Những kiểu “tiếp thị” không thể chấp nhận

Những kiểu “tiếp thị” không thể chấp nhận

Dư luận đang rất phẫn nộ về loạt ký sự của Chae Sung Woo viết về việc các cô gái VN lấy chồng Hàn Quốc (qua lược dịch của một nữ ký giả HQ trên một tờ báo VN). Nhưng trên thực tế, những hoạt động “tiếp thị” của các tổ chức môi giới hôn nhân HQ về các cô dâu người Việt Nam mà phóng viên báo SGGP có mặt tại HQ ghi nhận được còn sặc mùi kinh doanh, vô cảm hơn.

Những kiểu “tiếp thị” không thể chấp nhận ảnh 1

Một áp phích quảng cáo cô dâu VN ở Hàn Quốc.

Không quá khó khăn để nhìn thấy những tấm băng rôn quảng bá, tiếp thị rầm rộ cho dịch vụ môi giới hôn nhân Hàn - Việt giăng trên những đường phố, khu dân cư của Hàn Quốc, nhất là ở các tỉnh xa trung tâm.

Đó là: “Hãy cưới vợ Việt Nam”; “Người già, người tàn tật, người muốn tái hôn...thì vẫn có thể  (lấy được cô gái Việt còn trinh)” hoặc “Cô dâu Việt Nam đã sẵn sàng, chỉ còn… (ý định của bạn).  Không chỉ quảng bá trên các băng rôn, các công ty môi giới của Hàn Quốc còn tung thông tin mời chào, kèm những tấm chân dung của nhiều cô gái VN lên các trang quảng cáo báo in, báo điện tử và mạng Internet.

Truy cập vào trang web của Công ty môi giới hôn nhân quốc tế Cyclo wedding ở Seoul, tôi được mục kỉnh hàng chục tấm ảnh chân dung của các cô gái VN kèm những thông số về tuổi tác, chiều cao, cân nặng.… Một người Hàn Quốc còn cho biết: nếu là thành viên của dịch vụ này bạn sẽ được xem cận cảnh hình ảnh, “thông tin sâu” của cô gái mà mình muốn chọn… Những ngày gần đây, sau “sự kiện Chosun”, hình ảnh, thông tin về các cô gái VN trên các trang web có chừng mực hơn nhưng vẫn còn đầy rẫy.

Được biết, trong năm 2005, nếu cô dâu Trung Quốc đứng đầu bảng topten người nước ngoài lấy chồng HQ với 20.635 trường hợp thì cô dâu VN đứng thứ hai với gần 6.000 cô dâu nhập cảnh vào Hàn Quốc. Trước đây, muốn lấy vợ Việt Nam, mỗi chú rể HQ phải bỏ ra từ 15.000 đến 20.000 USD cho các công ty môi giới ở Hàn Quốc. Nhưng hiện nay, do nhiều công ty môi giới cạnh tranh khai thác dịch vụ béo bở này nên giá cả trọn gói lấy vợ VN giảm còn trên 10.000 USD gồm từ vé máy bay, tổ chức đám cưới, du lịch...

Thế nhưng trong số lợi nhuận kiếm được từ dịch vụ này, phía nhà gái-cô dâu VN chỉ nhận được nhiều nhất là 200-300 USD, còn lại những đường dây mai mối quốc tế ôm trọn. Có lẽ với lợi nhuận quá lớn như vậy nên nhiều công ty môi giới HQ đã không ngại ngần dùng những từ ngữ “kêu rủng rẻng”, mà trên thực tế chỉ có thể dùng để rao bán những món hàng hóa.

Nhiều người Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc và cả những người dân Hàn Quốc mà chúng tôi gặp đều rất bức xúc và cho rằng các cơ quan có chức năng cần phải lên tiếng để chấm dứt những kiểu “tiếp thị” thiếu văn hóa như vậy.

Khánh Bình

Thông tin liên quan:

Lấy chồng Hàn Quốc: Thực không như mơ

Vụ bài báo về cô dâu Việt: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

Hàn Quốc: Biểu tình phản đối bài báo về cô dâu Việt

Tôi chính thức xin lỗi nhân dân Việt Nam

Nhật báo Chosun đã bôi nhọ danh dự phụ nữ Việt Nam

Yêu cầu báo Chosun chính thức xin lỗi

Tin cùng chuyên mục