Hãy nhìn thoáng hơn với người trẻ

Người phê phán, người bảo vệ, cơ quan quản lý bối rối, đó là câu chuyện về một dòng sách mang tên ngôn tình. Bỏ qua một bên những tranh cãi về giá trị văn chương, về cái hay cái dở, một câu hỏi lớn được đặt ra là vì sao chúng ta lại lo lắng khi mà giới trẻ đang quay lại với việc đọc sách, dù ngay trước đó, mọi người đều cho rằng với sự xâm lăng của truyền hình, Internet, đọc sách đã trở thành nhu cầu thứ yếu của người trẻ hôm nay.
Hãy nhìn thoáng hơn với người trẻ

Người phê phán, người bảo vệ, cơ quan quản lý bối rối, đó là câu chuyện về một dòng sách mang tên ngôn tình. Bỏ qua một bên những tranh cãi về giá trị văn chương, về cái hay cái dở, một câu hỏi lớn được đặt ra là vì sao chúng ta lại lo lắng khi mà giới trẻ đang quay lại với việc đọc sách, dù ngay trước đó, mọi người đều cho rằng với sự xâm lăng của truyền hình, Internet, đọc sách đã trở thành nhu cầu thứ yếu của người trẻ hôm nay.

Chống bằng biện pháp chủ động

Ai quan tâm nhất đến thông báo của Cục Xuất bản gửi các NXB về việc hạn chế sách ngôn tình? Dĩ nhiên nhiều nhất là các đơn vị làm sách, khi mà hiếm có loại sách nào mang lại lợi nhuận cao như ngôn tình. Theo tiết lộ của giám đốc một công ty chuyên kinh doanh sách nhập từ thị trường Trung Quốc thì ngôn tình có khi được bán theo dạng “thùng”.
 
Vậy ai ít quan tâm đến thông báo này nhất? Đó chính là độc giả chính của dòng sách này: những bạn đọc trẻ. Sách ngôn tình là loại sách bán chạy hiện nay nhưng số mua sách thực tế chỉ chiếm một phần nhỏ so với số đọc sách qua mạng, đọc sách điện tử (ebook). Chính vì vậy mà quyết định tạm dừng đăng ký sách ngôn tình vừa qua được cho là không có giá trị thực tế, thậm chí còn bị coi là phản tác dụng vì điều này chỉ khiến người đọc thay vì tìm tới sách giấy thì nay hoàn toàn quay về với ebook. Mà hiện nay vẫn không có bất cứ một hình thức quản lý hành chính nào thực sự có hiệu quả đối với việc sản xuất và phát hành ebook.

Không thể phủ nhận, quyết định tạm dừng đăng ký sách ngôn tình xuất hiện không phải ngẫu nhiên. Sách ngôn tình có nhiều tác phẩm hay, có giá trị nhân văn nhất định, nhưng đã và đang xuất hiện các dòng ngôn tình có nội dung phản cảm, kích dục thậm chí là bệnh hoạn như liên quan đến đề tài loạn luân, bạo lực tình dục… Cũng chính vì điều này nên ngay cả những người ủng hộ ngôn tình nhất cũng phải thừa nhận nếu không có sự điều tiết, kiểm soát thì ngôn tình dần sẽ biến chất, trở thành môi trường cho những cuốn sách có nội dung xấu, làm băng hoại đạo đức của một bộ phận người trẻ.

Vì sao phải thụ động tiếp nhận các sản phẩm văn hóa ngoại lai trong khi chính chúng ta có thể sáng tạo ra và thậm chí đã sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị không thua kém? Những nhà văn trẻ như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Iris Cao, Hamlet Trương… đều có các tác phẩm được hàng chục ngàn bạn đọc đón nhận. Các trích đoạn trong sách của họ trở thành những câu cửa miệng của giới trẻ, những “triết lý tình yêu” trong sách của họ được những người trẻ truyền nhau trên các trang mạng xã hội như một cách bày tỏ tâm trạng, tình cảm.

Nhà văn Anh Khang giao lưu với bạn đọc trẻ.

Ở một góc độ nào đó, nhiều người cho rằng sách của những cây bút trẻ trên là một dạng ngôn tình của Việt Nam. Truyện của họ đơn giản, đôi lúc đơn giản đến mức chỉ là những ghi chép những cảm xúc, tâm trạng thậm chí là câu chuyện của chính mình. “Triết lý” của họ cũng đơn giản theo kiểu: “Em có biết vì sao lại có những kẽ hở giữa những ngón tay không? Đó là vì bàn tay nào cũng cần được lấp đầy bằng một bàn tay khác…” (Tay tìm tay níu tay của Hamlet Trương). Thế nhưng với bạn đọc trẻ, sự hấp dẫn đến từ chính cái đơn giản đó, họ có thể đọc và cảm nhận được ngay mà không cần phải quá suy nghĩ như nhiều loại sách khác.
 
Tìm dòng văn học trẻ mạnh mẽ

Cần phải thẳng thắn thừa nhận, các cây bút trẻ hiện nay còn một chặng đường rất dài phải đi để có thể so sánh với các thế hệ nhà văn trẻ trước đó như Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang… Thậm chí, ngay cả việc duy trì thành công hiện tại cũng đã là cả một vấn đề như nhận xét của nhà thơ Phan Hoàng, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP rằng nhiều cây bút trẻ dốc ruột gan ra viết 1-2 cuốn rất ăn khách rồi không biết phải viết thế nào nữa, các tác phẩm tiếp theo nhanh chóng lu mờ, biến mất khỏi thị trường sách.
 
Thế nhưng, không phải vì thế mà họ đáng phải nhận cái nhìn kỳ thị từ một số người viết đi trước hay từ phía các nhà phê bình khi đánh giá các sáng tác của họ không phải là văn chương, thậm chí còn lo lắng việc bạn đọc hâm mộ loại sách này sẽ làm hỏng văn hóa đọc. Không thể phủ nhận những tác phẩm này vẫn có một chỗ đứng trong dòng chảy văn học hiện nay. Thành công về doanh thu, về số lượng người đọc sẽ là bước đệm để những tác giả trẻ này tiếp bước trên con đường văn chương và là nguồn động lực để những cây bút trẻ khác dấn bước vào con đường này.
 
Lúc này vai trò của những người đi trước, của các nhà lý luận phê bình hay các nhà quản lý không phải là ngăn cản mà là động viên, khuyến khích, chỉ cho họ những con đường sáng tác rộng mở, ngăn họ đâm vào những lối cụt… Và rồi chúng ta sẽ có một dòng văn học trẻ đầy mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức của bạn đọc trẻ thuộc nhiều lứa tuổi. Khi đó, không cần các lệnh cấm mang tính hành chính thì các loại sách rác, sách xấu cũng sẽ không còn chỗ trong dòng chảy văn học Việt.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục