Nhà thơ Trúc Chi về miền sóng trắng

Nhà thơ Trúc Chi là một cộng tác viên thân thiết của trang văn hóa - nghệ thuật Báo SGGP. Chiều ngày 29-1-2015, người thân, đồng nghiệp và những người yêu quý nhà thơ Trúc Chi đã tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng ở tuổi 82.
Nhà thơ Trúc Chi về miền sóng trắng

Nhà thơ Trúc Chi là một cộng tác viên thân thiết của trang văn hóa - nghệ thuật Báo SGGP. Chiều ngày 29-1-2015, người thân, đồng nghiệp và những người yêu quý nhà thơ Trúc Chi đã tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng ở tuổi 82.

Những ngày gần đây, sau khi vào bệnh viện thăm nhà thơ Trúc Chi, hình ảnh ông cứ mãi ám ảnh tôi, cả trong những câu chuyện với bạn bè về những bậc lão thành tài hoa lần lượt ra đi. Vào tối 27-1, tôi gọi điện cho con trai duy nhất của ông là nhà báo Tùng Chi, được biết ông yếu lắm rồi, đến sáng hôm sau tôi nhận được tin ông đã trút hơi thở cuối cùng. Dẫu không bất ngờ nhưng tôi cứ mãi thẫn thờ trước một bậc lão thành đồng hương mà mình quý mến. Và những câu thơ gắn liền tên những tác phẩm của ông đã tự nhiên hiện lên trong tôi…

Cha con nhà thơ Trúc Chi và Khánh Chi

Nhà thơ Trúc Chi tên đầy đủ là Nguyễn Trúc Chi, sinh năm 1933, quê quán xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông sớm tham gia du kích, bộ đội địa phương chống Pháp từ năm 1950, sau đó do có năng khiếu, ông chuyển sang công tác ở các đoàn văn công Quân khu 5, Sư đoàn 305, 324. Tập kết ra Bắc, ông học tập và giảng dạy văn học tại các Trường Học sinh miền Nam, Phổ thông Công nghiệp ở Hải Phòng. Ông cũng sáng tác kịch bản sân khấu, in thơ trên báo, được tuyển lên Hà Nội học khóa 3 (1968 - 1969) Trường viết văn Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về giảng dạy văn học tại Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM (nay là Đại học Sài Gòn) cho đến khi về hưu.

Vừa giảng dạy vừa làm thơ, viết văn, viết báo, Trúc Chi là cây bút trường lực, năng động, tâm huyết và đầy trách nhiệm. Thời kỳ nào ông cũng có tác phẩm được xuất bản, với nhiều thể loại, tiêu biểu về thơ như: Cánh chim biển (1967), Dư âm sóng (1980), Chú dế đàn (1980), Thành phố hoa mặt trời (trường ca, 1986), Miền sóng trắng tôi yêu (1987); về truyện ngắn có Arú và con voi già (1987), Thị trấn đêm màu trắng (1989), Câu chuyện từ lớp học này (1989), Con trai người săn cá mập (1997); truyện dài có Huyền thoại biển (2000); bút ký và phóng sự: Cuộc đời như một truyền thuyết (1992); Vị giám đốc hát rong (2001), Tiếng kêu của con chim gõ kiến (1989); Dăm đường cát bụi (1997). Ông còn có một tập tiểu luận phê bình Ba mươi năm một nền thơ (1999) và 2 kịch bản sân khấu viết từ cuối thập niên 1950: Bài ca giữ đất, Cái nấm độc.

Nhà thơ Trúc Chi vốn sinh ra ở thị xã, nhưng cả cuộc đời ông gắn liền với biển. Từ lúc mới 5 tuổi ông đã theo gia đình tản cư về vùng biển, cả thời thơ ấu lăn lộn với biển, đến khi lớn lên tham gia kháng chiến cũng hoạt động ở miền biển phía Bắc tỉnh Phú Yên. Về sau tập kết ra Bắc, số phận cũng đưa ông về với thành phố biển Hải Phòng. Vì lẽ đó, các tác phẩm của ông phần lớn lấy nguồn cảm hứng từ biển, đặc biệt là thơ, với những Cánh chim biển, Dư âm sóng, Miền sóng trắng tôi yêu…

Những năm tháng cuối đời, tình yêu biển đảo vẫn dào dạt trong ông. Năm 2012, ông nằm ở Bệnh viện Thống Nhất, trong một đêm mưa gió, tình cờ nghe một cựu chiến binh kể những câu chuyện gian nguy canh giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa, ông xúc động viết nên bài thơ Tình ca sau đêm bão mà sau đó được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, trong ấy có đoạn: Vẫn chiến hào bên vườn rau/ Cây vẫn mầm, trái vẫn nụ/ Cây phong ba bên công sự/ Gió vào một trời rạng đông.

Gần đây, mấy lần tôi gọi điện cho nhà thơ Trúc Chi để đến thăm và đưa thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho ông nhưng rồi vì lý do khác nhau không gặp được. Đến khi nghe tin ông bị bệnh nặng, tôi vào thăm và mang thẻ cho ông. Nhà thơ run run cầm tấm thẻ hội viên, nhìn đi nhìn lại rất kỹ và nhẹ nhàng đút vào túi áo ngực. Nhìn ánh mắt tươi vui của ông, tôi cảm nhận nghề văn với ông có ý nghĩa xiết bao. Tấm thẻ hội viên chỉ là vật vô tri nhưng nó là một bảo chứng, một kỷ vật cho đời cầm bút. Ông nắm tay tôi và nói trong khó khăn về nhiều điều về nghề nghiệp, gửi lời thăm tất cả các bạn văn mà ông quen biết.

Tiếp sau những nhà văn cùng thời như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Phạm Ngọc Cảnh…, Cánh chim biển Trúc Chi cũng đã dừng dặm đường cát bụi để “bay” về miền sóng trắng vô định mà ông yêu thương, mà ông muốn về. Hai người con nối nghiệp ông là Khánh Chi và Tùng Chi sẽ tiếp tục con đường đầy gian nan thử thách. Dù đi đâu về đâu thì với ông, một con người hồn nhiên, bộc trực và không ít gai góc, quyết liệt vẫn canh cánh nỗi đau nhân tình. Một nỗi đau thi sĩ khôn nguôi kiếm tìm lý giải về cuộc đời như những câu thơ hay rút ruột ông viết, cũng là nỗi ám ảnh triền miên về biển: Chưa tìm được kim dưới đáy biển/ Nỗi đau cứ dai dẳng lặng chìm/ Nỗi buồn cứ cơn mê tê điếng/ Kim cứ từ biển nhói lên tim (Kim đáy biển).

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục