Gỡ khó cho bảo tàng

Nhiều năm qua, ngành bảo tàng tại TPHCM phải hoạt động trong tình trạng không ít khó khăn: cơ sở vật chất yếu kém, cũ kỹ; thiếu trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại; thiếu sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực; các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bảo tàng đã có từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ… Mới đây, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn công tác đã dành trọn một ngày thực địa và làm việc với các bảo tàng để tháo gỡ những vướng mắc. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo TPHCM trực tiếp mổ xẻ những tồn đọng đồng thời tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động của bảo tàng.

Nhiều năm qua, ngành bảo tàng tại TPHCM phải hoạt động trong tình trạng không ít khó khăn: cơ sở vật chất yếu kém, cũ kỹ; thiếu trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại; thiếu sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực; các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bảo tàng đã có từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ… Mới đây, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn công tác đã dành trọn một ngày thực địa và làm việc với các bảo tàng để tháo gỡ những vướng mắc. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo TPHCM trực tiếp mổ xẻ những tồn đọng đồng thời tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động của bảo tàng.

Cơ sở vật chất yếu kém

Tại buổi làm việc, bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, bức xúc: “Ngôi nhà hiện sử dụng làm bảo tàng của chúng tôi được xây dựng trước năm 1975, nguyên là dinh thự của thủ tướng chế độ cũ cải tạo lại, phòng ốc nhỏ hẹp, không liên hoàn nhau, hành lang và lối đi quanh co và bị sụt lún nghiêm trọng. Năm 2010, TP đã lên kế hoạch sửa chữa mở rộng bảo tàng khoảng 80 tỷ đồng nhưng theo quy hoạch mở rộng đường Thái Văn Lung ra Tôn Đức Thắng bị mất tới 2.000m². Theo đơn vị tư vấn, việc mở đường sát với tượng Bác Tôn ảnh hưởng đến không gian chung, ngôi nhà cũ bị xéo rất khó cải tạo, phải chờ đợi điều chỉnh hoặc cho xây mới trên 200 tỷ đồng nên cứ lình xình cho tới tận giờ”.

Do không thu phí khách tham quan nên đời sống cán bộ nhân viên bảo tàng cũng gặp không ít khó khăn. Bà Xuân Thảo than thở: “Chúng tôi phải tạo nguồn thu từ các cửa hàng phục vụ giải khát cho khách, thu từ phí của bãi giữ xe để đảm bảo đời sống anh em”.

Du khách xem trưng bày “Trang phục cung đình triều Nguyễn” tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Cùng chung cảnh ngộ là Bảo tàng Lịch sử TPHCM. TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, trăn trở: Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 35.000 hiện vật, trong đó có 11 bảo vật quốc gia. Tuy nhiên do không gian trưng bày quá chật hẹp (khoảng 6.000m²) nên nhiều hiện vật quý không có nơi trưng bày, giới thiệu cho du khách.

“Vừa rồi, phía Hàn Quốc qua làm việc với bảo tàng để phối hợp tổ chức trưng bày hiện vật quốc gia của họ. Sau khi họ đưa ra những yêu cầu cho công tác tổ chức, chúng tôi đã phải từ chối khéo vì không thể đáp ứng được. Nếu TP không quan tâm đầu tư thì những cơ hội hợp tác như vừa qua sẽ không thể thực hiện được”, ông Tuấn nói.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong đã hết sức bất ngờ khi nghe giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM báo cáo lần tu sửa đảo ngói, chống dột của bảo tàng này thực hiện gần nhất là vào năm 1984. Nghĩa là trong 33 năm qua, công trình tòa nhà nổi tiếng - đang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là bảo tàng đầu tiên của Nam kỳ được xây dựng từ năm 1929 không hề được duy tu sửa chữa.

Chứng kiến không gian triển lãm chuyên đề Trang phục cung đình triều Nguyễn “Vàng son nhung gấm” với hàng loạt áo vua, quan, đồ trang sức của hoàng hậu, cung phi... được trưng bày với mật độ dày đặc trong không gian chật hẹp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho rằng đây là điều đáng tiếc. “Bảo tàng thu hút công chúng bằng những câu chuyện và nghệ thuật dẫn dắt công chúng đến với hiện vật. Ở đây ta trưng bày các hiện vật quý dày đặc, mà không có không gian để tổ chức, dẫn dắt các câu chuyện thì tiếc quá” - ông Vũ nêu ý kiến.

Khó khăn nhất trong hệ thống bảo tàng TP phải kể đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Hạng mục xây mới Kho bảo quản hiện vật và Nhà làm việc hành chính của bảo tàng mãi đến nay mới khởi động, dự kiến khởi công trong tháng 4 và sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống trưng bày của bảo tàng này cũng chưa được nâng cấp và chỉnh lý theo hướng hiện đại. Thậm chí nơi đây còn chưa có được một màn hình trình chiếu hiện đại để chiếu phim tài liệu phục vụ công chúng. Là bảo tàng phụ nữ rất đặc trưng của cả khu vực Nam bộ nhưng đơn vị cũng chưa có được phòng trưng bày riêng về các mẹ Việt Nam anh hùng.

