Đấy cũng là một nguyên nhân. Chúng ta có con nghê, con sấu, con voi... rất đẹp, song những hình tượng này rất tiếc lại không lan tỏa mạnh một phần do định hướng. Chúng tôi nghĩ cần phải có sản phẩm thay thế. Nhân dịp này khi Bộ VH-TT-DL ra chỉ thị có tính nguyên tắc như thế thì các ngành nên rà soát lại, đặc biệt tôi mong muốn giới mỹ thuật và nghiên cứu văn hóa nên quảng bá và phát huy những mẫu hình đẹp để cho mọi người sử dụng.

Tôi mong muốn giới mỹ thuật và giới nghiên cứu văn hóa nên cố gắng phát huy và quảng bá những mẫu hình đẹp. Nếu chúng ta thờ Quan Vân Trường vì tôn trọng cái chính nghĩa của ông thì tại sao chúng ta không thờ Thánh Gióng hay Đức Thánh Trần? Đó là những hình tượng đẹp cũng có những phẩm chất ấy và thêm nữa, họ gắn bó với dân tộc.

- Không chỉ xuất hiện trong các cơ sở tín ngưỡng mà trong nhiều cơ quan, công sở cũng xuất hiện sư tử đá, theo ông cần phải dẹp bỏ không?

Ở Trung Quốc, tại những công quán ngày xưa người ta hay đặt sư tử đá để tạo sự uy nghiêm và “dọa” dân. Quan điểm của chúng ta đâu phải như thế, dân hay quan cũng đều phải phục tùng luật pháp. Nên tôi nghĩ rằng đầu tiên là những cơ sở nhà nước nên loại bỏ. Khi tôi và GS Hoàng Đạo Kính ra Trường Sa thì thấy Đài liệt sĩ chưa xây xong đã có hai bức tượng sư tử Tàu ngồi đó rồi. Hỏi ra thì biết, trong đất liền có một vị quan chức nào đó đã gửi ra với thành ý muốn đóng góp. Gần đây nhất là một công trình quan trọng của đất nước cũng có chuyện bày sư tử đá, họ bảo các đồng chí ở địa phương gửi biếu. Như thế vấn đề ở đây là phải trang bị cho toàn xã hội kiến thức và có những quy định hết sức cụ thể.

- Có người cho rằng ở bên cạnh một nền văn hóa lớn, chuyện bị ảnh hưởng là đương nhiên, vậy chúng ta phải ứng xử ra sao, thưa ông?

Chúng ta không kỳ thị văn hóa của bất cứ một quốc gia nào. Con sư tử với người Trung Quốc là linh vật, linh thiêng, rất đẹp, đó là giá trị cần trân trọng nhưng phải đặt đúng chỗ. Ngày xưa cha ông chúng ta sống hàng ngàn năm bên cạnh Trung Quốc nhưng không bao giờ có một con sư tử chui được vào trong một làng xã, chùa chiền nào, kinh đô nào hết, vì ngày xưa người dân rất có ý thức dân tộc. Tôi chỉ lấy một ví dụ thế này, trước năm 1954, tôi sống ở Hà Nội, cứ thấy con sư tử nào là biết ngay đó là chùa Tàu hoặc hội quán của người Hoa, không lẫn lộn vào đâu được và mọi người đều tôn trọng việc đó. Nhưng bây giờ thì tràn lan vì không ai nhắc nhở, người dân cũng không hiểu biết, chỉ thấy thế là đẹp thì làm...

- Từ linh vật, sản phẩm thờ tự có thể thấy nhiều yếu tố ngoại lai đã ảnh hưởng nhiều tới đời sống?

Ở nhiều lĩnh vực, lớn hay nhỏ đều cho thấy điều đó. Tôi cho rằng thái độ của chúng ta phải hết sức chủ động, mình làm chủ đất nước mình thì phải chủ động bảo vệ bản sắc. Đặc biệt lĩnh vực văn hóa thì phải hết sức tránh thái độ kỳ thị nhưng phải làm đúng trách nhiệm là bảo tồn và phát huy văn hóa Việt. Nhìn sang lĩnh vực khác như âm nhạc chẳng hạn, phải hết sức lưu ý đến những trào lưu âm nhạc ngoại lai trong giới trẻ. Âm nhạc muốn bảo tồn thì phải là sự trao truyền giữa các thế hệ, phải có kế thừa, nếu không thì âm nhạc truyền thống chỉ còn duy nhất một không gian là sống trong bảo tàng mà thôi, phải có sự đầu tư của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và phải có chính sách điều chỉnh nó. Không thể để những bạn trẻ tóc vàng tóc đỏ hát như người Hàn, các nhà quản lý văn hóa không buông lỏng, không cấm đoán, mà phải có sự trang bị kiến thức cho các bạn trẻ, đó mới là làm đúng trách nhiệm với xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

VĨNH XUÂN (thực hiện)

* Ngày 19-8, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm đã có công văn gửi Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố, thanh tra văn hóa hình ảnh mẫu tượng linh vật của Việt Nam để giúp cho công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra xử lý.

Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm đang nhanh chóng thu thập tư liệu ảnh từ các nguồn khác nhau để tập hợp thành một bộ mẫu tượng linh vật của Việt Nam hiện đang sử dụng tại các tỉnh, thành phố. Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm sẽ cập nhật và đăng tải trên website chính thức của cục tại địa chỉ: www.ape.gov.vn để mọi người có thể tham khảo.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục