Thị trường ô tô trong xu thế hội nhập: Người tiêu dùng chịu thiệt

Vỡ mộng xe nhập khẩu giá rẻ

Sau bao năm ngóng chờ ô tô giá rẻ từ khu vực nội khối ASEAN, nay người tiêu dùng đành vỡ mộng. Bởi lẽ, dù những lô xe hưởng thuế nhập khẩu 0% đầu tiên đã cập cảng và về đến đại lý các hãng, nhưng giá bán không hề giảm, thậm chí có dòng xe còn tăng.

Không thuế, giá vẫn “trên trời”

Thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực nội khối ASEAN đã về 0% từ ngày 1-1-2018, theo đúng lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là điều mà người tiêu dùng có nhu cầu mua ô tô mong đợi từ lâu, với hy vọng khi thuế giảm về 0% sẽ giúp giá bán của một số dòng xe nhập khẩu giảm xuống đáng kể.

Theo tính toán, giá cập cảng của một chiếc xe từ ASEAN về Việt Nam khoảng 300 triệu đồng, với mức thuế nhập khẩu được giảm về 0%, mức giá xe sau thuế có thể giảm tới hơn 100 triệu đồng so với thời điểm năm 2017.

Thêm vào đó, cùng với thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm xuống, thì các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe 2.0L trở xuống cũng giảm thêm từ 5% trở lên, khiến giá có thể giảm sâu hơn. Thế nhưng nghịch lý đang xảy ra trên thị trường hiện nay là sau khi tính toán trừ đi các khoản thuế, phí theo ưu đãi cam kết hội nhập, các hãng ô tô chính thức công bố giá bán cao hơn cả lúc chưa giảm thuế nhập khẩu!

Trên thực tế, sau gần 4 tháng quy định thuế nhập khẩu đối với ô tô về 0%, các hãng đã và đang ráo riết hoàn tất các thủ tục theo quy định để thông quan những lô xe đầu tiên. Và đến nay, mới duy nhất Honda Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục theo quy định mới và thông báo chính thức điều chỉnh giá bán lẻ của các mẫu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Cụ thể, kể từ ngày 2-4, giá bán lẻ của các mẫu xe CR-V, Civic, Jazz và Accord tăng lên thêm 5 triệu đồng mỗi xe so với trước đó. Honda viện dẫn lý do tăng giá là do bởi những tính toán các yếu tố ảnh hưởng từ việc nhập khẩu xe theo quy định mới tại Nghị định 116 của Chính phủ. Các mức giá bán lẻ được Honda công bố trước đây mới chỉ tính dựa trên các tiêu chí cơ bản như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ và các chi phí của doanh nghiệp - trước khi Nghị định 116 có hiệu lực. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại chi phí, trong đó việc đội chi phí được cho là chủ yếu xuất phát từ hoạt động kiểm định ngẫu nhiên, do đó giá bán lẻ của các loại xe này tăng lên 5 triệu đồng/xe.

Honda Việt Nam cũng cho biết, giá bán lẻ mới sẽ chỉ áp dụng đối với những hợp đồng mua xe từ ngày 2-4. Đối với người tiêu dùng mua xe trong khoảng thời gian từ ngày đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 sẽ vẫn được hưởng các mức giá bán lẻ cũ, rẻ hơn. Điều đáng chú ý, cả 5 dòng xe nhập khẩu của Honda công bố, dòng thấp nhất khi đến tay người tiêu dùng cũng phải trên dưới 700 triệu đồng/chiếc, số còn lại đều trên 1 tỷ đồng/chiếc.

Vỡ mộng xe nhập khẩu giá rẻ ảnh 1 Lựa chọn mua ô tô tại một cửa hàng. Ảnh: Cao Thăng

“Bít đường” xe sang

Thông tin về việc giá ô tô nhập khẩu từ ASEAN về thị trường Việt Nam khó ở mức thấp hay rẻ như người tiêu dùng chờ đợi đã được giới chuyên môn và các chuyên gia khuyến cáo từ trước. Bởi với hàng loạt hàng rào thuế quan đã và tiếp tục được các nhà hoạch định chính sách dựng lên để hạn chế nhập khẩu ô tô, cộng thêm những “cái bắt tay hữu ý” giữa các liên doanh để “làm giá”, thì câu chuyện xe giá rẻ chỉ là ước mơ xa vời.

Có thể nhận thấy hàng rào thuế quan và những quy định siết ô tô nhập khẩu đang phát huy tác dụng khá hiệu quả. Ngoài các dòng xe xuất xứ từ ASEAN dè dặt tham gia thị trường Việt Nam sau khi thuế về 0%, các dòng xe của các khu vực khác (như châu Âu) gần như tê liệt.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU cộng dồn quý 1-2018 ước đạt 5.600 chiếc (gồm xe du lịch, thương mại, chuyên dụng) và đạt 150 triệu USD, sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái cả về lượng lẫn giá trị.

Đáng chú ý, trong số này, những dòng xe nhập khẩu đến từ các nước như Anh, Đức, Mỹ chỉ đếm trên đầu ngón tay, hay như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tham gia không đáng kể. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tình hình xe nhập khẩu, ngoại trừ khu vực ASEAN - nơi đặt “đại bản doanh” của các hãng liên doanh vẫn còn “sống khỏe”, thì nhiều khu vực như vừa nêu trên sẽ rất khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt với dòng xe sang. 

Hiện nay, các dòng ô tô sang đang chịu thuế nhập khẩu 50% - 70%, đồng thời còn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30%, 60%, 90% và gần 150% (tùy dung tích), khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sang cao của thế giới.

Bên cạnh đó, quy định tại Thông tư 20 và Nghị định 116 (có hiệu lực tháng 10-2017) đã cùng lúc ngăn cản các dòng xe sang về được Việt Nam. Bị ảnh hưởng nhiều nhất vào thời điểm này là phân khúc xe hạng sang và siêu sang vốn được nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài, như Rolls-Royce, Bentley, Audi, BMW, Lexus, Infiniti, Jaguar Land Rover, Maserati, Volvo và Volkswagen…

Theo quy định mới, toàn bộ xe nhập khẩu phải được kiểm định theo từng lô và từng chủng loại, nên các mẫu xe siêu sang sẽ phải được kiểm định thực tế mới đủ điều kiện thông quan. Điều này sẽ khiến nguồn cung khan hiếm và giá xe tăng cao vì những chi phí phụ trội.

“Chưa kể, mới đây trong dự thảo Luật Thuế tài sản, ô tô trên 1,5 tỷ đồng cũng thuộc diện bị đánh thuế khá cao. Mặt khác, Chính phủ cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam với xe nhập khẩu để tăng cường quản lý. Do vậy, xe nhập khẩu nói chung và xe sang nói riêng tiếp tục đứng trước thách thức mới. Nhiều phân khúc sẽ trở nên khan hiếm và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng giá”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ XNK Thăng Long, nhận định.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục