Vu Lan - mùa báo hiếu

Theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm TPHCM, rằm tháng Bảy hàng năm hầu hết các chùa đều tổ chức tặng quà người nghèo, tàn tật, tặng học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. 
 Vợ chồng anh Tú phát quà tặng người nghèo trong lễ Vu Lan tại chùa Phụng Ân Ảnh: HOÀI NAM
Vợ chồng anh Tú phát quà tặng người nghèo trong lễ Vu Lan tại chùa Phụng Ân Ảnh: HOÀI NAM
“Vu Lan về con cài lên ngực, bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha…”. Câu thơ trên nhắc nhớ mọi người cứ tháng Bảy ngày rằm, dù bận rộn công việc đến mấy nhưng ai ai cũng không thể quên đi lễ chùa, để được cài một bông hồng trên ngực tưởng nhớ đến mẹ cha - đấng sinh thành, để được thấy mẹ cha hiện về nhắc nhớ mùa Vu Lan…
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc”
Sân chùa Phụng Ân (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM) hôm nay nghi ngút khói hương và dòng người từ khắp nơi đổ về dự các hoạt động của đại lễ Vu Lan. Đợi một lúc thấy vắng người, ông Hạnh mới bước vào chánh điện quỳ xuống vái lạy. Theo sau ông Hạnh là người phụ nữ dắt hai đứa nhỏ cũng quỳ xụp xuống lạy Phật. Khi nén nhang đã cháy được non nửa, ông Hạnh mới đứng dậy, gạt giọt lệ vương trên khóe mắt: “Thưa mẹ, con về”. “Mẹ tôi mất lâu rồi, nhưng hình ảnh bà thì vẫn còn nguyên trong tâm trí. Năm nào vào ngày này tôi cũng dắt vợ con đến chùa để được thấy mẹ…”, ông Hạnh xúc động nói.
Đứng ở góc sân chùa là một người đàn ông trạc ngũ tuần, mặc chiếc áo xanh nhạt còn lấm đất, hai tay đưa lên vái lạy liên hồi. Người phụ nữ đứng phía sau vừa lẩm nhẩm khấn, vừa giục người đàn ông: “Cậu đã làm điều không phải, nay trước mặt mẹ, cậu xin lỗi mẹ đi”. Một hồi sau, chúng tôi mới thấy hai chị em người phụ nữ lam lũ bước ra khỏi chùa. “Mẹ thiêng lắm, cậu làm gì mẹ biết hết đấy. Lúc mẹ còn sống, cậu hứa với mẹ thế nào mà sao nay lại làm vậy?”. Tiếng người phụ nữ không thôi nhắc người đàn ông về những lời dạy của mẹ, khi họ đã đi khuất phía cuối đường. Với chị Tố Nga, năm nay là năm đầu tiên chị và 7 chị em xa vắng mẹ. Mẹ chị vừa mất hồi tháng 5 vừa rồi. “Vắng mẹ thấy trống vắng lắm. Ngày trước còn mẹ như chỗ dựa tinh thần, như đấng trên cao soi xét những việc làm không phải của mình. Mẹ mất rồi mới thấy hối tiếc đã không nghe lời về những điều mẹ nói”, chị Nga bộc bạch.
Ngày rằm tháng Bảy này ai không còn mẹ sẽ cài một bông hồng trắng trên ngực áo. Những người còn mẹ sẽ cài một bông hồng đỏ. Nhưng trong lễ Vu Lan hôm nay ở chùa Phụng Ân, ai đến dự lễ cũng được sư cô Giới Tánh cài một bông hồng màu đỏ trên ngực. Chỉ khi nghe một đoạn trong bài hát Vu Lan: “Ngày rằm tháng Bảy ôi mùa thu; ôi mùa thu, nhớ ơn sanh thành thắm thiết…”, mà sư cô Giới Tánh cất lên trong nghi thức cầu siêu, chúng tôi mới hiểu được ý nghĩa mà sư cô muốn gửi đến mọi người, dù còn mẹ hay không còn mẹ nhưng đều có niềm hạnh phúc giống nhau, đã giành được trọn tình cảm của mình nhớ về cha mẹ, biết ơn cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục ta nên người, để nhắc nhớ nhau hôm nay: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc…”.
     Nét đẹp văn hóa
Tháng Bảy năm nay vợ chồng anh Tú (đang làm việc tại một đơn vị trong sân bay Tân Sơn Nhất), lần đầu tiên đến chùa Phụng Ân dự lễ Vu Lan. Trước đó, nghe người quen giới thiệu, vợ chồng anh Tú gửi lên chùa vài trăm ký gạo, vài chục thùng mì gói, nước tương để chung tay cùng phật tử gửi tặng những phần quà đến các gia đình khó khăn, người tàn tật, neo đơn. "Vu Lan được làm một việc nhỏ nhưng thiết thực, gia đình tôi thấy vui và ý nghĩa lắm", anh Tú bộc bạch.
Còn gia đình chị Hồng (phường 1, quận 3) dịp này lại tất tả chạy từng bao gạo, thùng mì, chai nước tương, rồi gói ghém lại thành những phần quà nhỏ tìm đến những hoàn cảnh tật nguyền, khó khăn trao tặng. Đây là cách mà chị Hồng nói rất thiết thực và ý nghĩa trong mùa Vu Lan, như thể hiện tấm lòng mình hướng về cộng đồng, xã hội với mong muốn làm được một việc gì đó thay mặt mẹ cha trả ơn đáp nghĩa cho đời. "Mỗi người góp vào một việc nhỏ, để Vu Lan thêm đẹp, thêm ý nghĩa với những người đã khuất và cả những người con đang sống…", chị Hồng vui vẻ nói.   
Theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm TPHCM, rằm tháng Bảy hàng năm hầu hết các chùa đều tổ chức tặng quà người nghèo, tàn tật, tặng học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, mỗi người con Phật hướng lòng mình về với mẹ cha, thể hiện sự báo hiếu, đền đáp công lao của mẹ cha, của bao người đã đem đến cho ta cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hôm nay. Đây là tinh thần báo ân, báo hiếu, nét đẹp văn hóa Phật giáo dân tộc được truyền giữ, phát huy thành giá trị tinh thần, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Tin cùng chuyên mục