Cháo Tây bên cháo ta

Bên quán cơm, mì, phở, bún… còn có quán cháo. Có thể nói Sài Gòn là nơi phức hợp văn hóa cháo. Bên cạnh đa sắc cháo ta, còn rất nhiều cháo Tây.
Cháo Tây bên cháo ta

Bên quán cơm, mì, phở, bún… còn có quán cháo. Có thể nói Sài Gòn là nơi phức hợp văn hóa cháo. Bên cạnh đa sắc cháo ta, còn rất nhiều cháo Tây.

 Nào cháo ếch Singapore hiệu Sentosa Food ở Tân Bình và Phú Nhuận; cháo Nhật tiêu biểu là Azaku trong nhà hàng Nihon Bashi (Azaku là cháo nấu bột gạo với bảy loại cỏ). Cháo Đại Hàn gọi là Jerki nấu với nhiều loại bột đậu, cháo Taiwan nấu khoai tây với trứng gà; cháo Indonesia gọi là Bubur như một loại cháo bán trong nhà hàng Chancery; cháo Thái Lan gọi là Chok, nấu chung thịt heo với thị bò hay cháo Philippines gọi là Lugow nấu óc heo… còn có hệ thống Saigon soups cung ứng cháo bổ dưỡng đóng hộp, trong đó kể cả soup óc heo hay soup cua bắp. Nhưng nếu cháo của người Hoa cũng là cháo Tây, thì đây là nguồn phong phú nhất và lâu đời nhất. Từ ngày Sài Gòn lên phố thị, thì nơi những ngã tư đường nào cũng có hai xe đẩy dài, một là xe cháo thập cẩm bên cạnh xe che cũng thập cẩm luôn, cháo người Hoa nói chung có tên gọi Tongui.

Ảnh: T.L

Sau hệ thống xe cháo thập cẩm của người Hoa là hệ thống cháo trắng lá dứa của người Việt, cũng chủ trị trên các ngã tư, nhất là nơi vòng xoay Hàng Xanh, với những thương hiệu nổi tiếng như Tuấn Ký, Thanh Bình… hay hiệu Thượng Hiền của cô Út Bông trên phố Nguyễn Thượng Hiền, mở cửa từ 10 giờ sáng đến 3 giờ khuya, đặc biệt với món dưa chua ăn kèm hấp dẫn.

Khó mà tìm biết được, cháo Sài Gòn ra đời từ bao giờ, tạm thời, với chút mốc thời gian, là ngày 20-4-1930 bên cạnh đình Tân Hiệp (Mỹ Tho), đôi vợ chồng Việt - Ấn cho khai sinh quán bò 7 món Au Pagolac trong đó có món cháo bò. Cháo bò ra đời từ đó. Thêm một chút kỷ niệm về cháo. Năm 1974 họa sĩ Vị Ý ra mở quán cháo bên hông sở thú với bảng hiệu Quán Cháo Lú bên dưới kèm slogan: Ăn để quên! Hỏi anh quên gì? Anh đáp quên buồn phiền, hờn giận để sống đời yên vui.

Nguồn cháo ta ngày càng phát triển đa dạng với nhiều đặc sản tiêu biểu vùng miền, như cháo rau đắng cá lóc Bạc Liêu bên chân cầu Kiệu; cháo tim gan miền Bắc nơi quán Ngọc Bích; cháo mực miền Trung, cháo ốc thập cẩm của hiệu Ốc Xinh bên Khánh Hội hay cháo gà nổi tiếng Vườn Mai… Thật bất ngờ hệ thống cháo vịt thương hiệu Thu Nga nổi tiếng từ Thanh Đa, là bắt đầu từ chòi lá của thím Chín nông dân, mở quán đêm bán cháo vịt cho công nhân xây dựng khu Thanh Đa mà dần triển khai thành danh. Lại còn đặc sản cháo lươn xứ Nghệ nơi quán của Chửng Mập trên đường Sông Đà, nhưng hấp dẫn còn cháo lươn xứ Nghệ chính gốc bên sau đường 3-2.

Phía trước, cháo còn hứa hẹn nhiều, trong đó, một chớm le lói là món cháo đại bổ nấu hoa Chùm Ngây. Cây Chùm Ngây mới được một Việt kiều đưa từ Mỹ về trồng gây giống tại Việt Nam. Hy vọng, tương lai sẽ có thêm đặc sản cháo hoa Chùm Ngây.

LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục