Viện phí sẽ tính đúng, tính đủ

Ngày 18-12, trước thông tin về việc viện phí sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới được Quốc hội thông qua ngày 13-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT thống nhất theo hạng bệnh viện trong toàn quốc.

(SGGP).- Ngày 18-12, trước thông tin về việc viện phí sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới được Quốc hội thông qua ngày 13-6-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT thống nhất theo hạng bệnh viện trong toàn quốc.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ ban hành mức giá theo 5 hạng bệnh viện: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV. Tuy nhiên mức giá này vẫn chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp bao gồm thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện, nước; chi phí duy tu, bảo dưỡng tài sản. Mức giá cũng có tính đến chỉ số giá tiêu dùng nhưng không vượt quá khung giá đã được liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Ngoài ra, có tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ vào giá ngày giường, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá các phẫu thuật, thủ thuật.

Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế vì chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế hiện nay đã được quy định trong Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ gồm 7 yếu tố, hiện nay mới tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp trong giá, nhưng chưa tính tiền lương, khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị, đào tạo chuyển giao kỹ thuật. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế về cơ bản không phải là tăng chi phí mà các khoản trước đây nhà nước bao cấp, nay phải tính vào giá để chuyển phần ngân sách nhà nước bao cấp cho các cơ sở y tế sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Đối với tác động và hiệu quả của việc tính đủ giá dịch vụ y tế theo lộ trình, việc tính đủ giá dịch vụ y tế theo lộ trình là một đòi hỏi thực tế, khách quan. Nếu được thực hiện, sẽ mang lại một số hiệu quả kinh tế-xã hội. Trong đó, đối với người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn. Người bệnh có thẻ BHYT được lợi vì BHYT thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các dịch vụ mà trước đây mức giá thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí. Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, người bệnh BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. Như vậy vừa đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi người có thẻ BHYT.

Đối với người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc khó khăn thì hiện nay đã có hơn 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gần 3 triệu người cận nghèo được Nhà nước mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT. Để giải quyết khó khăn cho đối tượng này, Bộ Y tế đã trình và Chính phủ đã thống nhất trình và được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong đó từ ngày 1-1-2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội  khó khăn, đặc biệt khó khăn khi đi khám, chữa bệnh theo quy định của Luật BHYT được Quỹ BHYT thanh toán 100%, không phải đồng chi trả (trước đây phải đồng chi trả 5%); người cận nghèo được BHYT thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây BHYT thanh toán 80%, phải đồng chi trả 20%). Do đó có thể khẳng định, về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục