Họa sĩ Phạm Bình Chương - Người lưu giữ sắc màu ký ức

Không chỉ ghi lại những sự vật, hiện tượng xung quanh, tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương đưa người xem trở về với một không gian phố sống động, thật đến từng vệt nắng, với những góc phố, ô cửa xộc xệch, mảng tường vôi loang lổ, với những cây bàng khẳng khiu trụi lá giữa mùa đông Hà Nội... Vì vậy nếu gọi họa sĩ Phạm Bình Chương là người lưu giữ màu của ký ức cũng thật không sai.
Họa sĩ Phạm Bình Chương - Người lưu giữ sắc màu ký ức

Không chỉ ghi lại những sự vật, hiện tượng xung quanh, tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương đưa người xem trở về với một không gian phố sống động, thật đến từng vệt nắng, với những góc phố, ô cửa xộc xệch, mảng tường vôi loang lổ, với những cây bàng khẳng khiu trụi lá giữa mùa đông Hà Nội... Vì vậy nếu gọi họa sĩ Phạm Bình Chương là người lưu giữ màu của ký ức cũng thật không sai.

Họa sĩ Phạm Bình Chương tâm sự, anh đến với hội họa từ nhỏ, có lẽ là từ lúc chưa biết mặt chữ, anh đã bắt đầu làm quen với hội họa từ chính mái hiên của khu tập thể Trường Đại học Văn hóa. Trẻ con khi ấy, không trò chơi điện tử, không tivi và niềm vui với anh chỉ là một hộp phấn nhỏ và bảng đen chính là hành lang dài, rộng thênh thang của khu tập thể đại học. Từ sáng sớm tới chiều muộn, cứ tha thẩn vẽ hết viên gạch này chuyển sang viên gạch khác, song người lớn khi ấy cũng chẳng ai phiền lòng vì những hình vẽ nguệch ngoạc trước cửa nhà. Và con đường đến với hội họa đối với anh cũng giản dị và tự nhiên như vậy.

Một tác phẩm của họa sĩ Phạm Bình Chương

Bước ngoặt lớn nhất đưa Chương đến với thể dạng vẽ tả thực mà người ta vẫn gán cho cái tên là “cực thực” này bắt nguồn từ chính lần triển lãm đầu tay thiếu thành công của mình. Họa sĩ Phạm Bình Chương kể: Năm ấy, tôi cùng một nhóm họa sĩ đứng ra làm triển lãm năm 26 tuổi. Công phu, nỗ lực và kỳ vọng nhiều lắm. Nhưng không hiểu vì lẽ gì tất cả mọi người đều bán được tranh, chỉ mình tôi là không ai hỏi han. Buồn, thất vọng và muôn vàn dấu hỏi được đặt ra mà không thể tìm được lời giải. Nhưng đến lúc này, khi tôi không còn theo trường phái trừu tượng nữa, tôi mới ngộ ra rằng mình biết ơn lần thất bại ấy biết bao. Nếu trong triển lãm 16 năm trước ấy, tôi bán được, dù chỉ 1 bức thì biết đâu tôi sẽ cứ đắm đuối với trường phái ấy mà không tìm được con đường của riêng mình với những tác phẩm chỉ xem một lần mà ám ảnh mãi không thôi.

Ở Việt Nam việc định tên cho dòng tranh “vẽ như chụp ảnh” vẫn còn chưa thống nhất. Có người thì gọi là tranh siêu thực, người gọi hiện thực, người gọi cực thực. Các họa sĩ đủ đam mê với nó cũng chỉ lác đác và đương nhiên đường mới thì thường khó đi. Họa sĩ Phạm Bình Chương kể, thuở ban đầu, khi tranh của anh xuất hiện, ngay lập tức đã vấp phải nhiều tranh luận. Nào là vẽ gì mà tự nhiên chủ nghĩa quá, thấy gì vẽ nấy thì còn gì là nghệ thuật; người thì cho rằng nếu vẽ giống hệt thật thì đã có nhiếp ảnh, có người còn cho rằng đó chẳng qua là một sự sao chép... Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ anh và sự ủng hộ lớn nhất chính là từ phía những khách hàng của mình. Qua mỗi tác phẩm của họa sĩ Phạm Bình Chương, người yêu nghệ thuật tìm tới anh nhiều hơn. Ban đầu chỉ là những người yêu tranh trong nước, họ đến với anh bởi tìm thấy những câu chuyện, kỷ niệm, những tình cảm của họ với Hà Nội. Nhưng dần dà, tiếng lành đồn xa, khách nước ngoài đến với anh không chỉ để mua tranh mà nhiều người còn nhờ anh vẽ lại ngôi nhà, góc phố, nơi họ gắn bó.

Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh ra và lớn lên ở phố cổ, cái không gian phố chẳng biết tự bao giờ ngấm vào mạch máu, chảy trong huyết quản của anh. Anh yêu phố và anh thể hiện tình yêu ấy qua từng nét vẽ. Hà Nội bây giờ đã ồn ào náo nhiệt, nhưng đôi khi lang thang trên phố, anh vẫn bắt gặp những khoảnh khắc yên lành. Để họa lại nơi chốn ấy, họa sĩ Phạm Bình Chương phải quan sát thật kỹ tại nhiều thời điểm, chụp lại ảnh, vẽ ký họa... Hình ảnh vẽ trên tranh đôi khi khác xa với địa điểm thực tế anh vẽ, song cái hồn cốt của nó vẫn được lưu giữ. Hà Nội qua tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương hiện lên đẹp nao lòng và bình yên tuyệt đối. Đó là một hiệu sách cũ trên phố Thi Sách - Hà Nội, có cậu học sinh đeo ba lô kiễng chân nhòm vào. Hiệu sách xưa là biệt thự, giờ cũ kỹ với những mảng tường loang và phía trên là “chuồng cọp” cơi nới. Cái cũ kỹ mốc thếch đó không hiểu sao ám ảnh người xem, nó gợi về những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Hà Nội qua nét cọ của họa sĩ Phạm Bình Chương đôi khi chỉ cần là tán bàng xòe rộng, một chiếc xích lô chờ khách trong một sớm tinh sương, một góc phố trong cơn mưa rào mùa hạ, lại có khi là một quán nước chè vỉa hè…

Họa sĩ Phạm Bình Chương tinh mắt, anh nhìn ra những góc rất lạ, rất đẹp của phố phường, những góc ấy anh có thể vẽ về nó cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc sáng, trưa, chiều, tối. Đã có một thời khi công nghệ được áp dụng vào hội họa, nhiều người đã in ảnh lên toan rồi sau đó vẽ lại với màu nước, với sơn dầu... và nhiều người đã đánh đồng tranh của anh với thể loại này. Song nghệ thuật muôn đời không thể so sánh, đánh đồng “máy vẽ” và “người vẽ” vì thế cái còn lại chính là những tác phẩm đích thực.

Bận bịu với giảng đường, với nhóm vẽ Cọ Xinh dành cho thiếu nhi do vợ chồng anh chung lưng gây dựng nhưng họa sĩ Phạm Bình Chương vẫn ngày đêm miệt mài theo đuổi công việc lưu giữ màu của ký ức. Anh tâm sự, đáng lẽ cuối năm nay, một triển lãm cá nhân của anh về Hà Nội sẽ ra mắt, song công việc bề bộn mà thời gian lại có hạn vì thế kế hoạch ấy bị dời lại tới năm sau. Kỳ vọng rằng trong triển lãm đó, người xem lại được đón nhận một Hà Nội đầy chất thơ như nó vốn có trong các tác phẩm của họa sĩ Phạm Bình Chương.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục