Vụ sụt lún đường Trường Sa: Chờ duyệt phương án xử lý

Vụ sụt lún đường Trường Sa: Chờ duyệt phương án xử lý

>> 10 ngày vẫn chưa xác định được nguyên nhân Vụ sụt lún đường Trường Sa, TPHCM
>> Đường Trường Sa sụp lún do nhà thầu Trung Quốc thi công ẩu 
>> Khẩn trương xác định nguyên nhân sụp lún đường Trường Sa
>> 10 ngày vẫn chưa xác định được nguyên nhân Vụ sụt lún đường Trường Sa, TPHCM

(SGGP).- Liên quan đến việc khắc phục quá chậm sự cố lún sụt trên đường Trường Sa (đoạn qua cầu số 5, phường 14, quận Phú Nhuận, TPHCM) thuộc dự án Vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 1), chiều 7-10, Trung tâm điều hành chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập) cho biết, sau gần 2 tháng tiến hành kiểm tra, đã xác định nguyên nhân gây ra sự cố là do mối nối cống băng kênh D600 từ giếng S3-u1 sang giếng S3 bị hở. 

Đường Trường Sa bị sụp lún. Ảnh: T.L

Cũng theo Trung tâm chống ngập, phương án khắc phục đã được nhà thầu Liên danh TMEC/CHEC3 trình Ban vệ sinh môi trường TP phê duyệt. Ngoài ra, do cống băng kênh D600 từ giếng S3-u1 sang giếng S3 băng ngầm dưới lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nên công tác đóng cừ trong lòng kênh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác cô lập nước kênh xâm nhập để thực hiện khắc phục xử lý; độ sâu của cống băng qua kênh nằm sâu dưới lòng kênh (khoảng 7m) cũng gây ảnh hưởng đến công tác khắc phục. Hiện tại, đơn vị thi công đã thực hiện xong công tác đóng cừ, đang thực hiện công tác cô lập nước xâm nhập. Dự kiến công tác khắc phục sẽ hoàn thành sau 75 ngày tính từ ngày 29-9-2016.

Sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm chống ngập đã báo cáo UBND TP về tình hình tiếp nhận đưa vào vận hành khai thác và xử lý sự cố, sự khiếm khuyết của hệ thống cống bao thu gom nước thải thuộc dự án Vệ sinh môi trường, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Theo đó, dự án trên có hai gói thầu thuộc hạng mục thoát nước thải, đó là gói thầu 7 và 7A với 116 giếng và 8km cống hở. Từ khi tiếp nhận đến nay đã xảy ra tới 59 khiếm khuyết, và sự cố tại các hạng mục này, trong đó đã khắc phục 56 khiếm khuyết, sự cố. Trong đó có những sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thoát nước của lưu vực, quản lý vận hành, môi trường và an toàn giao thông trên hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa.

Cụ thể, trong giai đoạn 2012 đến 2015, đã xảy ra hàng loạt sự cố như lún sụt trên tuyến cống dẫn dòng, nước thải trong cống bị nghẽn; đặc biệt hiện tượng nổ tại các giếng thu nước gây hư hỏng, nứt, vỡ mặt đường xung quanh… Trung tâm chống ngập nhận định nguyên nhân các sự cố là do chất lượng thi công không đảm bảo, gây hở mối nối cống; khí phát sinh trong tuyến cống bao nhưng thiết kế không có đường thoát khí. Sự cố đã làm một lượng lớn đất đá theo tuyến cống chảy về trạm bơm, buộc trạm bơm ngưng một thời gian và chỉ vận hành cầm chừng, nên một số lượng lớn nước thải đã chảy ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước trong kênh. Hệ thống thu gom nước thải dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè liên tục xảy ra sự cố với tần suất ngày càng cao, nhất là vào thời điểm mùa mưa, đã cho thấy có nhiều thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng hệ thống. Trung tâm chống ngập đề xuất ngoài việc khẩn trương khắc phục sửa chữa, cần tiến hành tổng kiểm tra ống ngầm bằng camera quan sát đối với 18 tuyến cống băng kênh còn lại để đánh giá lại chất lượng công trình đã thi công.

Hiện tại, hạng mục giếng thu gom nước thải thuộc dự án trên đã được bàn giao cho Trung tâm chống ngập khai thác vận hành. Tuy nhiên, hạng mục giếng còn trong giai đoạn bảo hành công trình, do đó, chủ đầu tư là Ban Vệ sinh môi trường TP có trách nhiệm thực hiện việc khắc phục xử lý sự cố nêu trên.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục