Người về hưu

Bài 2: Chế độ chính sách có đủ, nhưng...

Vui là chính...

Năm 2007, mức lương hưu thấp nhất theo quy định của Nhà nước là 450.000 đồng/tháng. Và theo Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008 – 2012 của Bộ LĐTB-XH, phương án 1 tăng 15%, phương án 2 tăng 20%. Nếu tính theo phương án 1 thì mức lương tối thiểu nếu được áp dụng... cũng không cải thiện được là bao: năm 2008 sẽ là 518.000 đồng/tháng, 2009 tăng lên 595.000 đồng/tháng và 2010 sẽ là 648.000 đồng/tháng. Người về hưu còn khoản thu gì khác không? Với mức lương như vậy họ sống ra sao?

Vui là chính...

Nghỉ (hưu), thế là khỏe rồi, nhiệm vụ đã hoàn thành, khỏi lo nữa, mọi chế độ chính sách đã có Nhà nước, các bác, các cụ cứ về vui thú điền viên với con cháu, thế là tốt rồi. Còn nếu muốn sinh hoạt, hội hè, gặp gỡ bạn hữu… đã có Câu lạc bộ hưu trí và Hội Người cao tuổi.

Ông Hồ Xuân Lai, chuyên viên Vụ Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB-XH hào hứng như đang diễn thuyết trước các cử tọa: cả nước có tới 7,3 triệu người cao tuổi, nhưng hội viên của hội tính cả người dưới 60 tuổi thì có tới 8 triệu người (1/10 dân số cả nước). Và các cụ còn ác chiến lắm, vẫn tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể.

Ở Ninh Thuận có 3.750 cụ, Thanh Hóa 1.277 cụ, Đồng Nai 281 cụ… Còn văn hóa văn nghệ, thể thao cũng vẫn tươi trẻ và yêu đời lắm. Toàn quốc hiện có 85% các tỉnh thành có câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời...

Đấy có vẻ là một phần cuộc sống tinh thần của các cụ (vâng theo chúng tôi chỉ là một phần thôi). Thế còn cuộc sống vật chất thì sao? Các câu lạc bộ, hội người cao tuổi còn các hoạt động gì khác không? Và liệu “vui là vui đấy”, nhưng có “khỏe” không?

Giọng ông Hồ Xuân Lai hơi chùng xuống: Thì cũng chỉ vui là chính thôi và như để trả lời câu hỏi sau của tôi, ông cung cấp các con số: Theo điều tra gần đây nhất, trong tổng số 1,4 triệu người về hưu toàn quốc, hiện chỉ có 5,7% sức khỏe tốt, 22,9% sức khỏe kém, 56,7% bệnh ảnh hưởng tới vận động và cứ một người về hưu trung bình mang trong người 2,69% bệnh.

Chính sách, chế độ có đủ cả... nhưng

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Bộ LĐTB-XH cho rằng mọi chế độ, chính sách cho người về hưu đều được bảo đảm đầy đủ và luôn được cải tiến – lương hưu luôn được điều chỉnh theo chỉ số giá cả và mức tăng trưởng kinh tế quốc dân.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ năm 2003 – 2007 mà Nhà nước có tới 3 lần cải thiện chế độ tiền lương cho người về hưu, theo đó (mức thấp nhất): năm 2003 từ 210.000 lên 290.000 đồng/tháng, năm 2005 lên 350.000 đồng/tháng, rồi năm 2006 là 450.000 đồng/tháng. Nhưng ông Tân cũng thừa nhận: Mức lương đó so với cuộc sống thì vẫn còn khoảng cách.

Cái khoảng cách đó có thể mường tượng ra sao? Chúng tôi hỏi mấy bà nội trợ và ngồi liệt kê đủ loại mắm muối tương cà, điện nước, rồi mạn phép tự “kê toa” căn bản cho các bác các cụ – tạm coi là “nhu yếu phẩm” thôi, thì mới sơ sơ đã “bó tay.com”: gạo thường 5.000 đồng/kg, tính 15kg/tháng (nghĩa là vẫn lấy cơm… làm chính), rau mỗi bữa 2.000 đồng, xào 2.000 đồng, cá hoặc thịt mỗi bữa 50g (ăn ít để giảm cholesteron), cũng chỉ tính trung bình 60.000 đồng/kg – thì vị chi cũng đã xoẳn củ kiệu cái đồng lương tối thiểu của người về hưu.

Viết tới đây, tôi nhớ xót lòng ông bác, mấy năm trước khi mất, viết thư cho con nói: “Con có mì chính (bột ngọt) gửi cho cậu mợ một ít để ăn đánh lừa cảm giác”... Như vậy là các cụ khỏi chát chít, alô ai lo và cũng nghỉ luôn cả đọc báo.

Ấy là chưa nói tới các khoản lằng nhằng nhưng hôm nào cũng phải xài như đánh răng, củi lửa, điện nước, áo quần, giày dép… đành nhờ vợ, nhờ con. Ở một mình, thêm khoản này nữa thì nguy. Các khoản này chi li một tháng cũng 700 – 800 ngàn đồng chứ ít gì.

Và như vậy, tổng chi cũng lên tới 1,2 – 1,3 triệu đồng/tháng, bằng cộng thêm một phần lương hưu… Và cũng phải cầu cho các cụ luôn mạnh khỏe, đừng đau ốm mà sinh chuyện ra.

Có ai muốn về hưu?

Bà cô tôi làm cái chân long tong ở Pháp, mà khi về hưu, năm nào cũng túc tắc đi du lịch nước ngoài hàng tháng. Hôm rồi bà còn sốt sắng mời tôi: “Hai vợ chồng cháu chỉ lo mua vé sang đây với cô, cô bao hết kể cả đi Mỹ, đi Thụy Sĩ…”.

Chẳng riêng gì ở Pháp, Mỹ, Nhật, Đức… mà nhiều quốc gia khác cũng vậy, người về hưu là nghỉ dưỡng già, được nhà nước chăm sóc đầy đủ. Nghe mà phát ham.

Còn ở ta, với mức lương tụt giảm còn khoảng 10% – 20% so với thu nhập khi còn làm việc (mà thu nhập đó cũng đã mệt mỏi rồi) thì liệu có ai muốn về hưu không? Chắc là ít ít thôi. Trong khi đó thì Nhà nước vận động nếu ai về hưu sớm sẽ được hưởng một cục…

Và theo Chỉ thị 668/TTC, để “Thực hiện đúng chính sách chế độ giữa các thế hệ”, Thủ tướng yêu cầu: Các bộ trưởng, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ giải quyết các chế độ chính sách… để cán bộ viên chức, nghỉ hưu đúng chế độ.

Đối với cán bộ viên chức do Thủ tướng bổ nhiệm thì lập danh sách trình Thủ tướng quyết định. Trong trường hợp đặc biệt cần thiết thì có thể kéo dài thời gian công tác, nhưng không quá 5 năm so với tuổi quy định.

Đến tuổi nghỉ hưu đó là một quy luật, không muốn cũng nên về để lớp trẻ tiến lên, để xã hội phát triển. Nhưng về hưu như hiện nay thì quả là… một nỗi lo lắng ám ảnh người ăn lương đang chực chờ tới tuổi… dưỡng già, hưởng phước…

Kỳ tiếp: Dự án hỗ trợ người về hưu.

Nghiêm Minh

- Bài 1: Cái giá của 75%...

Tin cùng chuyên mục