
Đa dạng hình thức làm giàu
Là “cái rốn” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ đô thị hóa cực nhanh, phát triển công nghiệp vũ bão nhưng ngành nông nghiệp của TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (trước đây) vẫn gặt hái những quả ngọt đáng khích lệ.
Ông Đoàn Thanh Tường (66 tuổi, người trồng xoài cát có tiếng ở xã Cần Giờ) chia sẻ, trong canh tác những năm gần đây, gia đình ông giảm tỷ lệ sử dụng phân bón, thuốc mà tích cực chăm sóc vườn xoài theo hướng VietGAP. Tận dụng nguồn nước phù sa dồi dào, ông cho lắp đặt hệ thống tưới tự động. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhất là kết hợp giữa vị mặn của biển và phù sa từ sông nên vườn xoài cho trái to, vỏ bóng đẹp. Với diện tích 5.000m2 xoài cát, mỗi năm nhà ông thu hoạch khoảng 4 tấn xoài, đạt lợi nhuận bình quân 350 triệu đồng, là “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố” nhiều năm liền. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Tường còn vận động 37 hộ trồng xoài tham gia mô hình VietGAP.
Giữa nhịp sống đô thị sôi động, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, ngụ phường Long Bình, đã thành công với mô hình trồng hoa cảnh (hoa sao nhái, cúc đồng tiền, vạn thọ, mào gà, cát tường, dạ yến thảo…) đạt doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm. Khởi nghiệp từ năm 2003, đúng vào dịp nước ta đăng cai tổ chức SEA Games 23, bà Thanh Thùy nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường hoa cảnh phục vụ nhu cầu trang trí đô thị, lễ hội, nên từ những luống hoa nhỏ ban đầu, đến nay bà sở hữu vườn hoa 20.000m2 với sản lượng hơn 50.000 cây. Sản phẩm của vườn được cung cấp cho nhiều cửa hàng, công trình trang trí tại nhiều tỉnh thành miền Đông và Tây Nam bộ.
Ở xã Hòa Hội, anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây, cũng là một trong những người tiên phong của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn vị đang có 15ha mô hình trồng tiêu kết hợp trồng củ hoài sơn (củ mài) cho tổng thu nhập khoảng 4 tỷ đồng/ha/năm. Không chỉ bán nguyên liệu thô, công ty còn chế biến tung ra thị trường trong nước và quốc tế 30 sản phẩm từ tiêu không hạt và củ hoài sơn. Ngoài ra, anh Ngọc Nhâm còn liên kết với các hộ dân trồng 1.700ha tiêu Bầu Mây theo hướng hữu cơ, cung cấp cho thị trường và kết hợp mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm ăn uống trong vườn tiêu, thu hút hàng ngàn du khách hàng năm.
Phường Tân Uyên, xã Bạch Đằng trước đây, trông như một ốc đảo xanh xen giữa các đô thị công nghiệp. Cách trung tâm TPHCM gần 30km, nơi này vẫn giữ được nhiều nét yên bình với vườn bưởi xum xuê, mái nhà ngói đỏ, đường làng sạch đẹp.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc HTX Bưởi Bạch Đằng, thổ lộ với khách phương xa: Ở xứ cù lao này, người dân không chỉ giữ cây bưởi mà còn giữ cả tình làng nghĩa xóm, nét văn hóa xưa, thong thả, nhẹ nhàng của người miền Đông. Điều thú vị là địa phương đang xây dựng mô hình làng thông minh, ứng dụng công nghệ số trong du lịch, hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và wifi miễn phí dọc các tuyến đường chính. Người nông dân được tập huấn kỹ năng số, sử dụng app theo dõi mùa vụ, bán hàng trực tuyến...

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Điểm qua những mô hình trên là minh chứng rõ nét cho xu hướng phát triển nông thôn không chạy theo đô thị hóa một chiều, mà theo hướng cân bằng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Kết quả này đến từ sự quyết tâm của người nông dân và “bà đỡ” từ chính quyền.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Bình Khánh, chia sẻ, diện tích trồng xoài của vùng đất Cần Giờ là 219ha. Năm 2024, sản lượng xoài đạt 2.400 tấn, giá bán xoài bình quân 65.000-90.000 đồng/kg; nông dân đạt lợi nhuận 600-700 triệu đồng/ha. Toàn vùng có 42 hộ trồng xoài theo quy trình VietGAP. Xoài cát Cần Giờ hiện đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trong năm nay, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng xoài đáp ứng đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp mã số vùng trồng đối với sản phẩm xoài. Việc ứng dụng công nghệ cao cũng được triển khai mạnh ở các vùng chuyên canh khác như xã An Nhơn Tây, xã Bình Lợi, phường Long Trường…
Ông Võ Thành Giàu, Phó Giám đốc Sở NN-MT TPHCM, thông tin, với tiềm năng, lợi thế sẵn có từ tài nguyên đất đai, nguồn nước tưới từ hệ thống kênh rạch dày đặc, nhất là sông Đồng Nai, sông Bé và sông Sài Gòn, nông nghiệp đô thị của thành phố nhiều năm gần đây khởi sắc rõ rệt. Những lợi thế này sẽ được khai thác tốt hơn khi Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu về “cùng nhà” với TPHCM, nơi có thị trường tiêu thụ rộng lớn và trình độ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh. Sở NN-MT đang xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó chú trọng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, giúp người dân xây dựng các thương hiệu nổi bật, hình thành mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước.
“Với sự hợp lực giữa các địa phương, các hoạt động kinh tế nông nghiệp của siêu đô thị sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, từng bước hình thành mũi nhọn trong sản xuất chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, ông Võ Thành Giàu khẳng định. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, nhận định, siêu đô thị TPHCM có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp trang trại, vườn ươm, sinh vật cảnh. Hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ sẽ hỗ trợ năng lực vận chuyển và trao đổi sản phẩm sinh vật cảnh thuận lợi hơn, góp phần mở rộng thị trường và chuỗi cung ứng, tạo thêm điều kiện làm giàu cho nông dân.
Theo Sở NN-MT TPHCM, tính đến tháng 7-2025, toàn thành phố có hơn 900 cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó chủ lực là các cơ sở sản xuất trồng trọt, trang trại chăn nuôi, nuôi thủy sản thương phẩm và cung cấp con giống. Tỷ lệ lao động trong các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đào tạo đạt gần 90%. Các vùng được định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ công nghệ sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tham gia sản phẩm OCOP... Với nhiều chính sách ưu đãi, ngành nông nghiệp đã có đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế của thành phố.