Học sinh tìm hiểu về xác ướp tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ảnh: LÊ MINH

Dự án giậm chân tại chỗ

Không chỉ có khó khăn về cơ sở vật chất, việc đầu tư phát triển nhân lực của ngành bảo tàng cũng không được ngành văn hóa quan tâm, đặc biệt, nhiều dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bảo tàng TP đã có chủ trương từ nhiều năm qua nay vẫn trì trệ, giậm chân tại chỗ. Dự án sửa chữa, mở rộng bảo tàng Tôn Đức Thắng đã có từ năm 2010 nhưng mãi đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Dự án cải tạo, mở rộng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sau nhiều năm ì ạch, phải xé nhỏ, thực hiện từng bước một đến nay cũng chỉ khởi công được kho bảo quản hiện vật và khu nhà hành chính (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2018), còn giai đoạn 3 của dự án là mở rộng khối nhà trưng bày 3 tầng lầu thì vẫn đang chờ đợi.

Với Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, dù đã được cải tạo và đưa vào sử dụng cả 3 tòa nhà, nhưng hệ thống kho bảo quản hiện vật đúng chuẩn với các tác phẩm nghệ thuật, tượng, tranh nhiều chất liệu thì vẫn chưa có. Đơn vị này vẫn phải tận dụng những phòng trống, nằm rải rác ở tầng mái để chứa hiện vật. Đáng quan tâm hơn, bảo tàng này đang rất cần một khảo sát thực tế và đánh giá nghiêm túc của các cơ quan chức năng, bởi tòa nhà hiện tại có tuổi thọ gần 100 năm - một di tích về kiến trúc nghệ thuật của TPHCM - kết hợp với những dư chấn do các công trình phụ cận đang xây dựng đã ảnh hưởng tới chất lượng, kết cấu công trình.

Tương tự, dự án dài hơi nhất phải nói đến Bảo tàng TPHCM. Từ năm 2004, TP có đã chủ trương thực hiện Dự án “Trùng tu tôn tạo, chỉnh trang khuôn viên sân vườn và đầu tư nâng cấp, mở rộng Bảo tàng TPHCM”. Sau nhiều lần điều chỉnh, hoàn tất các thủ tục hồ sơ, gần đây nhất đã được thường trực Thành ủy, UBND TPHCM chấp thuận và chỉ đạo triển khai thực hiện cuối năm 2015, nhưng mãi đến nay vẫn chưa mấy chuyển động!

Gỡ khó cho bảo tàng

Ghi nhận nỗ lực vượt khó của các bảo tàng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu thắc mắc với Sở VH-TT TP: “Tại sao có đề án xây dựng rồi mà dự án nào cũng chậm trễ. Vướng mắc chỗ nào phải chịu khó ngồi lại để cùng giải quyết là được hết. TPHCM hiện đang mất cân đối giữa đầu tư cho kinh tế và đầu tư cho văn hóa”.

Hỗ trợ hoạt động của các bảo tàng, Chủ tịch UBND TP lưu ý, tạo điều kiện để khách đến Bảo tàng Lịch sử TP để xe trong Thảo Cầm Viên, Bảo tàng TPHCM nên tổ chức đờn ca tài tử, các món ăn Nam bộ phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cần đầu tư sâu hơn sưu tầm, triển lãm về mẹ Việt Nam anh hùng của TPHCM và của Nam bộ, đội quân tóc dài, phong trào Đồng Khởi... để mang đến những bài học lịch sử thiết thực hơn cho công chúng.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo Sở VH-TT lưu ý và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án: Kho bảo quản hiện vật đúng chuẩn và Đầu tư xây dựng, sửa chữa mở rộng (Bảo tàng Tôn Đức Thắng), Xây dựng Khu trưng bày chuyên đề đa năng và phòng trải nghiệm, Tu bổ di tích, Tu bổ đền thờ Hùng Vương (Bảo tàng Lịch sử TPHCM), Sưu tầm áo dài xưa và áo bà ba, Trang bị phương tiện nghe nhìn hiện đại, Tư vấn thiết kế và chỉnh lý trưng bày, tiếp tục giai đoạn 3 trong năm 2018 (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ), Hiện đại hóa trưng bày, Kho bảo quản hiện vật, Xưởng phục chế (Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM), đẩy nhanh tiến độ dự án tại Bảo tàng TPHCM.

Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Hữu Việt được yêu cầu bắt tay lập ngay đề án cải thiện mức phí cho khối bảo tàng, theo Thông tư 02 của Bộ Tài chính. Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định sẽ làm việc với sở, ngành liên quan để tháo gỡ những vấn đề của ngành bảo tàng trong thời gian sớm nhất.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục