
* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết, trên bình diện đa phương, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả ấn tượng nào?
* Thứ trưởng NGUYỄN MINH HẰNG: Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 (tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng, phù hợp với quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực chống chịu với dịch bệnh cũng như các đề xuất phù hợp với mối quan tâm toàn cầu như cải cách thể chế tài chính quốc tế; thúc đẩy liên kết kinh tế Nam - Nam (hợp tác kinh tế giữa các quốc gia đang phát triển khu vực Nam bán cầu); ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển bền vững; đảm bảo tiếp cận công bằng các nguồn lực tài chính, công nghệ và y tế cho các nước đang phát triển.
Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao những đề xuất của Việt Nam cũng như đề cao sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp vào đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm xử lý các thách thức của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên và đối tác BRICS, các nước đang phát triển, các tổ chức quốc tế lớn; qua đó mở ra nhiều định hướng hợp tác mới, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các đối tác phát triển thực chất, hiệu quả và đi vào chiều sâu, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
* Còn trên bình diện song phương, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Brazil đã có thêm những bước tiến tích cực như thế nào sau chuyến công tác của Thủ tướng, thưa Thứ trưởng?
* Trong chuyến công tác, hai bên đã thống nhất những định hướng lớn trong quan hệ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Nếu cách đây hơn 1 thập kỷ, vào năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ đạt 1,5 tỷ USD thì nay con số này đã đạt gần 8 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch của Việt Nam với khu vực Mỹ La-tinh. Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực quan trọng này.
Điều này cho thấy giữa hai nước cần tiếp tục có những biện pháp hợp tác mang tính chiến lược để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng, qua đó phản ánh tính bổ trợ chiến lược giữa hai nền kinh tế nói riêng và với khu vực nói chung. Nhân dịp này, Tổng thống Brazil khẳng định ủng hộ Việt Nam sớm kết thúc đàm phán FTA (hiệp định thương mại tự do) Việt Nam và Khối MERCOSUR (cộng đồng thị trường Nam Mỹ) trong năm 2025 cũng như FTA giữa Việt Nam và Brazil.
Một trong những điểm nổi bật nhất của chuyến công tác là hợp tác nông nghiệp. Hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân hai nước cũng như của khu vực có thể tiếp cận, sử dụng các mặt hàng nông sản chất lượng của các doanh nghiệp hai nước.
Hai bên khẳng định đẩy mạnh hợp tác trong ngành cà phê, thúc đẩy hình thành liên minh sản xuất và xuất khẩu cà phê, hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê chung và nâng tầm văn hóa thưởng thức cà phê gắn với văn hóa hai dân tộc. Đồng thời, với phương châm “tối ưu chi phí, hài hòa lợi ích”, đầu tư sản xuất và chế biến các mặt hàng nông sản tại chỗ cũng là một trong những hướng hợp tác mới để tiêu thụ tại hai thị trường và xuất khẩu sang các nước khác.
Nhân dịp này, hai nước công bố lô hàng xuất khẩu cá tra - basa và cá rô phi đầu tiên của Việt Nam sang Brazil và lô hàng xuất khẩu thịt bò đầu tiên của Brazil sang Việt Nam. Đây là những mặt hàng nông sản mà hai bên đã “cùng định hình, cùng cam kết và cùng thực hiện”, khởi đầu cho mở cửa thị trường, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản khác trong thời gian tới.
Những lĩnh vực khác như quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác và thương mại khoáng sản, chuyển đổi số, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… cũng có những bước chuyển mới phù hợp với định hướng phát triển của mỗi nước.
Hai bên cũng đã ký nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác, đáng chú ý là các bản ghi nhớ về hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cùng nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác giữa đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của hai nước với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
* Theo Thứ trưởng, Việt Nam sẽ triển khai những biện pháp nào để cụ thể hóa kết quả của chuyến công tác?
Để cụ thể hóa các kết quả chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan ngay lập tức bắt tay vào triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, trong quan hệ với Brazil, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục dành ưu tiên cao trong triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Brazil và Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất vào tháng 3-2025.
Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, nông nghiệp sẽ là tâm điểm hợp tác trong thời gian tới. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ chủ động cùng các đối tác Brazil rà soát và giải tỏa những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, nông sản của nhau.
Đồng thời, hai bên sẽ sớm hoàn tất ký kết FTA Việt Nam - Brazil, thúc đẩy ký kết Hiệp định về bảo đảm an ninh lương thực ổn định, lâu dài cho Brazil, các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và tạo điều kiện về thị thực đi lại giữa hai nước. Việt Nam cũng sẽ cùng các thành viên khác khẩn trương đàm phán, sớm ký kết một Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và MECOSUR.