Vùng bưng 6 xã chuyển mình

Căn cứ Vùng bưng 6 xã đi vào lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc, nay thuộc địa bàn quận 2 và quận 9, TPHCM thay da đổi thịt. 
 Vùng bưng 6 xã năm xưa nay đã thành Khu công nghệ cao TPHCM
Vùng bưng 6 xã năm xưa nay đã thành Khu công nghệ cao TPHCM
Chúng tôi trở lại vùng căn cứ xưa và ghi nhận rất nhiều đổi thay và cảm nhận sự hy sinh cao cả của người dân vùng bưng.

Đổi thay từng ngày

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là một địa chỉ đỏ: khu di tích căn cứ Vùng bưng 6 xã, trên đường Lã Xuân Oai, bên cạnh cầu Tăng Long. Người hướng dẫn chỉ sơ đồ, giới thiệu cho chúng tôi cùng nhóm học sinh đang có đợt tham quan, tìm hiểu lịch sử tại đây: Căn cứ Vùng bưng ra đời từ năm 1946, trải rộng trên địa bàn 6 xã: Long Trường, Phú Hữu, Phước Long, Tăng Nhơn Phú, Bình Trưng và An Phú. Vùng sông nước với nhiều đầm lầy, cây dại là căn cứ của cơ quan Đảng bộ huyện Thủ Đức và cũng là cứ địa an toàn của lực lượng vũ trang trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Đây là một trong những điểm tập trung quân chủ lực chờ hiệu lệnh tổng tiến công tiến về giải phóng Sài Gòn. Những chiến công hiển hách một thời vẫn còn ghi trên mỗi hiện vật, tài liệu trưng bày ở đây.

Vùng bưng 6 xã đang đổi thay từng ngày. Cách khu di tích không xa là đại lộ Võ Chí Công vừa mới khánh thành đưa vào sử dụng. Đại lộ gần như chạy xuyên  suốt khu căn cứ xưa. Điểm đầu là xa lộ Hà Nội (quận 9), rồi chạy dọc theo Khu công nghệ cao TPHCM, nối tiếp Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), vượt cầu Phú Mỹ đến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Những con đường nhỏ một thời đã được thay dần bằng những tuyến đường lớn, hiện đại ngang dọc, như đường Mai Chí Thọ, đường cao tốc, đường Đồng Văn Cống, đường Nguyễn Thị Định… Dọc hai bên đường là các nhà máy quy mô, cao ốc khang trang, những khu mua sắm hiện đại san sát. 

Khu công nghệ cao TPHCM đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng đất xưa. Với quy mô rộng trên 900ha, qua hơn 10 năm xây dựng, một khu sản xuất công nghiệp công nghệ cao đã hình thành, đầu tiên của cả nước. Khu công nghệ cao đã thu hút trên 100 công ty đến đầu tư. Nơi đây không chỉ là đất lành cho doanh nghiệp trong nước, mà còn có mặt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới từ Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ý, Hàn Quốc…

Bên cạnh Khu công nghệ cao TPHCM là Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy mô trên 70ha cũng đang hình thành. Chị Trần Thị Hằng (nhân viên Sacombank, nhà ở đường Trần Não (quận 2) kể: “Chừng 10 năm trước, hai bên con đường nhỏ từ cầu Sài Gòn vào nhà toàn là ao rạch. Không chỉ dọc đường Trần Não, mà dọc xa lộ Hà Nội cũng chỉ thấy dừa nước, nhưng nay đã mọc lên phố xá khang trang, hiện đại. 

Sự hy sinh thầm lặng

Tại Vùng bưng 6 xã năm xưa bây giờ đã mọc lên nhiều nhà máy, cao ốc, những khu đô thị hiện đại. Để có hình hài đô thị hiện đại hôm nay là sự hy sinh thầm lặng của hàng ngàn hộ dân. Ngày trước người dân Vùng bưng 6 xã bám ấp, giữ nhà để nuôi giấu, che chở cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng; nay chấp hành chủ trương di dời, chia tay nơi chân rau cắt rốn, để nhường đất cho những công trình.

Là người dân Vùng bưng 6 xã, gắn bó với Khu công nghệ cao TPHCM từ những ngày đầu, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, kể: “Để thực hiện dự án Khu công nghệ cao TPHCM, quận 9 phải di dời cư dân của 5 phường trên địa bàn. Trên 3.200 hộ dân phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để chuyển đến nơi ở mới, vì sự nghiệp chung. Trong việc hình thành Khu công nghệ cao TPHCM có phần đóng góp, sự hy sinh vô bờ bến của người dân Vùng bưng 6 xã”.

Để chia sẻ khó khăn với những người dân Vùng bưng 6 xã phải di dời, lãnh đạo chính quyền các cấp liên quan đã xắn tay vào cuộc. Ngoài việc tăng thêm tiền hỗ trợ đền bù, giữa năm 2016 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người dân để tìm tiếng nói chung và đã công khai xin lỗi bà con vì sự chậm trễ của mình trong việc gặp gỡ người dân. Buổi gặp gỡ đã kéo dài hơn dự kiến vì người dân cũng như lãnh đạo thành phố đều muốn bày tỏ ý kiến chân thành của mình. 

Để giải tỏa 719ha thực hiện khu đô thị mới, quận 2 cũng phải di dời trên 12.500 hộ dân. Hiện đã có 99,97% số hộ dân được di dời, tương ứng 99,45% diện tích cần giải tỏa. Ngoài sự linh hoạt tăng tiền hỗ trợ để giảm thiệt thòi cho người dân, các cấp, các ngành của TP và Trung ương cũng đã và đang vào cuộc để nỗ lực tháo gỡ khó khăn, bức xúc, tìm sự đồng thuận trong dân, chung tay xây dựng TP ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục